Nang giả tụy và ổ hoại tử có vách

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Mai Thanh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Nang giả tụy và ổ hoại tử có vách là tình trạng cần phải được phát hiện, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời để ngăn ngừa nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

1. Định nghĩa nang giả tụy và ổ hoại tử có vách

Nang giả tụy và ổ hoại tử tụy có vách (WOPN) thường là biến chứng của viêm tụy cấp nhưng cũng có thể gặp ở bệnh nhân sau chấn thương tụy, được định nghĩa như sau :

  • Nang giả tụy: Ổ tụ dịch mạn tính bên ngoài tụy có vỏ rõ, có rất ít hoặc không có hoại tử
  • Ổ hoại tử có vách ngăn: Ổ hoại tử tụy mạn tính ở tụy hoặc cạnh tụy phát triển từ ổ viêm, có vách rõ, tồn tại ít nhất 4 tuần sau giai đoạn viêm tụy cấp. ổ hoại tử có thể chứa dịch và thành phần rắn tập trung thành từng ổ hoặc không, ở trong tụy hoặc ngoài tụy.

Chẩn đoán: Chẩn đoán nang giả tụy hoặc ổ hoại tử tụy có vách khi thấy hình ảnh ổ tụ dịch có vỏ bao bọc ở bệnh nhân có tiền sử viêm tụy hoặc chấn thương tụy. Nếu chẩn đoán chưa chắc chắn vì bệnh cảnh lâm sàng không rõ ràng hoặc hình ảnh siêu âm hoặc CT không điển hình, có thể tiến hành siêu âm nội soi để lấy bệnh phẩm từ dịch hoặc thành nang làm xét nghiệm.

Chụp CT có thuốc giai đoạn sớm có thể loại trừ giả phình mạch ở những bệnh nhân xem xét chỉ định dẫn lưu nang.

Để chẩn đoán phân biệt ổ hoại tử có vách với nang giả tụy đơn thuần chụp MRI có ưu thế hơn chụp CT.

Việc so sánh hình ảnh với phim chụp trước đó là cần thiết, nếu nang có trước lúc viêm tụy cấp hoặc chấn thương thì thường là nang tụy chứ không phải nang giả tụy.


Nang giả tụy và ổ hoại tử tụy có vách (WOPN) thường là biến chứng của viêm tụy cấp nhưng cũng có thể gặp ở bệnh nhân sau chấn thương tụy
Nang giả tụy và ổ hoại tử tụy có vách (WOPN) thường là biến chứng của viêm tụy cấp nhưng cũng có thể gặp ở bệnh nhân sau chấn thương tụy

2. Điều trị nang giả tụy và ổ hoại tử có vách

Theo dõi: Theo dõi lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh đối với những bệnh nhân không có hoặc có rất ít triệu chứng. Theo dõi nang giả tụy bằng chụp CT hoặc MRI có thuốc cản quang mỗi 3-6 tháng. Không cần theo dõi thêm những nang tự tiêu hoặc giảm kích thước và không có triệu chứng. Cần chụp CT hoặc MRI sớm hơn 3 tháng nếu bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, vàng da, ăn chóng no hoặc sốt.

Điều trị hỗ trợ: Tất cả bệnh nhân nang giả tụy hoặc ổ hoại tử tụy có vách đều cần đánh giá dinh dưỡng và điều trị hỗ trợ nuôi dưỡng tĩnh mạch hoặc thuốc nếu cần thiết

  • Nuôi dưỡng qua sonde mũi- ruột: Làm giảm nhu cầu can thiệp nội soi vì làm giảm đau và cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
  • Thuốc PPI: Làm giảm tiết acid dạ dày và làm giảm đáp ứng tiết bicarbonate của tụy
  • Chủ vận thụ thể somatostatin: Octreotide 50-200mcg tiêm dưới da mỗi 8h làm tụy giảm tiết, chỉ định đối với những bệnh nhân có rò tụy

Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng như đau, sốt, vàng da... nang tăng kích thước nhanh hoặc bị nhiễm trùng mà điều trị thuốc không đỡ có chỉ định dẫn lưu dịch nang.


Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng hoặc bị nhiễm trùng mà điều trị thuốc không đỡ sẽ có chỉ định dẫn lưu dịch nang
Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng hoặc bị nhiễm trùng mà điều trị thuốc không đỡ sẽ có chỉ định dẫn lưu dịch nang

Dẫn lưu nang nội soi: Khi có các điều kiện sau: Tụ dịch mạn tính, thành nang giả tụy dính với thành dạ dày hoặc tá tràng, khối tụ dịch có kích thước 6cm. có 2 cách dẫn lưu :

  • Dẫn lưu xuyên thành: Đặt stent xuyên thành dạ dày/ tá tràng và thành nang
  • Dẫn lưu xuyên nhú: Đặt stent xuyên thành nang nối thông với ống tụy

Hiệu quả: Dẫn lưu nang giả tụy nội soi có tỷ lệ thành công là 90%, tỷ lệ khỏi 70-80 %, tỷ lệ tái phát 10-15%. Tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn đối với ổ hoại tử có vách vì có tỷ lệ nhiễm trùng cao hơn và thành phần rắn khó dẫn lưu ra hơn. Tỷ lệ tái phát có thể tăng đến 30%.

Biến chứng của dẫn lưu nội soi có thể là: Nhiễm trùng thứ phát, chảy máu, thủng, stent bị rơi tụt vào trong nang.

Dẫn lưu nang qua da: Được sử dụng để giải nén khối tụ dịch quanh tụy và ổn định tình trạng bệnh nhân có nhiễm trùng máu trước khi mổ nếu không có điều kiện can thiệp nội soi.

Phẫu thuật: Trong cả 2 trường hợp ổ hoại tử tụy nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng nhưng có triệu chứng như sốt nhẹ, buồn nôn, lơ mơ và chán ăn đều có chỉ định cắt tụy. Mục đích của phẫu thuật này là cắt bỏ phần tụy hoại tử, bảo tồn phần tụy còn hoạt động, kiểm soát lỗ rò tụy, hạn chế tổn thương cơ quan lân cận.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

XEM THÊM

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe