Dựa trên vai trò của những nhóm dinh dưỡng cơ bản, thực đơn cho vận động viên thường được thiết kế đặc biệt hơn nhằm bổ sung và duy trì năng lượng trong quá trình tập luyện. Không chỉ vận động viên mà gia đình, các trung tâm huấn luyện cũng cần hiểu thêm về những thông tin liên quan đến vấn đề này.
1. Thực đơn cho vận động viên cần thiết kế khoa học cùng nhiều bữa phụ
Khi trở thành vận động viên, điều quan trọng là bạn cần giữ được mức năng lượng cao trong 1 ngày tập luyện vất vả. Để đạt được điều này, những bữa phụ nhỏ, thường xuyên bên cạnh 3 bữa chính là rất cần thiết.
Những bữa ăn phụ có thể hỗ trợ thỏa mãn cảm giác thèm ăn, ổn định lượng đường trong máu và cung cấp chất dinh dưỡng duy trì năng lượng cho cơ thể đều đặn suốt cả ngày. Đặc biệt, các bữa ăn nhỏ cũng hỗ trợ quá trình trao đổi chất hiệu quả hơn, giúp cơ thể sử dụng carbohydrate, protein và chất béo để bổ sung năng lượng tối đa cho các hoạt động tập luyện hàng ngày.
Hãy lưu ý rằng cho dù bạn đang ở nhà hay trong các chuyến đi tập huấn, tuyệt đối tránh thói quen bỏ bữa. Khi bạn không nạp đủ thức ăn cần thiết cho cơ thể thì sẽ dẫn đến tình trạng giảm lượng đường trong máu và quá trình trao đổi chất diễn ra kém hơn.
Đặc biệt, nếu bạn là 1 vận động viên chuyên nghiệp, thói quen bỏ bữa sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để hỗ trợ sự phát triển và phục hồi cơ bắp. Thi đấu mà không bổ sung năng lượng thích hợp sẽ khiến bạn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, suy giảm thành tích. Bên cạnh đó, thực đơn cho vận động viên không đầy đủ sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương thể thao và mắc 1 số bệnh lý khác.
2. Lập kế hoạch chi tiết cho những bữa ăn trong ngày
1 chế độ ăn rõ ràng, có thời gian và thành phần cụ thể sẽ giúp vận động viên duy trì năng lượng mỗi ngày tốt hơn. Bạn nên tạo thói quen ăn sáng hàng ngày trong vòng 1 - 2 giờ sau khi thức dậy. Ăn lại sau 3 - 4 giờ, tổng cộng là 5 - 6 bữa mỗi ngày.
Đối với 1 số vận động viên, việc bổ sung năng lượng bằng các thức uống dinh dưỡng sẽ dễ dàng hơn và thay thế bữa ăn, như whey protein hoặc sinh tố để tránh cảm giác no do thức ăn rắn.
Bên cạnh đó, vận động viên nên bổ sung đủ carbohydrate, protein, chất béo trong các bữa ăn chính và phụ. Trước khi tập thể dục, hãy chọn 1 bữa ăn giàu carbohydrate, nhưng không quá nhiều protein. Sau khi tập thể dục, hãy đảm bảo cân bằng lượng carbohydrate và protein để tiếp nhiên liệu, phục hồi cơ bắp.
Tuy nhiên, không ít vận động viên gặp khó khăn với các bữa phụ là việc dành thời gian để chuẩn bị nó. Vậy nên, để duy trì năng lượng cho cơ thể mà vẫn tiết kiệm thời gian, bạn có thể tham khảo 1 số cách sau đây:
- Chuẩn bị bữa ăn vào cuối tuần: Rửa và cắt nhỏ trái cây, rau tươi rồi cho vào túi zip; trứng luộc chín; nấu sẵn yến mạch; sau đó bạn tự pha trộn thêm 1 số loại thực phẩm yêu thích khác, rồi chia nhỏ thành các bữa.
- Mua đồ uống lắc sẵn, trái cây tươi như táo, lê, chuối, đào hoặc mận, phô mai, sữa chua Hy Lạp.
- Dự trữ những loại đồ ăn nhẹ, khô có hạn sử dụng lâu dài như thanh bánh bổ sung năng lượng, ngũ cốc, các loại hạt rang khô, bánh quy giòn, bơ đậu phộng hoặc cá ngừ trong túi...
Ngoài ra, mỗi vận động viên nên linh hoạt chọn nhiều loại thực phẩm cung cấp các nguồn vitamin và khoáng chất khác nhau. Nhìn chung, bổ sung đầy đủ carbohydrate, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất sẽ giúp bạn duy trì năng lượng, khỏe mạnh, tối ưu hóa hiệu suất trong các hoạt động thể thao.
Nếu bạn đang phân vân về thực đơn cho vận động viên và các sản phẩm có công thức dinh dưỡng toàn diện để bổ sung năng lượng cho cơ thể 1 cách hiệu quả, hãy cân nhắc lên lịch hẹn với chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao để đạt kết quả như mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Health.clevelandclinic.org