Rối loạn lo âu ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau. Đôi khi, cảm giác sợ hãi và lo lắng không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Tại đây, bạn có thể tìm hiểu về lo âu, ai là đối tượng bị ảnh hưởng và cách để kiểm soát nó.
Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu là gì?
Các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn lo âu. Tuy nhiên, có khả năng một số yếu tố kết hợp lại tạo nên tình trạng này.
Các nguyên nhân có thể gây rối loạn lo âu bao gồm:
- Căng thẳng.
- Các vấn đề y tế khác, chẳng hạn như trầm cảm hoặc tiểu đường.
- Người thân(cha mẹ, anh chị em) mắc chứng rối loạn lo âu lan toả.
- Các vấn đề môi trường, chẳng hạn như lạm dụng trẻ em.
- Sử dụng chất kích thích.
- Các tình huống cụ thể, chẳng hạn như phẫu thuật hoặc công việc có nguy cơ cao.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tin rằng rối loạn lo âu bắt nguồn từ các vùng trong não chịu trách nhiệm kiểm soát nỗi sợ hãi, lưu trữ và truy xuất những ký ức liên quan đến cảm xúc và sợ hãi.
Ai có nguy cơ mắc rối loạn lo âu?
Với mỗi loại lo âu, có những yếu tố nguy cơ khác nhau. Tuy nhiên, một số yếu tố ảnh hưởng chung của rối loạn lo âu bao gồm:
- Đặc điểm tính cách: Bao gồm tính nhút nhát và lo lắng từ khi còn nhỏ.
- Cuộc sống: Chẳng hạn như trải qua các sự kiện tiêu cực hoặc căng thẳng.
- Di truyền học: Trong số những người được chẩn đoán mắc lo âu, 25% có người thân cấp một cũng được chẩn đoán mắc lo âu.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Các vấn đề như bệnh tuyến giáp và các tình trạng sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ lo âu.
- Chất kích thích: Việc tiêu thụ caffeine, một số chất và thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn lo âu.
Có các xét nghiệm nào chẩn đoán rối loạn lo âu không?
Không có một xét nghiệm duy nhất nào có thể chẩn đoán rối loạn lo âu. Thay vào đó, chẩn đoán rối loạn lo âu yêu cầu một quá trình kiểm tra lâu dài bao gồm khám sức khỏe, các bài kiểm tra sức khỏe tâm thần, và các bảng câu hỏi tâm lý.
Một số bác sĩ hoặc chuyên gia y tế có thể thực hiện khám sức khỏe, bao gồm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu để loại trừ các tình trạng y tế tiềm ẩn có thể góp phần gây ra các triệu chứng của bạn.
Ngoài ra, có nhiều bài kiểm tra và thang đo lo âu khác nhau được sử dụng để giúp bác sĩ đánh giá mức độ lo âu mà bạn đang trải qua. Hãy tìm hiểu thêm về từng loại bài kiểm tra này.
Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu
Sau khi được chẩn đoán rối loạn lo âu, bạn có thể thảo luận các lựa chọn điều trị với bác sĩ. Điều trị có thể giúp bạn vượt qua các triệu chứng và có một cuộc sống hàng ngày dễ chịu hơn.
Việc điều trị rối loạn lo âu thường được chia thành các nhóm chính:
Tâm lý trị liệu
Liệu pháp tâm lý cho rối loạn lo âu bao gồm:
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Giúp bạn xác định và thay đổi những kiểu suy nghĩ tiêu cực gây ra lo âu.
- Liệu pháp phơi nhiễm: Tập trung vào việc giúp bạn đối mặt và làm quen với các tình huống gây sợ hãi hoặc lo lắng để giảm mức độ phản ứng.
Kỹ thuật bổ sung sức khỏe
Các phương pháp này không dùng thuốc kiểm soát rối loạn lo âu mà giúp bạn tự quản lý lo âu, bao gồm:
- Chánh niệm: Thực hành tập trung vào hiện tại để giảm lo lắng.
- Yoga: Giúp thư giãn cơ thể và tinh thần.
- Chiến lược tự quản lý: Như quản lý căng thẳng, tạo thói quen ngủ tốt, và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Thuốc điều trị
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát rối loạn lo âu, bao gồm:
- Thuốc chống lo âu: Được sử dụng ngắn hạn, như benzodiazepines, để giảm nhanh các triệu chứng lo âu. Tuy nhiên, chúng thường được hạn chế sử dụng vì nguy cơ gây nghiện cao.
- Thuốc chống trầm cảm: Như escitalopram, giúp thay đổi hóa học não bộ để cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
Các loại thuốc thường dùng để điều trị rối loạn lo âu:
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): escitalopram, fluoxetine, paroxetine.
- Chất ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc (SNRIs): duloxetine, venlafaxine.
- Thuốc chống loạn thần: quetiapine, aripiprazole.
- Benzodiazepines: diazepam, clonazepam (chỉ dùng ngắn hạn).
- Thuốc chống lo âu: buspirone.
Hỗ trợ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần
Làm việc với một nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học có thể giúp bạn hiểu về các công cụ và chiến lược đối phó với căng thẳng khi nó xuất hiện. Việc kết hợp liệu pháp tâm lý, các kỹ thuật bổ sung, và thuốc điều trị thường là cách tiếp cận hiệu quả nhất để quản lý rối loạn lo âu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline