Mối liên hệ giữa testosterone và ung thư tuyến tiền liệt hiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Một số ý kiến cho rằng nồng độ testosterone cao có thể thúc đẩy bệnh phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, liệu pháp triệt androgen - được sử dụng trong điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt - làm chậm sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt bằng cách giảm nồng độ testosterone trong cơ thể.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đoàn Thái Cang - Bác sĩ Xạ trị - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Testosterone là gì?
Testosterone - một loại hormone sinh dục nam, là một trong những androgen chính của nam giới được sản xuất chủ yếu trong tinh hoàn. Tuy nhiên, cơ thể phụ nữ cũng có thể sản xuất testosterone nhưng ở mức độ thấp hơn so với nam giới.
Testosterone ở nam có vai trò như sau:
- Sản xuất tinh trùng.
- Duy trì và phát triển khối lượng cơ, xương.
- Mọc lông trên mặt và cơ thể.
- Kích thích ham muốn tình dục.
- Tạo ra hồng cầu.
Ở độ tuổi trung niên, việc sản xuất hormone testosterone bắt đầu chậm lại. Vì vậy, nhiều nam giới xuất hiện các triệu chứng của việc thiếu hụt testosterone, bao gồm:
- Rối loạn cương dương.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Thiếu năng lượng.
- Giảm khối lượng cơ và mật độ xương.
Khi những triệu chứng này trở nên nghiêm trọng, cánh đàn ông có thể mắc mãn dục nam. Liệu pháp testosterone có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của nam giới có nồng độ testosterone thấp nhưng lại có tranh cãi cho rằng testosterone có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt.
2. Nghiên cứu về mối liên hệ giữa testosterone và ung thư tuyến tiền liệt
Vào đầu những năm 1940, một vài nhà nghiên cứu đã cho thấy khi nồng độ testosterone ở nam giới giảm, bệnh ung thư tuyến tiền liệt của bệnh nhân cũng ngừng phát triển.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, liệu pháp cung cấp testosterone cho nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể kích thích sự phát triển của bệnh. Từ đó, mối liên hệ giữa testosterone và ung thư tuyến tiền liệt được kết luận rằng, testosterone là yếu tố thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh hơn.
Liệu pháp hormone - một trong những phương pháp chính để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt - ức chế sự phát triển của bệnh bằng cách giảm lượng testosterone được sản xuất trong cơ thể.
Hiện nay, vì nhiều nghiên cứu cho thấy testosterone có thể kích thích tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển nên bác sĩ thường tránh sử dụng liệu pháp testosterone cho nam giới có tiền sử mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, một số nghiên cứu lại cho kết quả ngược lại, rằng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng lên ở người có testosterone thấp. Một số bài phân tích khác cũng cho thấy việc dùng liệu pháp testosterone không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiệt, hoặc làm bệnh tăng nặng hơn.
Nhìn chung, liệu pháp testosterone có an toàn với người có tiền sử mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt không vẫn cần được nghiên cứu nhiều hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện có cho thấy rằng, liệu pháp testosterone an toàn với nam giới có nồng độ testosterone thấp, bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã điều trị triệt để và có nguy cơ tái phát thấp.
2. Các yếu tố gây ra ung thư tuyến tiền liệt
Có một số yếu tố rủi ro khác được biết đến có thể gây ra ung thư tuyến tiền liệt, ngoại trừ testosterone, bao gồm:
- Tuổi: Bệnh nhân tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Độ tuổi trung bình được chẩn đoán là 66, phần lớn các trường hợp mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới được chẩn đoán trong độ tuổi từ 65 đến 74.
- Tiền sử gia đình: Ung thư tuyến tiền liệt có yếu tố di truyền trong gia đình. Nếu một người có người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt thì nguy cơ mắc bệnh của người đó có thể cao gấp đôi. Gen và lối sống gia đình cũng góp phần làm tăng rủi ro mắc bệnh. Một số gen có liên quan đến bệnh này là BRCA1, BRCA2, HPC1, HPC2, HPCX và CAPB.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều chất béo, carbohydrate và thực phẩm chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
3. Dấu hiệu thường gặp
Các bệnh liên quan đến testosterone và ung thư tuyến tiền liệt thường không xuất hiện bất kỳ biểu hiện nào cho đến khi bệnh tiến triển. Tuy nhiên, người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Các triệu chứng có thể gặp khi mắc bệnh bao gồm:
- Buồn tiểu nhiều hơn bình thường.
- Cảm thấy khó ngừng tiểu.
- Ít nước tiểu hoặc nước tiểu ra không đều.
- Tiểu buốt, tiểu rát.
- Đau khi xuất tinh.
- Phát hiện máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch.
- Trực tràng bị chèn ép hoặc thấy đau.
- Đau ở vùng lưng dưới, hông, xương chậu hoặc đùi.
Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng có thể do nhiều bệnh lý khác, nhất là với người cao tuổi. Nếu bệnh nhân gặp bất kỳ triệu chứng nào như trên, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khoẻ và tư vấn cụ thể.
4. Cách phòng ngừa bệnh
Mặc dù không thể thay đổi được các yếu tố cố định như tuổi tác hay tiền sử gia đình, nhưng vẫn có những yếu tố mà người bệnh có thể kiểm soát.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tăng cường bổ sung nhiều rau, bao gồm cả trái cây và rau cải như cà chua hoặc bông cải xanh vào chế độ ăn. Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo như phô mai và sữa nguyên chất.
- Tăng cường tiêu thụ cá: Bổ sung cá vào chế độ ăn hàng tuần, nhất là các loại cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi và cá ngừ, có thể giúp bệnh nhân giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
- Kiểm soát cân nặng: Theo dõi cân nặng và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 30, vì một người có chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ cao mắc các vấn đề liên quan đến testosterone và ung thư tuyến tiền liệt.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống và giảm cân nếu cần thiết.
- Dừng hút thuốc: Bệnh nhân nên ngừng hút thuốc, vì khói thuốc lá dẫn đến nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt.
Nếu bản thân có nồng độ testosterone thấp và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nam giới có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá lợi ích và rủi ro của liệu pháp hormone, nhất là trường hợp nam giới có tiền sử mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.