Mở màng phổi tối thiểu bằng Trocar nhằm mục đích giải phóng khoang màng phổi khỏi sự đè ép của dịch và khí đưa màng phổi về trạng thái bình thường. Đây là phương pháp dễ thực hiện đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.
1. Tìm hiểu về mở màng phổi tối thiểu bằng Trocar
Bình thường khoang màng phổi là khoang ảo có áp lực âm giữa thành ngực và phổi. Khoang này có 1 lượng dịch nhỏ giúp cho quá trình bôi trơn. Khi xuất hiện dịch, khí, máu, mủ,... trong khoang màng phổi làm thay đổi áp lực màng phổi, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp gây ra tình trạng khó thở trên lâm sàng.
Tùy vào tình trạng khó thở, mức độ tràn dịch khí máu, hình ảnh Xquang mà có thái độ xử trí khác nhau. Mức độ nhẹ có thể điều trị nội khoa, mức độ vừa nặng xem xét dẫn lưu màng phổi nhằm mục đích giải phóng khoang màng phổi khỏi sự đè ép của khí hoặc dịch đưa màng phổi về vị trí ban đầu.
Mở màng phổi tối thiểu qua lỗ Trocar là thủ thuật đặt 1 ống dẻo và rỗng lòng vào khoang màng phổi thông qua 1 lỗ trocar. Mở màng phổi tối thiểu cần đảm bảo 4 nguyên tắc: Kín, vô khuẩn, một chiều và liên tục với áp lực điều khiển.
Đây là 1 phương pháp xâm lấn tối thiểu có thể thực hiện tại các phòng thủ thuật, bệnh nhân được gây mê tại chỗ nên giảm cảm giác đau, bệnh nhân không phải thực hiện cuộc phẫu thuật lớn, quy trình đơn giản dễ thực hiện không gây kích thích màng phổi đem lại hiệu quả lớn cho bệnh nhân.
2. Chỉ định, chống chỉ định mở màng phổi tối thiểu bằng Trocar
- Tràn khí màng phổi do chấn thương, tràn khí màng phổi tái phát, tràn khí màng phổi áp lực, tràn khí màng phổi do thầy thuốc
- Tràn máu màng phổi
- Tràn dịch màng phổi do các bệnh lý ác tính, mức độ nhiều, bệnh nhân khó thở nhiều
- Tràn mủ màng phổi
- Tràn dịch dưỡng chấp khoang màng phổi
- Gây dính màng phổi qua sonde dẫn lưu
Chống chỉ định:
- Không có chống chỉ định tuyệt đối. Lưu ý trong các trường hợp sau:
- Rối loạn đông máu, cầm máu tỉ lệ prothrombin < 50%, tiểu cầu dưới 50g/l
- Rối loạn huyết động
- Tổn thương da vùng chọc dẫn lưu
3. Quy trình mở màng phổi tối thiểu bằng Trocar
Chuẩn bị:
- Nhân viên y tế: 1 bác sĩ,1 điều dưỡng, trang phục y tế theo quy định (Áo blouse, mũ, khẩu trang), vệ sinh tay, đeo găng phẫu thuật
- Bệnh nhân cần được giải thích mục đích của thủ thuật mở màng phổi và các tai biến có thể xảy ra, cam kết đồng ý làm thủ thuật mở màng phổi. Bệnh nhân được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm như đông máu cơ bản, công thức máu, chức năng gan thận, điện giải đồ, Xquang ngực, cắt lớp vi tính lồng ngực
- Thiết bị và dụng cụ: bộ dụng cụ thực hiện mở màng phổi theo quy định thuốc tê, bơm tiêm, ống dẫn lưu, dụng cụ khác...
Các bước thực hiện quy trình kỹ thuật mở màng phổi tối thiểu bằng trocar:
Bước 1: Chuẩn bị vị trí chọc dẫn lưu: Xác định vị trí dẫn lưu, sát trùng, trải săng, gây tê tại vị trí mở màng phổi (gây tê thành ngực theo từng lớp, tránh bơm Lidocain vào trong lòng mạch)
Bước 2: Rạch da với kích thước nhỏ, đưa ống dẫn lưu vào khoang màng phổi
- Tiến hành rạch da và cân dọc theo khoang liên sườn, đi theo bờ trên xương sườn để tránh bó mạch thần kinh liên sườn. Không rạch quá rộng, chỉ cần bằng đường kính của ống dẫn lưu thêm 0.5cm.
- Dùng kẹp phẫu tích không mấu tách từng lớp cơ thành ngực dọc theo sợi cơ, tránh làm đứt cơ, tách đến tận lá thành màng phổi. Dùng mũi kẹp phẫu tích chọc thủng khoang màng phổi
- Đưa ống dẫn lưu vào khoang màng phổi qua lỗ vừa mở, rút nòng sắt của ống dẫn lưu ra đối với những ống thông chuyên dụng. Đối với tràn khí màng phổi thì hướng của ống dẫn lưu ra trước và lên trên đỉnh, còn đối với tràn dịch màng phổi thì hướng của ống dẫn lưu ra sau và xuống dưới
Bước 3: Cố định ống dẫn lưu, nối ống dẫn lưu với máy hút áp lực âm
- Cố định dẫn lưu ở mức 8-10cm (cách lỗ bên cuối cùng của dẫn lưu 5cm)
- Nối đầu còn lại của ống dẫn lưu được nối với máy hút với áp lực hút - 20cm H2O trong trường hợp tràn khí
Theo dõi sau phẫu thuật mở màng phổi
- Toàn trạng bệnh nhân: M, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, SpO2
- Theo dõi các biến chứng sau mở màng phổi, theo dõi dẫn lưu về số lượng màu sắc
- Thay băng chân dẫn lưu hàng ngày tránh tình trạng nhiễm trùng
4. Biến chứng có thể gặp
Một số biến chứng có thể gặp bao gồm:
- Chảy máu
- Thủng tạng
- Tổn thương bó mạch thần kinh liên sườn
- Tắc ống dẫn lưu
- Tràn khí dưới da
- Phù phổi cấp
- Nhiễm trùng vết mổ hay tràn mủ màng phổi
5. Rút dẫn lưu khi nào?
- Tràn khí màng phổi: Dẫn lưu màng phổi hết ra khí trong vòng 24 giờ, Xquang phổi nở tốt kẹp ống dẫn lưu 24 giờ kẹp dẫn lưu, Xquang phổi không tái phát tràn khí, rút ống dẫn lưu
- Tràn dịch màng phổi: Rút dẫn lưu màng phổi khi lượng dịch ra ít dưới 100ml/ 24 giờ, Xquang phổi nở tốt, bệnh nhân đỡ khó thở
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- Kỹ thuật mở màng phổi cấp cứu
- Phẫu thuật dẫn lưu tối thiểu khoang màng phổi
- Đặt ống dẫn lưu màng phổi ở bệnh nhân hô hấp