Các loại thực phẩm giảm đau nhanh cho bệnh gout là giải pháp tự nhiên giúp giảm viêm và cải thiện tình trạng bệnh. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, lựa chọn thực phẩm cho người bị gout đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ axit uric, giảm nguy cơ tái phát cơn đau và hạn chế các biến chứng nguy hiểm, giúp nâng cao chất lượng sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan bệnh gout
Để chọn ra nhóm thực phẩm giảm đau nhanh cho bệnh Gout, việc hiểu rõ bệnh gout là gì và nguyên nhân gây bệnh là vô cùng quan trọng.
Bệnh gout (hay gút) là một dạng viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể, dẫn đến tăng hàm lượng axit uric trong máu. Tình trạng này thường gây đau đớn và khó chịu, đặc biệt ở các khớp nhỏ như khớp ngón chân.
Purin được sinh ra từ quá trình phân hủy tế bào tự nhiên của cơ thể và axit uric là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của purin.
Thông thường, axit uric hòa tan trong máu, được thận xử lý và bài tiết qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi xảy ra tình trạng tăng tổng hợp axit uric hoặc chức năng thận suy giảm, cơ chế thải axit uric qua ruột không hiệu quả, nồng độ axit uric tăng cao, khiến axit uric tích tụ trong máu, kết tinh thành muối urate và lắng đọng tại các mô, đặc biệt là ở khớp.
Bệnh này phổ biến ở nam giới từ 40 đến 60 tuổi và ở nữ giới sau thời kỳ mãn kinh, với tần suất gia tăng đáng kể theo tuổi tác. Vậy đâu là thực phẩm giảm đau nhanh cho bệnh gout?

2. Thực phẩm giảm đau nhanh cho bệnh Gout
2.1 Thực phẩm giảm đau nhanh cho bệnh Gout
Chế độ ăn uống hợp lý, cân đối và đa dạng không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan, đặc biệt là bệnh gout. Việc lựa chọn thực phẩm cho người bị gout có thể hỗ trợ giảm đau nhanh trong các đợt cấp của bệnh và hạn chế sự tiến triển của bệnh. Dưới đây là các thực phẩm tốt cho người bệnh gout và các nhóm thực phẩm cần tránh để cải thiện tình trạng sức khỏe.
- Trái cây: Hầu hết các loại trái cây đều chứa rất ít purin và thuộc nhóm thực phẩm cho người bị gout. Đặc biệt, nên ưu tiên sử dụng các loại trái cây như cam, bưởi, dâu tây, dưa hấu, táo,...
- Thịt trắng: Các loại thịt trắng như thịt nạc, ức gà và một số loại cá nước ngọt như cá trắm, cá chép, cá rô chứa hàm lượng purin thấp.
- Rau củ: Hầu hết các loại rau củ đều có hàm lượng purin thấp, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ điều trị bệnh gout. Nên bổ sung các loại rau như rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, dưa chuột vào danh sách thực phẩm cho người bị gout.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Đây là một trong những thực phẩm cho người bị gout. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám không chỉ cung cấp nguồn chất xơ dồi dào mà còn hỗ trợ hệ tiêu hóa và làm giảm nguy cơ tái phát cơn gout nên được xem là thực phẩm giảm đau nhanh cho bệnh Gout.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: Các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai và sữa tươi ít béo là một trong những thực phẩm cho người bị gout do hàm lượng purin thấp, là nguồn cung cấp protein lành mạnh và an toàn cho người bệnh gout.
- Cà phê: Thói quen sử dụng cà phê hàng ngày có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong máu nhờ khả năng làm chậm quá trình chuyển hóa purin và tăng cường bài tiết axit uric qua đường thận.
- Các loại hạt: Những loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt chia chứa nhiều chất dinh dưỡng và ít purin, rất có lợi cho người mắc bệnh gout.
- Dầu ô liu: Đây loại dầu lành mạnh, không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn là nhóm thực phẩm cho người bị gout nhờ hàm lượng purin thấp.
- Mật ong: Mật ong là chất tạo ngọt tự nhiên, lành tính, có thể thay thế các loại đường tinh luyện trong chế độ ăn của người bệnh gout.
- Trà thảo mộc: Các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà xanh không chỉ giúp giảm viêm mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe toàn diện cho người bệnh.
Ngoài bổ sung nhóm thực phẩm cho người bị gout trong bữa ăn hàng ngày được nêu trên, việc uống đủ nước lọc mỗi ngày có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đào thải axit uric dư thừa qua đường tiết niệu, từ đó giúp giảm nồng độ axit uric trong máu và xoa dịu nhanh chóng các cơn đau do gout gây ra.
2.2 Người bị gout không nên ăn gì?
Thịt đỏ: Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu chứa hàm lượng purin cao, do đó người bệnh gout cần hạn chế.

- Nội tạng động vật: Nội tạng động vật như gan, thận, tim, óc là nguồn thực phẩm chứa rất nhiều purin.
- Hải sản: Một số loại hải sản như cá trích, cá thu, sò điệp, cua có hàm lượng purin cao, không phù hợp với người bệnh gout.
- Bia rượu: Bia rượu là các loại đồ uống có cồn, làm tăng đáng kể nồng độ axit uric trong máu, người bệnh cần kiêng hoàn toàn để kiểm soát bệnh tốt hơn.
- Nước ngọt: Các loại nước ngọt có ga và nước ép trái cây đóng hộp thường chứa nhiều đường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
- Các loại đậu: Một số loại đậu như đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu đen có hàm lượng purin ở mức trung bình, do đó người bệnh nên hạn chế tiêu thụ trong bữa ăn hàng ngày.
- Măng tây: Măng tây là loại rau chứa nhiều purin, không phù hợp cho người bệnh gout..
- Nấm: Nấm thuộc nhóm thực phẩm có hàm lượng purin trung bình, người bệnh gout cần hạn chế để tránh làm gia tăng axit uric trong cơ thể.
- Cà rốt: Cà rốt mặc dù là loại rau phổ biến nhưng chứa lượng purine trung bình, vì vậy nên ăn với lượng vừa phải trong chế độ ăn của người bệnh gout.
- Súp lơ: Súp lơ là loại rau chứa hàm lượng purin trung bình, nên giảm để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.

3. Kiêng Purin mang lại lợi ích gì đến người bệnh Gout?
Purin là một hợp chất tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống, khi được cơ thể phân hủy sẽ tạo ra axit uric. Việc kiêng các thực phẩm chứa purin là một phương pháp dinh dưỡng nhằm hạn chế tiêu thụ những thực phẩm và đồ uống có hàm lượng purin cao, từ đó giúp giảm nồng độ axit uric trong máu.
Đồng thời, chế độ này cũng khuyến khích sử dụng các thực phẩm có khả năng hỗ trợ giảm axit uric, góp phần phòng ngừa bệnh Gout cũng như các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến tăng axit uric máu.
Đối với những người có nồng độ axit uric trong máu cao dù chưa phát triển bệnh hoặc những người đã được chẩn đoán mắc bệnh Gout, việc hạn chế thực phẩm giàu purine đóng vai trò quan trọng. Điều này không chỉ giúp kiểm soát và ngăn ngừa tiến triển của bệnh mà còn giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm khác như hình thành sỏi thận.
4. Ưu và nhược điểm của việc giảm purin đối với người bệnh Gout
4.1 Ưu điểm của chế độ ăn ít purin đối với người bệnh Gout
- Giảm axit uric: Thực phẩm cho người bị gout chứa ít purin, góp phần làm giảm lượng axit uric trong cơ thể, từ đó hạn chế sự hình thành các tinh thể axit uric mới trong khớp và thận, giúp giảm nguy cơ đau và viêm.
- Hỗ trợ giảm cân: Việc tránh các thực phẩm giàu purin cùng với hạn chế đường có thể giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả, giảm áp lực lên các khớp và giảm nguy cơ tiến triển của bệnh.
- Hạn chế sử dụng thuốc: Tuân thủ chế độ ăn ít purin có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào thuốc điều trị, từ đó giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn và tiết kiệm chi phí y tế.
4.2 Nhược điểm của chế độ ăn ít purin
- Gò bó: Chế độ ăn ít purine đòi hỏi người bệnh phải thay đổi lối sống một cách lâu dài, điều này có thể gây khó khăn trong việc duy trì, đặc biệt khi phải hạn chế các món ăn yêu thích như đồ ngọt, hải sản hoặc rượu.
- Hạn chế nguồn omega-3: Việc loại bỏ hoặc hạn chế nhiều loại hải sản – nguồn cung cấp omega-3 quan trọng – có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt axit béo omega-3, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch và khả năng kiểm soát viêm khớp.
- Không phải là giải pháp chữa trị: Mặc dù chế độ ăn ít purine có thể giúp giảm một phần nồng độ axit uric trong máu, nhưng không thể thay thế hoàn toàn thuốc điều trị. Để đạt hiệu quả tối ưu trong việc kiểm soát bệnh Gout, việc kết hợp giữa chế độ ăn uống và liệu pháp điều trị y khoa là điều cần thiết.

Để phòng ngừa bệnh gout, người bệnh cần xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, đặc biệt chú trọng xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng những thực phẩm cho người bị gout. Cụ thể, nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng động vật, hải sản, thịt đỏ và ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt.
Bên cạnh đó, việc cung cấp đủ lượng nước hàng ngày cũng rất quan trọng, giúp cơ thể đào thải axit uric hiệu quả hơn. Việc theo dõi sức khỏe thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh và điều trị kịp thời, nhằm hạn chế sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.