Thắt búi trĩ hay cắt trĩ ngoại là những phương pháp chữa bệnh trĩ thường được các bác sĩ áp dụng hiện nay, tùy theo tình trạng của người bệnh. Thắt búi trĩ là một kỹ thuật thường được áp dụng cho các trường hợp trĩ nội ở giai đoạn sớm, trong khi cắt trĩ ngoại lại là phương pháp phẫu thuật truyền thống, thường chỉ định cho các trường hợp trĩ ngoại gây ra nhiều biến chứng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thắt búi trĩ là gì?
Thắt búi trĩ đã được sử dụng từ lâu như một phương pháp điều trị bệnh trĩ. Trong quy trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để giữ cố định búi trĩ của bệnh nhân, sau đó sẽ tiến hành thắt phần đáy của búi trĩ bằng một vòng cao su. Sau khoảng một tuần hoặc lâu hơn, búi trĩ sẽ co lại và tự rụng.
- Một trong những ưu điểm của phương pháp thắt búi trĩ là phương pháp này không làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, cho phép họ điều trị ngoại trú mà không phải nằm viện.
- Nhược điểm: Phương pháp này chỉ phù hợp với các búi trĩ có kích thước nhỏ. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau, thậm chí đau dữ dội trong quá trình thắt và khi trở về nhà. Đôi khi bệnh nhân cần thắt nhiều lần để cắt đứt hoàn toàn mạch máu nuôi dưỡng búi trĩ, giúp búi trĩ tự rụng.
Quy trình thực hiện thắt búi trĩ được mô tả như sau:
- Tư thế bệnh nhân: Nghiêng trái, đầu gối co về phía ngực tạo giữa đùi và bụng, giữa cẳng chân và đùi góc 90 độ.
- Chuẩn bị: Hậu môn được làm sạch và bôi trơn bằng gel.
- Khám và xác định: Bác sĩ tiến hành khám và soi hậu môn để xác định chính xác vị trí, kích thước và số lượng búi trĩ cần thắt.
- Thực hiện thủ thuật:
- Dụng cụ thắt vòng cao su được lắp vào ống soi.
- Búi trĩ được kéo vào ống hình trụ của dụng cụ.
- Vòng cao su được kích hoạt để siết chặt vào gốc búi trĩ, cắt đứt nguồn máu nuôi dưỡng.
- Mỗi lần thực hiện thủ thuật có thể thắt từ 1 đến 3 búi trĩ.
- Lưu ý: Vị trí thắt phải trên đường lược ít nhất 5mm để tránh gây đau.
- Theo dõi và chăm sóc sau thủ thuật:
- Giai đoạn đầu: Bệnh nhân đi lại nhẹ nhàng, vệ sinh hậu môn sạch sẽ bằng nước, tránh rặn mạnh khi đi đại tiện.
- Báo ngay cho bác sĩ khi xuất hiện dấu hiệu đau nhiều vùng hậu môn, sốt, chảy máu hậu môn.
- Điều trị hỗ trợ: Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc nhuận tràng, ngâm hậu môn bằng dung dịch muối ấm pha Betadin loãng.
- Kiểm tra định kỳ: Bệnh nhân quay lại bệnh viện để nội soi trực tràng sau 1 tháng nhằm đánh giá hiệu quả điều trị.
2. Cắt trĩ ngoại là gì?
Khác biệt với việc thắt búi trĩ nội, phẫu thuật cắt trĩ ngoại giúp loại bỏ hoàn toàn búi trĩ. Phương pháp này có hiệu quả điều trị cao và ít có khả năng tái phát bệnh. Ngày nay, có nhiều kỹ thuật cắt trĩ ngoại tiên tiến, người bệnh có thể chọn lựa tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mình.
- Phương pháp PPH trong cắt trĩ ngoại: Máy kẹp được đưa vào niêm mạc trực tràng để loại bỏ các búi trĩ.
- Phương pháp Longo: Sử dụng máy cắt và khâu để kéo búi trĩ về vị trí bình thường. Sau đó, các tĩnh mạch nuôi dưỡng búi trĩ ngoại sẽ được khâu lại, khiến búi trĩ ngoại tự teo nhỏ và rụng.
- Phương pháp Milligan Morgan: Búi trĩ ngoại được cắt bỏ hoàn toàn, sau đó bác sĩ sẽ khâu lại niêm mạc da để bảo vệ bề mặt ống hậu môn, giảm tổn thương.
- Phương pháp HCPT sử dụng sóng cao tần: Với nhiệt độ từ 70 - 80 độ C, sóng cao tần được dùng để cầm máu đến búi trĩ, sau đó thực hiện cắt bỏ búi trĩ ngoại.
Phương pháp cắt búi trĩ ngoại mang đến hiệu quả tốt hơn so với thắt búi trĩ, do tỷ lệ tái phát thấp hơn và bệnh nhân cảm thấy ít đau đớn hơn.
- Lợi ích: Phương pháp này có khả năng điều trị dứt điểm bệnh trĩ, nguy cơ tái phát thấp và ít gây đau hơn so với phương pháp thắt búi trĩ truyền thống.
- Hạn chế: Chi phí thực hiện khá cao và thời gian hồi phục tối thiểu là 2 tuần. Bệnh nhân cần phải có chế độ chăm sóc thích hợp, tránh các hoạt động nặng.
3. Chích xơ búi trĩ là gì?
Một phương pháp chữa bệnh trĩ khác là chích xơ búi trĩ. Các bác sĩ sẽ tiêm cồn 70 độ hoặc chất làm xơ vào búi trĩ, giúp các búi trĩ teo nhỏ dần theo thời gian. Cách này ít gây đau và ít để lại biến chứng, nhưng không tiên tiến và hiệu quả bằng việc cắt bỏ búi trĩ ngoại.
4. Nên thắt búi trĩ hay cắt trĩ ngoại?
Dựa trên kinh nghiệm của các bác sĩ, việc thắt búi trĩ hay cắt trĩ ngoại đều là các phương pháp điều trị bệnh trĩ phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, đối với mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra chỉ định khác nhau.
- Trĩ cấp độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn và không gây nhiều khó chịu, hoặc nếu có thì vẫn nằm trong mức độ người bệnh có thể chịu đựng.
- Trĩ cấp độ 2: Búi trĩ nằm gọn trong ống hậu môn ở trạng thái bình thường. Khi đi đại tiện, búi trĩ có thể lòi một phần ra ngoài nhưng sau đó tự co vào lại bên trong.
- Trĩ cấp độ 3: Búi trĩ có thể tự động sa ra ngoài khi người bệnh đi lại nhiều, ngồi xổm hoặc làm việc nặng. Người bệnh vẫn có thể dùng tay đẩy búi trĩ vào lại nếu kích thước không quá lớn.
- Trĩ cấp độ 4: Búi trĩ luôn nằm ngoài hậu môn và không thể dùng tay đẩy trở lại vào trong.

Đối với trĩ cấp độ 1 và 2, phương pháp điều trị được khuyến nghị là thắt búi trĩ. Còn với trĩ cấp độ 3 và 4, biện pháp điều trị được chỉ định là phẫu thuật cắt trĩ ngoại.
5. Búi trĩ có tự teo lại không?
Nhiều người thường thắc mắc búi trĩ có tự teo lại không thì trong một số trường hợp là có. Tuy nhiên, các triệu chứng như đau và chảy máu có thể kéo dài ít nhất một tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh nên áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà bao gồm:
- Điều trị tại chỗ: Sử dụng các loại thuốc bôi không kê đơn chứa lidocain, chiết xuất hamamelis (cây phỉ) hoặc hydrocortisone để giảm đau, giảm viêm và co mạch.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tăng cường lượng nước uống hàng ngày và bổ sung chất xơ (ít nhất 20-35g/ngày) qua chế độ ăn hoặc thực phẩm chức năng để cải thiện tình trạng táo bón.
- Vệ sinh hậu môn: Ngâm hậu môn trong nước ấm (10-20 phút/lần) và sử dụng giấy vệ sinh ẩm, mềm để làm sạch nhẹ nhàng sau khi đại tiện.
- Thuốc uống: Sử dụng thuốc nhuận tràng để làm mềm phân, giảm áp lực lên búi trĩ ngoại. Đồng thời, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và viêm.
Nếu các triệu chứng không cải thiện sau một thời gian áp dụng các biện pháp trên, đặc biệt khi búi trĩ ngoại có kích thước lớn, người bệnh nên đến khám chuyên khoa để được bác sĩ đánh giá và chỉ định thắt búi trĩ hay cắt trĩ ngoại.
Thắt búi trĩ hay cắt trĩ ngoại là hai phương pháp phổ biến trong việc điều trị bệnh trĩ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, các phương pháp điều trị sẽ được áp dụng khác nhau. Vì thế, người bệnh cần thường xuyên theo dõi và khám bệnh định kỳ để được bác sĩ tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.