Tiêm corticoid trị bệnh cơ xương khớp ở người đái tháo đường cần lưu ý gì?

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Corticoid là một thuốc chống viêm và giảm đau mạnh, có thể được dùng để tiêm vào gân cơ hoặc vào ổ khớp. Tiêm corticoid là một thủ thuật thường dùng trong điều trị các bệnh cơ xương khớp. Tiêm nội khớp thường được thực hiện nhất đối với bệnh viêm xương khớp. Phổ biến nhất là tiêm khớp gối, kế đó là khớp vai, cổ tay, cổ chân và khuỷu tay. Cách làm này giúp cải thiện triệu chứng viêm: sưng nóng đỏ đau ngay tại chỗ, đồng thời giúp giảm thiểu tác dụng toàn thân của corticosteroid gây ra. Vậy tiêm corticoid trị bệnh cơ xương khớp ở người đái tháo đường cần lưu ý gì?

1. Corticoid là gì?

Corticoid (hay còn gọi là steroid) là chế phẩm tổng hợp bắt chước glucocorticoid nội sinh của cơ thể, gắn vào thụ thể glucocorticoid ở nhân tế bào, tác động đến sự tổng hợp của chất trung gian chống viêm. Những tác động này có thể kéo dài trong nhiều tháng, qua đó giúp kiểm soát các triệu chứng sưng nóng đỏ đau, làm người bệnh cảm thấy dễ chịu.


Corticoid giúp giảm đau, giảm viêm cho người bệnh
Corticoid giúp giảm đau, giảm viêm cho người bệnh

2. Corticoid có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết

Tác dụng của việc tiêm steroid vào các khớp cũng gây ra tác động trên trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận đã được nghiên cứu rộng rãi. Corticoid đường tiêm cơ xương khớp cũng có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose theo cách tương tự như steroid đường uống. Cơ chế tác động corticoid làm tăng đề kháng insulin ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tế bào beta tuyến tụy. Kết quả là tăng đường huyết có thể không có triệu chứng hoặc dẫn đến các triệu chứng tăng áp lực thẩm thấu máu và mệt mỏi. Hiện tượng này thường tự giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nếu vẫn tồn tại sau khi ngừng sử dụng steroid, nó được gọi là bệnh tiểu đường do steroid gây ra.


Người bệnh khi tiêm Corticoid có thể bị mệt mỏi, tăng đường huyết
Người bệnh khi tiêm Corticoid có thể bị mệt mỏi, tăng đường huyết

3. Cần theo dõi đường huyết khi tiêm Corticoid

Tác dụng của tiêm steroid vào khớp lên mức đường huyết chỉ có tác dụng ngắn hạn, thay đổi tùy thuộc vào vị trí tiêm và loại thuốc tiêm. Đáng chú ý, steroid có thể có tác động đến glucose trong tối đa 5 ngày sau khi tiêm. Do đó, những người bệnh đái tháo đường type 2 đã được kiểm soát trước đó nên được theo dõi glucose tại nhà sau khi tiêm steroid. Đặc biệt, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ trong vòng 2 tuần sau tiêm steroid nếu người đái tháo đường có kế hoạch phẫu thuật cơ xương khớp hoặc phẫu thuật khẩn cấp.

Người bệnh nên đo đường huyết ít nhất một lần mỗi ngày, tốt nhất là trước bữa ăn tối. Những người được sử dụng steroid chưa từng biết có mắc bệnh tiểu đường và nếu trên 12 mmol/L (216 mg/dL) sẽ cần phải điều trị để duy trì mức đường huyết từ 6 đến 10 mmol/L. Các bệnh nhân này cần được thử HbA1C trước khi bắt đầu sử dụng steroid, nhất là ở những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường do steroid gây ra.

Khuyến cáo tăng tần suất theo dõi glucose lên 4 lần một ngày và bắt đầu điều trị nếu 2 lần đo glucose liên tiếp >12 mmol/L. Khi đó, việc kiểm soát đường huyết với insulin tiêm dưới da sẽ được ưu tiên sử dụng hơn là các thuốc viên hạ đường huyết uống.


Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đo đường huyết khi tiêm Corticoid
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đo đường huyết khi tiêm Corticoid

4. Cần theo dõi tình trạng nhiễm trùng sau tiêm

Do tình trạng tăng đường huyết, người đái tháo đường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn người bình thường. Đặc biệt trong các thủ thuật hay phẫu thuật nói chung, không riêng gì thủ thuật tiêm corticoid. Mặc dù tác dụng tăng đường huyết thường không duy trì đủ lâu để ảnh hưởng đến các phẫu thuật chỉnh hình ngay tại vị trí tiêm. Nhưng tác động tại chỗ của corticoid có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng. Chính vì lý do lo ngại về nhiễm trùng quanh vết tiêm, việc sử dụng corticoid thường bị tránh trong vòng 3 tháng sau các phẫu thuật quanh chỗ tiêm.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park có triển khai kỹ thuật tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp. Kỹ thuật PRP an toàn và hiệu quả cho người đái tháo đường. Đặc biệt, kĩ thuật PRP không gây ảnh hưởng đến mức đường huyết như corticoid.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe