Công dụng thuốc Betahema

Thuốc Betahema thuộc nhóm thuốc tác dụng đối với máu, có thành phần chính là hoạt chất Recombinant human erythropoietin beta. Vậy thuốc Betahema có tác dụng gì, cần những lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu thông tin về thuốc qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Betahema là thuốc gì?

Betahema thuộc nhóm thuốc tác dụng đối với máu, được chỉ định trong điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn tính, bệnh nhân hóa trị liệu ung thư và thiếu máu ở trẻ sinh non.

Thuốc Betahema có thành phần chính là hoạt chất Recombinant human erythropoietin beta (r-HuEPO) hàm lượng 2000 IU. Các thành phần tá dược bao gồm: Natri clorid, dinatri phosphat khan, mononatri phosphat khan, albumin người (dung dịch 20%), natri hydroxyd/acid hydrocloric, nước pha tiêm.

Thuốc Betahema được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm trong suốt. Có quy cách đóng gói là hộp 1 lọ x 1ml.

2. Thuốc Betahema có tác dụng gì?

Hoạt chất Erythropoietin beta có trong thành phần thuốc là một glycoprotein, có tác dụng kích thích tạo hồng cầu. Erythropoietin beta cũng tác dụng như một hoocmon biệt hóa và yếu tố kích thích phân bào.

Thuốc Betahema được chỉ định sử dụng trong trường hợp:

  • Thiếu máu ở trẻ sinh non.
  • Thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn tính, bao gồm cả bệnh nhân phải và không phải chạy thận nhân tạo: Thuốc Betahema được chỉ định để làm tăng hoặc duy trì số lượng hồng cầu, giảm nhu cầu truyền máu.
  • Thiếu máu ở bệnh nhân hóa trị liệu ung thư: Betahema được chỉ định để điều trị thiếu máu do ảnh hưởng của hóa trị liệu, làm giảm nhu cầu truyền máu ở bệnh nhân này ít nhất 2 tháng.

3. Cách sử dụng thuốc Betahema

3.1. Cách sử dụng thuốc Betahema

Đối với thuốc Betahema, bệnh nhân sử dụng bằng cách sau:

  • Tiêm dưới da: Thể tích tiêm tối đa mỗi lần không nên quá 1ml. Tiêm vào thành bụng hoặc cánh tay.
  • Tiêm tĩnh mạch: Tiêm trong vòng 1 đến 5 phút tùy theo liều sử dụng và tình trạng của bệnh nhân.
  • Không được truyền tĩnh mạch hoặc tiêm cùng với các dung dịch thuốc khác.
  • Thuốc tiêm truyền không được sử dụng nếu phát hiện tiểu phân lạ hoặc thuốc bị biến màu.

3.2. Liều dùng thuốc Betahema

Liều sử dụng thuốc Betahema được khuyến cáo trên từng đối tượng như sau:

Thiếu máu ở trẻ sinh non:

  • Tiêm dưới da với liều lượng 250 IU/kg, 3 lần mỗi tuần. Nên tiến hành điều trị càng sớm càng tốt và liên tục trong 6 tuần.

Thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn tính:

  • Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
  • Liều khởi đầu: Đối với người lớn dùng liều 50 đến 100 đơn vị/kg, 3 lần mỗi tuần. Đối với bệnh nhân nhi, dùng liều 50 đơn vị/kg, 3 lần mỗi tuần.
  • Hiệu chỉnh liều dùng cho từng bệnh nhân để đạt được duy trì và nồng độ hemoglobin từ 10 đến 12g/dL.
  • Liều duy trì: Phải được tính toán cho từng bệnh nhân.

Thiếu máu ở bệnh nhân hóa trị liệu ung thư:

  • Liều khởi đầu: Người lớn dùng liều 150 đơn vị/kg hoặc 40.000 đơn vị, 3 lần mỗi tuần. Nếu không đạt được đáp ứng thích hợp sau 8 tuần điều trị, có thể tăng liều dùng lên 300 đơn vị/kg, tuần 3 lần.
  • Ngưng sử dụng khi hemoglobin vượt quá 12 g/dL. Khi nồng độ hemoglobin ở mức cần phải truyền máu, bắt đầu sử dụng thuốc trở lại với liều giảm 25% so với liều trước đó.

3.3. Cách xử trí khi quên, quá liều

Quá liều: Các biểu hiện quá liều Erythropoietin beta thường bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng tăng mạnh và/hoặc tăng nhanh nồng độ hemoglobin, kể cả các biến cố tim mạch. Khi sử dụng quá liều Erythropoietin beta, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ các biến cố tim mạch và bất thường huyết học.

3.4. Chống chỉ định thuốc Betahema

Chống chỉ định thuốc Betahema trong các trường hợp dưới đây:

  • Các trường hợp bệnh nhân bị dị ứng, mẫn cảm với Erythropoietin beta hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Tăng huyết áp động mạch không kiểm soát được.
  • Quán mẫn với các thuốc có nguồn gốc từ tế bào động vật có vú.
  • Quá mẫn với albumin (người).

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Betahema

Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng Betahema

  • Cần thận trọng khi sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học do có thể xảy ra các phản ứng dị ứng. Đôi khi ghi nhận phát ban thoáng qua khi sử dụng A.
  • Độ an toàn và hiệu quả của Erythropoietin beta chưa được chứng minh trên bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh động kinh hoặc rối loạn huyết học (như thiếu máu hồng cầu liềm, hội chứng tăng đông máu hoặc hội chứng loạn sản tủy xương).
  • Ở một số bệnh nhân nữ, có thể gây có kinh nguyệt lại, do đó cần xem xét các biện pháp tránh thai.
  • Tăng porphyrin đã được ghi nhận với tần suất hiếm gặp ở bệnh nhân suy thận mạn tính khi sử dụng thuốc. Cần thận trọng khi sử dụng Erythropoietin beta cho bệnh nhân có tiền sử rối loạn Porphyrin.
  • Đánh giá dự trữ sắt: Trong khi sử dụng Erythropoietin beta, có thể xảy ra thiếu sắt toàn phần hoặc thiếu sắt chức năng. Hầu hết bệnh nhân đều cần phải được bổ sung sắt để tăng cường hoặc duy trì transferrin bão hòa để hỗ trợ tạo hồng cầu khi được kích thích bởi Erythropoietin beta.
  • Đối với trẻ em: Độ an toàn của thuốc cho bệnh nhân nhi dưới 1 tháng tuổi chưa được chứng minh.
  • Đối với bệnh nhân cao tuổi: Nên lựa chọn và hiệu chỉnh liều cho từng bệnh nhân cao tuổi.
  • Đối với bệnh nhân suy thận mãn tính không phải lọc máu: Cần giám sát chặt chẽ chức năng thận và cân bằng nước - điện giải.
  • Đối với bệnh nhân hóa trị liệu ung thư: Tăng huyết áp do nồng độ hemoglobin được ghi nhận với tần suất hiếm gặp khi sử dụng thuốc. Bệnh nhân mắc bệnh thần kinh trước đó có thể bị động kinh.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Chỉ nên sử dụng Erythropoietin beta trong thai kỳ nếu lợi ích thu được vượt hẳn rủi ro có thể xảy đến với thai nhi.
  • Đối với phụ nữ cho con bú: Thận trọng khi sử dụng thuốc Betahema trên đối tượng này do chưa rõ Erythropoietin beta có được tiết vào sữa mẹ hay không.

Tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc Betahema

Các phản ứng bất lợi khi sử dụng thuốc Betahema trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng trên bệnh nhân suy thận như sau:

  • Rối loạn mạch máu: Tăng huyết áp, cơn tăng huyết áp.
  • Rối loạn hệ thần kinh: Đau đầu.
  • Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Huyết khối shunt, giảm tiểu cầu.

Trên bệnh nhân ung thư:

  • Rối loạn mạch máu: Tăng huyết áp.
  • Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Biến cố tắc mạch do huyết khối.
  • Rối loạn hệ thần kinh: Đau đầu.

Trên trẻ sơ sinh đẻ non:

  • Tình trạng sụt giảm nồng độ ferritin trong huyết thanh rất hay gặp.

Tương tác, tương kỵ thuốc Betahema

Chưa có tài liệu cho thấy tương tác với các thuốc khác được phát hiện.

Bảo quản thuốc Betahema

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ 2-8°C, không được làm đông lạnh hoặc lắc. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
  • Để thuốc tránh xa khỏi tầm tay của trẻ em.

Trên đây là toàn bộ thông tin cần thiết khi sử dụng thuốc Betahema. Thuốc Betahema phải được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ điều trị. Hy vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ những lưu ý cần thiết cho bạn đọc để có thể sử dụng thuốc Betahema hiệu quả.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe