Mồ hôi muối và mồ hôi dầu là gì?

Ra mồ hôi là hiện tượng hoàn toàn bình thường, đặc biệt khi vận động hoặc thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, rất nhiều người tỏ ra bất ngờ và thắc mắc khi cho biết mồ hôi của mình có vị hơi mặn mặn. Khoa học gọi loại mồ hôi này là mồ hôi muối. Vậy mồ hôi muối là gì và mồ hôi muối có tốt không?

1. Mồ hôi muối là gì? Mồ hôi dầu là gì?

Mồ hôi là một dạng dịch tiết, có tác dụng làm mát cơ thể khi chúng ta vận động mạnh hoặc khi thời tiết xung quanh quá nắng nóng. Ngoài ra, hiện tượng đổ mồ hôi còn hiện khi chúng ta đang ở trạng thái lo lắng hoặc sốt cao vì một bệnh lý nào đó. Số lượng mồ hôi bài tiết mỗi ngày phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Khi thời tiết oi bức hoặc ở những người thường xuyên lao động nặng nhọc thì cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi hơn. Ngược lại, những trường hợp nghỉ ngơi trong môi trường mát mẻ thì lượng mồ hôi dĩ nhiên sẽ tiết ra ít hơn. Theo thống kê, những người vốn không quen với khí hậu nóng bức tại các sa mạc ở châu Phi có thể sản xuất đến khoảng gần 1 lít mồ hôi chỉ trong vòng 60 phút.

Cho đến nay mồ hôi được phân chia thành 2 loại là mồ hôi muối và mồ hôi dầu:

  • Mồ hôi muối có vị mặn bởi thành phần bao gồm nước, một lượng nhỏ muối (kết tinh từ các chất điện giải Natri, Kali, Clo) và một số chất điện giải;
  • Mồ hôi dầu là loại mồ hôi mang theo dầu, không có vị mặn và khiến da chúng ta luôn có cảm giác nhờn dính.

Độ mặn của mồ hôi muối ít nhiều có sự thay đổi, phụ thuộc vào cơ địa của từng người và một số yếu tố khác như:

  • Chế độ dinh dưỡng cung cấp quá nhiều natri, bao gồm từ cả muối ăn và natri trong các loại thực phẩm đóng hộp;
  • Những người tập thể dục ở cường độ cao thường xuyên hoặc là vận động viên chuyên nghiệp;
  • Độ mặn của mồ hôi muối có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, chẳng hạn như bệnh xơ nang.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp mồ hôi muối có độ mặn cao đến mức khi khô lại sẽ thấy trên quần áo hoặc trên da xuất hiện kết tính màu trắng của tinh thể muối.


Mồ hôi muối thường có vị mặn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người
Mồ hôi muối thường có vị mặn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người

2. Mồ hôi muối có tốt không?

Tương tự những đặc điểm đã nhắc đến ở trên, mồ hôi muối bản chất vẫn là một loại mồ hôi bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng mồ hôi muối nếu xuất hiện ở trẻ em thì cha mẹ cần đặc biệt lưu ý bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh xơ nang.

Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh xơ nang tồn tại 2 gen bị lỗi hoặc bị đột biến. Trong đó xuất hiện một dạng đột biến khiến cho việc vận chuyển clorua (chất điện giải sẽ kết tinh thành muối) gặp khó khăn khi qua màng tế bào. Điều này dẫn đến lượng muối bài tiết theo mồ hôi cao hơn bình thường kèm theo tăng độ đặc dính của chất nhầy trong phổi và hệ tiêu hoá.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh xơ nang là sự di truyền kiểu gen từ cha mẹ. Theo thống kê, mỗi cặp cha mẹ mang mầm bệnh này sẽ có:

  • 25% khả năng di truyền gen đột biến gây bệnh xơ nang cho con cái;
  • 50% khả năng sinh ra đứa bé có mang gen đột biến gây bệnh nhưng không biểu hiện bệnh ra bên ngoài;
  • 25% khả năng đứa trẻ sinh ra hoàn toàn bình thường, không mang gen bệnh.

Xơ nang là bệnh lý tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh và đa số trường hợp là không được chẩn đoán cho đến độ tuổi trưởng thành. Do đó, nếu cha mẹ nhận thấy con đổ mồ hôi muối hay mồ hôi của con có vị mặn bất thường thì cần nhanh chóng đưa bé đi khám để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe toàn diện.

3. Biện pháp hạn chế tình trạng mồ hôi muối là gì?

Mồ hôi muối có thể là dấu hiệu của bệnh xơ nang, do đó khi phát hiện cần đến bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác, từ đó đưa ra biện pháp điều trị và hạn chế tình trạng mồ hôi muối tiết ra quá nhiều. Nếu đã xác định tình trạng này không phải do bệnh lý, những người gặp hiện tượng mồ hôi mặn hơn bình thường có thể áp dụng các biện pháp sau đây để khắc phục:

  • Thực hiện việc tập thể dục tại gia đình hoặc ngoài trời, hạn chế tập ở những môi trường quá nóng bức. Lượng natri trung bình trong một lít mồ hôi chỉ khoảng 500mg nhưng nếu không quen vận động trong môi trường có nhiệt độ cao, nóng bức thì cơ thể có thể bài tiết đến 1.1g natri trong một lít mồ hôi;
  • Chế độ dinh dưỡng giảm cung cấp muối (natri) cũng là một cách hạn chế tình trạng mồ hôi muối. Người trưởng thành bình thường không nên tiêu thụ quá 2.3g natri mỗi ngày, với bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc trên 51 tuổi không nên tiêu thụ quá 1.5g natri mỗi ngày.

Bên cạnh chế độ ăn uống và luyện tập, chúng ta còn có thể áp dụng những biện pháp sau đây để hạn chế những ảnh hưởng của tình trạng mồ hôi muối đến cuộc sống hằng ngày:

  • Mặc áo lót bên trong để thấm hút mồ hôi trước khi chúng thấm vào lớp áo bên ngoài;
  • Lựa chọn quần áo có màu, đặc biệt khi tập luyện hoặc cần vận động mạnh;
  • Ưu tiên sử dụng trang phục dành riêng cho việc tập luyện với ưu điểm khi thấm mồ hôi sẽ khô nhanh chóng. Sau mỗi lần tập cần tranh thủ giặt giũ sạch sẽ với nước lạnh nhiều lần;
  • Sử dụng các dung dịch chống tiết mồ hôi ở một số vị trí để ngăn chặn tình trạng ra quá nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, các chất chống đổ mồ hôi có thể để lại những vết bẩn "cứng đầu” trên quần áo.

Nguồi ra mồ hôi muối nên lựa chọn quần áo trang phục phù hợp
Nguồi ra mồ hôi muối nên lựa chọn quần áo trang phục phù hợp

4. Chế độ ăn ảnh hưởng đến số lượng mồ hôi

Chế độ ăn bao gồm những loại thực phẩm khiến cơ bắp toàn thân hoạt động mạnh (như ăn các món cay nóng), các mao mạch giãn nở ra, nhiệt độ da tăng lên và khi đó các thụ cảm nhiệt độ phát tín hiệu thần kinh cho hệ thần kinh trung ương để bật chế độ làm mát cơ thể bằng cách bài tiết mồ hôi nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khi chúng ta sử dụng các loại rượu mạnh thì lượng mồ hôi bài tiết ra cũng nhiều hơn bình thường. Nguyên do bởi lượng cồn trong rượu kích thích tim co bóp và gây hiệu ứng giãn nở các mạch máu nhỏ. Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta cà phê, bởi chất cafein trong loại đồ uống này có thể kích thích hệ thần kinh trung ương và kích hoạt các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, chế độ ăn ngoài ảnh hưởng đến số lượng còn có thể ảnh hưởng đến cả mùi của mồ hôi. Chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận mùi mồ hôi khó chịu ở những người mới dùng những món ăn chế biến từ quá nhiều tỏi hoặc hành tây. Nghiên cứu do các nhà khoa học Cộng hòa Séc tiến hành cho thấy, thậm chí chúng ta có thể ngửi mùi mô hôi và nhận biết sự khác biệt giữa những người ăn chay và những người ăn thịt, cá.

Vậy tại sao một số người có mồ hôi nặng mùi trong khi đa số người khác thì không? Thành phần mồ hôi cơ bản bao gồm nước kèm hỗn hợp các chất điện giải, một ít chất béo và bản chất là không có mùi. Một số trường hợp mồ hôi có mùi được chứng minh là do các sản phẩm sau quá trình trao đổi chất của vi khuẩn sống bằng mồ hôi.

Một số chuyên gia đã nghiên cứu về việc các loại vi khuẩn sống thoải mái nhất trên những loại sợi nào. Kết quả, những loại vải có chất liệu từ sợi polyester nằm ở vị trí đầu bảng và chúng là môi trường sống yêu thích của chủng vi khuẩn Micrococcus. Điều này giải thích cho hiện tượng mồ hôi có mùi đặc trưng trên những bộ trang phục tập luyện của các vận động viên thể thao. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy các loại vi khuẩn gây mùi thường không thích cư trú trên các loại vải bông tự nhiên.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe