Mối liên quan giữa viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường

Viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường là hai bệnh hoàn toàn khác biệt nhưng có mối liên quan với nhau. Mắc bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và ngược lại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng viêm khớp dạng thấp làm tăng 50% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Trong khi đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp lên 20%, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

1. Mối liên quan giữa viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường

Các chuyên gia không hiểu rõ một cách chi tiết về sự liên quan giữa viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường. Một số giả thuyết được đặt ra như sau:

  • Viêm khớp dạng thấp và bệnh đái tháo đường type 1 đều là các bệnh lý tự miễn. Hệ miễn dịch có nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi hệ miễn dịch nhận diện và tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, gây ra các bệnh lý tự miễn. Bệnh viêm khớp dạng thấp tấn công các khớp, đái tháo đường type 1 tấn công các tế bào beta đảo tụy sản xuất insulin. Đái tháo đường type 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi, chiếm ít hơn 5% tổng ca bệnh đái tháo đường. Nghiên cứu cho thấy một số người có xu hướng mắc nhiều hơn một bệnh tự miễn cùng lúc, có thể một phần do yếu tố di truyền quy định. Các nhà khoa học đã xác định được gen làm tăng nguy cơ cho cả bệnh viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường.

  • Viêm khớp dạng thấp gây viêm mạn tính. Phản ứng viêm mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể nếu chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng khi kéo dài lâu hơn, phản ứng viêm gây giảm đáp ứng của cơ thể với insulin, gọi là đề kháng insulin. Theo thời gian, tình trạng này gây nên bệnh đái tháo đường type 2, nghĩa là cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc đề kháng với các tác dụng của nó.
  • Bệnh đái tháo đường cũng kích hoạt phản ứng viêm. Viêm mạn tính xảy ra do đái tháo đường cũng tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của bệnh viêm khớp dạng thấp do kích hoạt các yếu tố nguy cơ có liên quan đến gen sẵn có trong cơ thể người bệnh.
  • Các thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng mức đường máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, như statin và steroid.
  • Viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh giảm hoạt động thể lực vì các khớp trở nên cứng, sưng nề và đau đớn. Một nghiên cứu chỉ ra 42% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp không luyện tập thể dục thể thao. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 2.

2. Viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường?

Mối liên quan giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường là sự chồng lấp của các yếu tố nguy cơ gây bệnh, vì thế không thể hoàn toàn khẳng định bệnh này là nguyên nhân của bệnh còn lại. Một ví dụ cho quan điểm này là, một số gen gây bệnh này cũng có thể dẫn đến bệnh còn lại. Thói quen sinh hoạt và lối sống như hút thuốc lá, luyện tập thể thao và cân nặng là những đặc điểm cùng quyết định đến khả năng xuất hiện bệnh viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu đã chỉ ra bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến đái tháo đường mà phản ứng viêm chính là thủ phạm chính.

3. Ảnh hưởng của các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp đến bệnh đái tháo đường


Thuốc Hydroxychloroquine dùng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp
Thuốc Hydroxychloroquine dùng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có ảnh hưởng đến nguy cơ của bệnh đái tháo đường. Nhóm thuốc steroid và statin có thể làm tăng mức đường máu và khiến người bệnh có nguy cơ phát triển thành bệnh lý đái tháo đường thực sự.

Tuy nhiên, một số nhóm thuốc khác có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh đái tháo đường, bao gồm:

  • Abatacept: đây là loại thuốc được chỉ định khi các thuốc khác không có tác dụng. Cơ chế hoạt động của abatacept là làm giảm phản ứng viêm bằng cách ngăn sự tương tác giữa tế bào này với tế bào khác. Theo nhiều nghiên cứu, abatacept làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường lên 50%.
  • Hydroxychloroquine: là một loại thuốc chống sốt rét được ứng dụng trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Hydroxychloroquine được chứng minh có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp khoảng 33%.
  • Thuốc ức chế TNF: nhóm thuốc này ức chế phản ứng viêm thông qua ức chế chất gây viêm TNF. Mặt khác, TNF được xem là chất đóng vai trò trong việc khởi đầu bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có sử dụng thuốc này có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn 51% so với nhóm bệnh nhân còn lại.

4. Các biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường


Duy trì cân nặng ổn định tránh để tình trạng thừa cân sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Duy trì cân nặng ổn định tránh để tình trạng thừa cân sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bao gồm:

  • Bắt đầu điều trị bệnh càng sớm càng tốt: phát hiện và chữa trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn sớm có thể phòng ngừa các tổn thương khớp và phản ứng viêm. Nhờ đó, triệu chứng đau được kiểm soát và người bệnh có thể luyện tập thể dục thể thao.
  • Kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp: sử dụng thuốc đều đặn theo đúng hướng dẫn để kiểm soát tốt phản ứng viêm bên trong cơ thể. Bệnh nhân cần theo dõi và thảo luận thêm với các bác sĩ để điều chỉnh phương án điều trị kịp thời.
  • Duy trì cân nặng ổn định: thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh đái tháo đường type 2.
  • Thực hiện lối sống năng động: luyện tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 3. Người bệnh nên đi bộ 30 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
  • Thiết lập chế độ ăn hợp lý và khỏe mạnh: bệnh nhân nên ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm ít béo và nhiều chất xơ. Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên vỏ, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo nên được bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày dành cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh đái tháo đường đều là bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Vì thế việc thăm khám và phát hiện điều trị bệnh ở giai đoạn sớm rất quan trọng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có thăm khám điều trị các bệnh lý tự miễn, bệnh cơ xương khớp, đái tháo đường, tim mạch... Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe