Thế nào là đợt cấp suy thận mạn?

Suy thận mạn là tình trạng chức năng thận bị suy giảm không hồi phục theo thời gian, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa hai khái niệm suy thận cấp và đợt cấp của suy thận mạn. Vậy đợt cấp suy thận mạn là gì?

1. Bệnh suy thận mạn tính là bệnh gì?

Suy thận mạn là một hội chứng tiến triển qua một khoảng thời gian dài, dẫn đến xơ hóa các nephron và giảm dần các chức năng của thận như: đào thải sản phẩm chuyển hóa, thăng bằng toan kiềm, duy trì cân bằng nước điện giải và chức năng nội tiết.

Bệnh thận mạn do sự bất thường về cấu trúc hay chức năng thận kéo dài trên 3 tháng gây ảnh hưởng đến sức khỏe vì lúc này thận không còn đủ khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi gây rối loạn chuyển hóa, giảm đào thải urê, acid uric, creatinin...

Nguyên nhân gây suy thận mạn có thể là do đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh thận do nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn ...


Bệnh nhân đái tháo đường có thể gặp phải suy thận mạn
Bệnh nhân đái tháo đường có thể gặp phải suy thận mạn

2. Đợt cấp suy thận mạn

Suy thận mạn tiến triển có thể kéo dài 5 -10 năm hoặc lâu hơn tùy từng trường hợp. Bệnh thận mạn bao gồm các giai đoạn của bệnh thận từ giai đoạn sớm khi mức lọc cầu thận chưa giảm, đến giai đoạn cuối của bệnh khi bệnh nhân cần các phương pháp điều trị thay thế.

Trong quá trình tiến triển của bệnh, thường có những đợt cấp tính xảy ra đặc biệt là khi có những yếu tố làm nặng bệnh. Sau mỗi đợt cấp, tình trạng suy thận mạn thường nặng thêm. Càng có nhiều đợt cấp, bệnh càng tiến triển nhanh dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Đợt cấp suy thận mạn là tình trạng xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử bệnh thận - tiết niệu trước đó, lúc này chức năng thận bị tổn thương không thể hồi phục. Triệu chứng lâm sàng của đợt cấp suy thận mạn gồm: thiếu máu tương ứng với mức độ suy thận, ure, creatinin huyết tương tăng từ trước, tăng huyết áp, suy tim nặng hơn, kích thước hai thận teo nhỏ nếu do viêm cầu thận mạn.

3. Điều trị suy thận mạn

Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Tuy nhiên việc điều trị có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh, cải thiện triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng. Điều trị bệnh từ nguyên nhân gây suy thận mạn là quan trọng nhất. Cụ thể:

  • Mổ lấy sỏi đường niệu giải quyết tắc nghẽn
  • Phẫu thuật lấy khối u chèn ép
  • Kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập, giảm cân, thay đổi thói quen sinh hoạt.

Việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp duy trì chức năng thận, kéo dài thời gian phải chạy thận, giúp hạn chế đợt cấp suy thận mạn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, nhờ đó làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Bệnh nhân thường được khuyến cáo có chế độ ăn kiêng muối khi có biểu hiện phù, tăng huyết áp, suy tim, chế độ ăn giảm đạm, hạn chế thức ăn có chứa phosphat như: sữa, phomai, bổ sung canxi,..

Nếu tình trạng thận của bệnh nhân ngày một xấu đi, cho tới khi còn lại dưới 15% chức năng thận bình thường đồng nghĩa với việc bệnh nhân đã đến suy thận giai đoạn cuối. Lúc này cơ thể của bạn không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa, cách điều trị duy nhất lọc máu hoặc ghép thận.


Bệnh nhân suy thận mạn cần có chế độ ăn hợp lý
Bệnh nhân suy thận mạn cần có chế độ ăn hợp lý

Đợt cấp suy thận mạn nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bạn nên tích cực theo dõi, điều trị bệnh ngay khi có những biểu hiện sớm. Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe