Phẫu thuật mổ thoát vị đĩa đệm được xem là phương án cuối cùng cho các trường hợp nặng và triệu chứng kéo dài. Thoát vị đĩa đệm là một vấn đề phổ biến tại Việt Nam ảnh hưởng đến khoảng 30% dân số và việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian. Tuy nhiên, phẫu thuật có khả năng dẫn đến một số biến chứng, làm tăng lo ngại cho nhiều bệnh nhân khi điều trị bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm bị lệch hoặc trượt do tai nạn, chấn thương hoặc thoái hóa. Khi đó, nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài làm ảnh hưởng đến dây thần kinh và tủy sống trong khu vực lân cận.
Những bất thường này liên quan đến một số đĩa đệm nằm giữa các đốt sống trên cột sống của người bệnh, phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ.
Tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đau nhức, bỏng rát, tê hoặc ngứa và suy yếu cơ khiến quá trình cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn.
Đôi khi, bệnh nhân không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khiến quá trình chẩn đoán diễn ra chậm trễ, từ đó làm cho quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm trở nên khó khăn hơn.
2. Mổ thoát vị đĩa đệm và một số phương pháp điều trị khác
2.1 Điều trị không dùng thuốc
2.1.1 Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi giúp giảm sưng tấy và thúc đẩy quá trình phục hồi của các tổn thương. Trong giai đoạn này, người bệnh cần nghỉ ngơi trên giường từ 1 đến 2 ngày, tránh các hoạt động như tập thể dục, hoạt động cúi người hoặc nâng vật nặng. Tuy nhiên, người bệnh không nên nghỉ quá lâu để tránh cơ và khớp bị co cứng.
2.1.2 Tập vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu có khả năng cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm. Chương trình vật lý trị liệu bao gồm các bài tập kéo căng để tăng sự linh hoạt của cơ và các bài tập thể dục nhịp điệu để giảm đau cổ và lưng.
2.1.3 Massage
Cách điều trị này giúp giảm đau, cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường sức khỏe hiệu quả. Hiện nay có khoảng 80 phương pháp massage trị liệu sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau. Trước khi lựa chọn loại massage phù hợp, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
2.1.4 Liệu pháp nhiệt độ
Cả chườm nóng và chườm lạnh đều được sử dụng để giảm đau do thoát vị đĩa đệm. Nguyên tắc chung là sử dụng chườm lạnh trong 24 giờ đầu sau chấn thương, sau đó sử dụng chườm nóng hoặc lạnh tùy thuộc vào sở thích của bệnh nhân.
2.1.5 Liệu pháp xung điện
Phương pháp này làm giảm cơn đau, cải thiện tuần hoàn máu và nâng cao sức mạnh cơ bắp.
2.1.6 Phương pháp Chiropractic
Đây là phương pháp can thiệp để điều chỉnh các xương khớp bị lệch trở lại vị trí. Chiropractic thường có kết quả tích cực với những cơn đau ở vùng lưng dưới. Tuy nhiên, khi điều trị thoát vị đĩa đệm ở cổ, người bệnh cần cẩn trọng để đề phòng nguy cơ cao về đột quỵ.
2.2 Điều trị dùng thuốc
2.2.1 Thuốc giảm đau không kê đơn
Bên cạnh mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen để giúp giảm triệu chứng đau của bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị co thắt cơ có thể được chỉ định sử dụng thuốc giãn cơ để giảm các triệu chứng liên quan.
Tuy nhiên, nhóm thuốc này sẽ gây ra các hiện tượng như buồn ngủ, mệt mỏi và choáng váng. Nếu những loại thuốc này không làm giảm cơn đau, bác sĩ có thể xem xét sử dụng thuốc giảm đau opioid trong thời gian ngắn.
Quá trình sử dụng opioid thường dẫn đến các tác dụng phụ như buồn ngủ, buồn nôn, lú lẫn, táo bón và thậm chí có thể gây nghiện.
2.2.2 Tiêm thuốc Steroid
Bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid vào vùng xung quanh dây thần kinh cột sống, một phương pháp được gọi là tiêm ngoài màng cứng. Phương pháp này được sử dụng cho các trường hợp bệnh từ trung bình đến nặng. Thuốc steroid giúp giảm sưng, giảm đau do thoát vị đĩa đệm và cải thiện khả năng di chuyển của người bệnh.
2.3 Điều trị ngoại khoa
Các phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm bao gồm:
2.3.1 Mổ hở
Các phương pháp phẫu thuật bao gồm mổ mở hoặc qua ống banh để loại bỏ nhân thoát vị và giảm áp lực đè lên thần kinh. Trong một số trường hợp, kính hiển vi sẽ được sử dụng để hỗ trợ quá trình mổ thoát vị đĩa đệm.
Một số trường hợp nhất định phải mổ hở để điều trị. Tuy nhiên, các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật hở bao gồm nhiễm trùng, đau đớn và viêm vùng phẫu thuật.
2.3.2 Mổ nội soi đĩa đệm
Phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm là một kỹ thuật phổ biến hiện nay, được áp dụng cho các bệnh nhân gặp tình trạng chèn ép thần kinh cấp tính do thoát vị đĩa đệm, điều trị nội khoa không đạt kết quả hoặc thoát vị di trú.
Bác sĩ sẽ thực hiện việc giải phóng áp lực cho dây thần kinh và tủy sống bằng cách mở một đường nhỏ khoảng 2,5cm trên da để đưa hệ thống ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào tiếp cận cột sống.
Ngoài sử dụng phương pháp gây mê, người bệnh cũng có khả năng sử dụng phương pháp gây tê cục bộ trong khi thực hiện phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi tạo ra vết mổ nhỏ, do đó có độ an toàn cao hơn và ít gây nguy cơ nhiễm trùng, tuy nhiên vẫn có khả năng xảy ra một số biến chứng.
3. Mổ thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Nhiều người bệnh quan tâm liệu mổ thoát vị đĩa đệm có ảnh hưởng như thế nào và nguy hiểm gì không. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm được xem là biện pháp cuối cùng để điều trị những trường hợp nặng, gây đau nhức nhiều.
Phương pháp này thường không đe dọa tính mạng, tuy nhiên có thể xảy ra một số biến chứng sau khi phẫu thuật ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tỷ lệ phát sinh biến chứng thay đổi tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật được áp dụng.
Nhìn chung, mổ thoát vị đĩa đệm có khả năng dẫn đến một số biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, tăng sinh mô xơ sợi, dính rễ thần kinh, tổn thương dây thần kinh hoặc màng cứng bao quanh tủy sống, đau kéo dài và đĩa đệm nhân tạo có thể lệch khỏi vị trí ban đầu,..
Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm, cột sống sẽ trở nên cứng với một mức độ nhất định, có thể vĩnh viễn không thay đổi được, đặc biệt khi phẫu thuật để cố định cột sống.
Hơn nữa, bệnh có thể tái phát sau mổ thoát vị đĩa đệm, vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị phục hồi chức năng của bác sĩ. Quá trình phục hồi thường kéo dài, do đó người bệnh cần khám định kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Tóm lại, mặc dù mổ thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến một số biến chứng nhưng với sự tiến bộ của y học ngày nay, người bệnh không cần phải lo lắng quá nhiều. Người bệnh nên tuân theo chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa để nhanh chóng hồi phục.
4. Cách chăm sóc bệnh nhân sau khi phẫu thuật
Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm, bác sĩ sẽ sẽ hướng dẫn người bệnh chi tiết về thời gian dự kiến xuất viện, thời điểm có thể trở lại hoạt động bình thường, tập thể dục... Đôi khi, người bệnh cần thực hiện thêm vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ.
Tốc độ phục hồi sau phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, phương pháp phẫu thuật và các biến chứng có thể xảy ra.
Thông thường, sau khi phẫu thuật, người bệnh cần nghỉ ngơi trong khoảng hai tuần để cho các mô mềm hồi phục. Đối với phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm, người bệnh thường bắt đầu tập vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật từ hai đến ba tuần. Các bài tập tập trung vào việc tăng cường cơ bắp, nới lỏng các khớp bị cứng và bảo vệ cột sống.
Người bệnh sẽ dần dần hoạt động và làm việc như bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý đến tư thế, tránh ngồi lâu và cúi người quá lâu để không gây áp lực lên cột sống.
5. Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát
Trong một số trường hợp, bệnh có thể tái phát sau khi điều trị. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chính xác các hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa tình trạng này.
Dưới đây là những điều cần chú ý để ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát:
- Ngồi và đứng luôn thẳng. Khi phải đứng lâu, người bệnh nên gác một chân lên thứ gì đó để giảm áp lực cho lưng.
- Tránh nâng vật nặng hơn 2,5kg. Nếu không thể tránh nâng vật nặng, người bệnh hãy ngồi xổm trước rồi từ từ nâng lên, tránh uốn cong thắt lưng.
- Duy trì cân nặng ổn định để không gây áp lực lên cột sống.
- Tránh hút thuốc để ngăn ngừa xơ cứng động mạch và bảo vệ các đĩa đệm.
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học và bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe xương.
- Tập thể dục thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Khi phát hiện sớm, bất kỳ tình trạng bệnh nào đều có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng thuốc, thay đổi chế độ sống hoặc áp dụng vật lý trị liệu. Tuy nhiên, người bệnh thường có thái độ chủ quan và lơ là với bệnh, chỉ khi cơn đau kéo dài mới đến bệnh viện kiểm tra. Điều này dẫn đến quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.