Nẹp bột và máng bột là 2 trong số nhiều kỹ thuật chấn thương chỉnh hình dùng để điều trị các vấn đề về xương, đặc biệt là gãy xương. Vậy máng bột – nẹp bột có tác dụng gì trong việc hồi phục giải phẫu cũng như chức năng xương?
1. Tìm hiểu về nẹp bột – máng bột
1.1. Nẹp bột là gì?
Nẹp bột là kỹ thuật đơn giản để giữ vùng xương bị gãy bất động bằng cách sử dụng nẹp. Thông thường, nẹp bột được sử dụng trong việc khắc phục các tổn thương ở vùng khớp. Kích thước của vòng nẹp bột sẽ không chiếm quá 1/3 chu vi của chi được điều trị.
Vậy nẹp bột có tác dụng gì khi điều trị?
Nẹp bột được sử dụng để bất động 1 khớp hoặc nhiều khớp trên cùng chi, do đó được chia thành nhiều loại tùy theo vị trí chi nẹp như:
- Nẹp bột Cẳng – bàn tay nhằm bất động khu vực khớp – cổ tay.
- Nẹp bột Cánh – cẳng – bàn tay để bất động vùng khớp cổ tay và khớp khuỷu.
- Nẹp bột Đùi – Cẳng – Bàn chân với mục tiêu bất động đồng thời nhiều khớp bị tổn thương như khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn chân và khớp ngón chân.
1.2 Máng bột là gì?
Máng bột cũng là một phương thức nẹp bột nhưng với đường kính rộng hơn. Thông thường, đường kính của vòng máng không vượt quá 1⁄2 của chi được điều trị. Tuy nhiên, điều này không có nhiều ý nghĩa.
Kỹ thuật máng bột được sử dụng để bất động các khớp lớn hoặc nhiều khớp nhỏ có tổn thương nghiêm trọng.
2. Nẹp bột – máng bột được chỉ định khi nào?
Cả nẹp bột và máng bột đều có ít tác dụng bất động và hiệu quả không vững chắc. Tuy nhiên, 2 kỹ thuật này có nhiều ưu điểm như:
- Hiếm khi gây ra các biến chứng do chèn ép bột.
- Phương tiện tiện lợi, phổ biến hàng ngày, đặc biệt là đối với những tổn thương nhỏ.
- Hỗ trợ cho việc bất động sau phẫu thuật hoặc chờ mổ rất hiệu quả.
Vì vậy, máng bột và nẹp bột được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Có tổn thương khớp ở mức độ nhẹ như bong gân, tụ máu...
- Cần thực hiện bất động tạm thời để chờ mổ.
- Sau khi phẫu thuật điều trị các tổn thương – bệnh lý liên quan đến khớp...
- Hỗ trợ bất động cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật kết hợp xương không vững chắc.
- Sau khi phẫu thuật chuyển vạt da/vá da...
3. Phân biệt một số kiểu nẹp bột – máng bột dựa trên vị trí điều trị
Cẳng – bàn tay
Thường được tiến hành ở vùng mỏm khuỷu đến khớp bàn tay – ngón tay. Nẹp bột/máng bột trong trường hợp này thường sử dụng cỡ nhỏ đến trung bình.
Cánh – cẳng – bàn tay
Thực hiện tương tự như khi nẹp bột ở Cẳng – bàn tay, tuy nhiên, chiều dài nẹp bột lúc này có thể dài hơn. Bệnh nhân sẽ giữ tư thế của khuỷu 90 độ.
Cẳng – bàn chân
Giới hạn nẹp bột sẽ từ dưới nếp khoeo đến các ngón chân. Thông thường, các bác sĩ cần sử dụng khoảng 3 – 4 cuộn bột thạch cao kích cỡ 15cm trong trường hợp này.
Đùi – cẳng – bàn chân
Ở trường hợp này, các bác sĩ sẽ nẹp bột từ phía bên trên tại nếp lằn mông cho đến cuối các ngón chân. Nẹp bột thường phải sử dụng loại rất dài, đặt người bệnh ở tư thế nằm sấp để dễ dàng thực hiện kĩ thuật này.
Trong trường hợp bệnh nhân không thể nằm sấp do nhiều nguyên nhân như hôn mê, đang bị gây mê để chuẩn bị phẫu thuật, bị vỡ xương chậu hay đa chấn thương..., bệnh nhân cần phải đặt nằm ngửa để nẹp/máng bột. Do đó, lúc này kỹ thuật viên cần có cách xử lý để thuận tiện hơn.
Máng bột được sử dụng khi nẹp Đùi – Cẳng – Bàn chân sẽ là loại lớn, đúng form chân của bệnh nhân và có hiệu quả bất động tốt, do đó tạo cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, thực hiện bằng máng bột sẽ gây tiêu tốn bột nhiều hơn.
Đùi – cổ chân
Có phương thức thực hiện tương tự như Đùi – Cẳng – Bàn chân, tuy nhiên chỉ làm từ phần mông đến cổ chân, bỏ qua bàn chân.
Giường bột
Giường bột trên thực tế là một loại máng bột lớn dùng để bất động toàn thân, được sử dụng trong các trường hợp tổn thương phức tạp tại vùng cột sống. Ngoài ra, giường bột cũng thường được sử dụng để điều trị bệnh lao cột sống.
Hiện nay, giường bột rất ít được sử dụng vì các kỹ thuật phẫu thuật cột sống đã có nhiều phát triển trong thời gian gần đây. Do đó, phương tiện này chỉ còn được sử dụng tại các vùng sâu vùng xa ít điều kiện phẫu thuật hoặc chỉ dùng để bất động bệnh nhân tạm thời trong quá trình vận chuyển.
4. Một số tai biến có thể gặp do nẹp bột – máng bột điều trị gãy xương
Tuy rất hiếm gây ra các biến chứng, nhưng nẹp bột và máng bột vẫn có thể gây ra một số rủi ro, đặc biệt là đối với trường hợp làm giường bột, bao gồm:
- Rối loạn hô hấp.
- Huyết áp và mạch đập có dấu hiệu nhanh bất thường...
Lúc này, bệnh nhân cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời bằng các phương thức hỗ trợ hô hấp, truyền dịch...
Có thể thấy, tuy là những kỹ thuật đơn giản nhưng trên thực tế, máng bột và nẹp bột vẫn có rất nhiều tác dụng đáng kể trong điều trị gãy xương và chấn thương khớp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.