Ngủ ngon giấc không chỉ khiến cho tâm trạng của bạn tốt hơn, nhiều năng lượng làm việc hơn mà nó còn liên quan việc giúp bạn có sức khỏe tốt hơn và là tiền đề để sống thọ hơn.
1. Tại sao ngủ ngon sống lâu hơn?
Trong cuộc sống hiện đại có rất nhiều thứ khiến chúng ta bận tâm và có giấc ngủ muộn hơn mỗi đêm ví dụ như một chương trình yêu thích, facebook hay có những người cần phải làm việc nhiều hơn. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ, sức khỏe và và gián tiếp gây giảm tuổi thọ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc ngủ ngon sống lâu hơn. Một nghiên cứu trên gần 16.000 người trưởng thành Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên có một giấc ngủ ngon cũng là những người có sức khỏe và tuổi thọ tổng thể tốt hơn, liên quan tới việc sống lâu hơn. Với những người ngủ ít hơn thường gặp phải ít nhất một tình trạng bệnh mạn tính hoặc thường xuyên phải chiến đấu với công việc hàng ngày một cách mệt mỏi.
Khi chúng ta ngủ không đủ giấc hay ngủ không ngon giấc có thể làm tăng nguy gặp phải những vấn đề về sức khỏe sau:
- Gây ra mệt mỏi hay dễ bị ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài tới tâm trạng. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở người ngủ không ngon giấc hơn.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu sẽ tăng khả năng mắc bệnh lý nhiễm khuẩn. Tăng nặng bệnh lý nhiễm khuẩn thông thường, đặc biệt tình trạng này nguy hiểm hơn ở người lớn tuổi.
- Ngủ không ngon làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì.
- Ngủ quá ít cũng khiến bạn có nguy cơ gây ra những tai nạn có thể dẫn tới tử vong. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy ngủ sáu giờ mỗi đêm làm tăng 33% nguy cơ bị tai nạn ô tô so với ngủ bảy hoặc tám giờ mỗi đêm. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng 9% các vụ tai nạn xe cơ giới có thể là do những người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm.
- Ngoài ra, một điều đáng lưu ý là việc chúng ta ngủ quá nhiều trên 9 tiếng mỗi đêm cũng tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính, béo phì, đột quỵ.
Như vậy, một giấc ngủ ngon là một tiền đề để có một sức khỏe tốt và sống thọ hơn. Giấc ngủ ngon, ngủ sâu và ngủ đủ giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn, nhiều năng lượng để làm việc và sinh hoạt mỗi ngày.
2. Bạn cần ngủ bao nhiêu là đủ?
Ngủ đủ rất quan trọng, nhưng chúng ta chưa hẳn đã biết ngủ như thế nào là đủ. Với từng lứa tuổi thì lại có thời gian ngủ khác nhau.
- Trẻ sơ sinh (từ 0-3 tháng tuổi) cần ngủ 14-17 giờ mỗi ngày. Hầu hết thời gian của trẻ là để ngủ, giai đoạn này việc ngủ rất quan trọng với trẻ.
- Trẻ sơ sinh (4-11 tháng tuổi) cần 12-15 giờ mỗi ngày. Lúc này trẻ thường tập chung ngủ chủ yếu vào ban đêm.
- Trẻ mới biết đi (từ 1-2 tuổi) cần khoảng 11-14 giờ mỗi ngày.
- Trẻ em mẫu giáo (3-5 tuổi) cần 10-13 giờ mỗi ngày.
- Trẻ em trong độ tuổi đi học (6-13 tuổi) cần 9-11 giờ mỗi ngày.
- Thanh thiếu niên (14-17 tuổi) cần khoảng 8-10 giờ mỗi ngày.
- Hầu hết người trưởng thành cần từ 7 đến 9 giờ.
- Người lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên) cần ngủ 7-8 giờ mỗi ngày.
Người trưởng thành cần ngủ tổng thời gian trong ngày từ 7 đến 9 tiếng là đủ, thời gian ngủ nên tập chung vào buổi tối hơn là ban ngay. Một số nghiên cứu thấy rằng việc ngủ dưới 7 tiếng hay trên 9 tiếng mỗi ngày hay có thời gian ngủ vào ban ngày lớn hơn 90 phút đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Cụ thể là làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, nguy cơ ung thư và mắc các bệnh rối loạn tâm thần như trầm cảm.
3. Làm sao để ngủ ngon hơn mỗi đêm?
Mất ngủ thường là một vấn để khá thường gặp và đôi khi cũng rất khó để kiểm soát. Tuy nhiên, bạn có thể được lợi ích nhất định từ việc vệ sinh giấc ngủ mỗi ngày, điều đó làm tăng thời gian ngủ hơn mỗi đêm. Một số biện pháp vệ sinh giấc ngủ bạn có thể áp dụng để ngủ ngon hơn bao gồm:
- Thiết lập một lịch trình ngủ không thay đổi với cùng một giờ đi ngủ kể cả vào cuối tuần hoặc ngày lễ.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia và cafein, nhất là trước khi đi ngủ.
- Tránh việc sử dụng các thiết bị mang ánh sáng xanh như điện thoại, máy tính, hay các thiết bị khác trong một giờ hoặc hơn trước khi đi ngủ.
- Thư giãn trước khi đi ngủ, học cách tránh lo lắng và suy nghĩ trước khi đi ngủ.
- Tạo một phòng ngủ đủ ấm và an toàn, hạn chế ánh sáng tối đa và tiếng ồn.
- Nên tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần và lưu ý nên tập trước ít nhất 5 tiếng trước khi đi ngủ. Tránh tập thể dục trước khi ngủ, do làm tăng thân nhiệt sẽ gây khó ngủ.
- Nếu bạn thấy mình đang khó ngủ, không cố ngủ trên giường mà hãy đứng dậy và làm điều gì đó yên tĩnh, chẳng hạn như đọc sách, viết nhật ký cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ.
- Đặt mục tiêu không ngủ trưa quá 30 phút hoặc không ngủ thêm giấc vào chiều để không làm lộn xộn lịch trình giấc ngủ đêm của mình.
- Nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để tăng tương quan giữa đồng hồ sinh học và ánh sáng mặt trời.
Ngủ ngon sống lâu là điều đã được nhiều nghiên cứu chứng minh, cho nên để sống khỏe ngay hôm nay thì bạn cần học cách để ngủ ngon hơn mỗi ngày. Nếu gặp phải các vấn đề về sức khỏe thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, verywellhealth.com