Nấm phổi có nguy hiểm không? Vì sao nấm phổi có tỉ lệ tử vong cao?

Nấm phổi có nguy hiểm không? Triệu chứng căn bệnh này là gì? Đây đều là những thắc mắc của người bệnh, vì căn bệnh này thường có những triệu chứng không đặc hiệu. Cùng tìm hiểu vì sao nấm phổi có tỷ lệ tử vong cao ngay trong bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân gây ra bệnh nấm phổi là gì?

Bệnh nấm phổi là bệnh lý không phổ biến và ít gặp ở những người có hệ miễn dịch tốt. Theo đó, bệnh hay gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch, già yếu, sức đề kháng kém.

Bệnh nấm phổi được chia thành 2 loại chính:

  • Nhiễm nấm cổ điển (Cryptococcus, Histoplasmoses)
  • Nhiễm nấm cơ hội (Candida, Aspergillus)

Trong đó, Aspergillus, Candida và Cryptococcus là những loại nấm gây bệnh ở phổi thường gặp nhất.

Những người có hệ miễn dịch kém thường là đối tượng dễ bị căn bệnh này tấn công. Cụ thể, nấm sẽ phát triển ở những hốc bị tổn thương hoặc đã có sẵn hoặc do các tình trạng hoại tử gây ra. Một số yếu tố khiến nấm có cơ hội phát triển và gây ra bệnh như:

  • Người có tiền sử mắc bệnh lao phổi
  • Người đã sử dụng corticoid trong khoảng thời gian dài hoặc sử dụng các loại thuốc giảm miễn dịch để điều trị.
  • Những người bị suy giảm hệ miễn dịch

Nấm phổi tuy là căn bệnh nguy hiểm nhưng đây không phải là bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân là do người bệnh hít phải các bào tử nấm có trong không khí khi gặp người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ tấn công và gây bệnh.

2. Triệu chứng nấm phổi như thế nào?

Các triệu chứng của bệnh nấm phổi thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý ở đường hô hấp khác, chẳng hạn như viêm phổi, lao phổi. Theo đó, các biểu hiện của căn bệnh này sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng mà người bệnh nấm phổi có thể gặp phải như sau:

  • Người bệnh bị ho, sốt kéo dài
  • Ho khan, đau ngực, cảm thấy khó chịu ở ngực
  • Mệt mỏi, sụt cân, khó thở

Theo đó, bệnh ở phổi do nấm aspergillosis thường sẽ gây ra cho người bệnh những cơn ho ra máu, sưng hạch và tắc nghẽn đường dẫn khí do bệnh nấm đặc hữu gây ra.

3. Nấm phổi có nguy hiểm không? Vì sao nấm phổi có tỉ lệ tử vong cao?

Nấm phổi có nguy hiểm không? Bệnh nấm phổi nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời sẽ tạo cơ hội cho các bào tử nấm lan sang các bộ phận khác và gây hại cho cơ thể, ví dụ như bệnh nấm não gây viêm màng não, áp xe não, viêm cơ và tổn thương da...Không dừng lại ở đó, người bệnh cũng có nguy cơ rất cao bị nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nấm phổi kéo dài không được điều trị sẽ khiến cho người bệnh có nguy cơ mắc phải các biến chứng nguy hiểm như ho ra máu khó kiểm soát, suy nhược cơ thể, thậm chí người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở những người mắc bệnh nấm phổi có nguy cơ bị tử vong lên đến 50-70%. Đây là tỷ lệ rất cao và người bệnh thường bị tử vong do suy kiệt cơ thể, ho ra máu ồ ạt kéo dài không kiểm soát...

Ngoài ra, do các dấu hiệu bệnh nấm phổi không điển hình và thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nên khiến cho việc chẩn đoán khó khăn, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nấm phổi thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch kém, vì thế khi nấm tấn công thì cơ thể không có khả năng tiêu diệt. Vì thế khả năng phòng bệnh ngày càng kém.Việc điều trị nấm thường dai dẳng, kéo dài nên những người có cơ địa yếu kém thường sẽ phải điều trị lâu hơn.

4. Điều trị bệnh nấm phổi như thế nào?

Nếu bệnh nấm phổi nguyên phát từ phổi thì việc điều trị sẽ nhằm mục đích ngăn chặn bệnh phát tán ra bên ngoài phổi và nhiễm nấm mạn tính tại phổi. Với những bệnh nhân nhiễm bệnh thể nặng và kéo dài thì thời gian điều trị có thể lên đến vài tuần.

Với những bệnh nhân bị nhiễm vi nấm ở thể lan tỏa tiến triển nhanh hoặc nặng thì cần được điều trị tích cực, nhanh chóng. Nếu bị viêm màng não thì cần phải chú ý đến tổn thương tràn dịch não thất, bởi đây là biến chứng thường gặp.

Một số loại thuốc kháng nấm có thể được chỉ định là: Fluconazol; Amphotericin B; thuốc có thể thay thế là itraconazol hoặc fluconazol. Những thuốc này có tác dụng làm ức chế nhiễm trùng nấm lâu dài nhưng người bệnh cần phải điều trị kéo dài, có thể trong nhiều năm.

Một số phương pháp bằng phẫu thuật cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp, cắt bỏ những tổn thương tại phổi tiến triển mạn tính hỗ trợ điều trị bằng thuốc khi bệnh nhiễm nấm chỉ khu trú tại phổi.

5. Phòng bệnh nhiễm nấm bằng cách nào?

Bệnh phổi là bệnh lý nguy hiểm khi có nguy cơ tử vong cao, nhưng việc phòng tránh các tác nhân gây bệnh cũng không hề dễ dàng khi chúng luôn hiện hữu xung quanh con người. Theo các chuyên gia y tế, để phòng ngừa căn bệnh này thì bạn nên thực hiện các phương pháp giúp nâng cao sức đề kháng, nên hoạt động thể chất thường xuyên, ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau chùi sạch sẽ tránh để ẩm mốc, sắp xếp đồ đạc gọn gàng tránh để bị ẩm ướt. Với những vùng bị ẩm mốc thì nên vệ sinh sạch sẽ, tránh tình trạng thực phẩm, đồ ăn uống rơi vãi trong nhà. Nên mang khẩu trang khi thực hiện dọn dẹp vệ sinh nhà cửa nhằm tránh hít phải nấm.

Tóm lại, bệnh nấm phổi là bệnh lý vô cùng nguy hiểm nhưng không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Bệnh có nguy cơ gây ra tử vong cao nếu như người bệnh không được thăm khám và điều trị kịp thời. Chính vì thế khi có dấu hiệu của căn bệnh này thì bạn nên đến trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên bạn đã hiểu rõ hơn về nấm phổi có nguy hiểm không để biết các triệu chứng, phòng tránh để từ đó nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy hệ miễn dịch phát triển, phòng ngừa những bệnh lý tấn công sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe