Các tuyến mồ hôi, có nguồn gốc từ tiếng Latin sudor có nghĩa là 'mồ hôi', là các cấu trúc hình ống nhỏ của da tiết ra mồ hôi. Tuyến mồ hôi là một loại tuyến ngoại tiết, sản xuất và tiết mồ hôi lên bề mặt biểu mô bằng một ống dẫn. Mồ hôi trong cơ thể được tạo ra với nhiều vai trò khác nhau. Bài viết sẽ giúp trả lời cho câu hỏi tuyến mồ hôi hoạt động như thế nào.
1. Tổng quan về tuyến mồ hôi trong cơ thể
Có hai loại tuyến mồ hôi chính khác nhau về cấu tạo, chức năng, sản phẩm bài tiết, cơ chế bài tiết, giải phẫu và phân bố giữa các loài bao gồm:
Tuyến mồ hôi Eccrine là loại phổ biến hơn, có mặt ở nhiều vị trí trên khắp cơ thể người với các mật độ khác nhau. Tuyến mồ hôi eccrine xuất hiện nhiều nhất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, sau đó đến da đầu, ít nhất ở thân và tứ chi. Chúng bài tiết ra mồ hôi gốc nước có vai trò làm mát cơ bản cho cơ thể.
Các tuyến mồ hôi apocrine chủ yếu giới hạn ở nách và vùng quanh hậu môn ở người. Chúng không có ý nghĩa trong việc làm mát, nhưng là tuyến mồ hôi hiệu quả duy nhất ở động vật có móng, chẳng hạn như lạc đà, lừa, ngựa và gia súc.
Các loại ống tuyến khác như tuyến bã sản xuất ráy tai, tuyến vú sản xuất sữa, và các tuyến trong mí mắt là các tuyến mồ hôi apocrine đã được biến đổi.
2. Cấu trúc của một tuyến mồ hôi
Mỗi tuyến mồ hôi bao gồm 2 bộ phận cơ bản là một đơn vị bài tiết và một ống dẫn mồ hôi đi. Đơn vị bài tiết nằm sâu trong lớp hạ bì và dưới hạ bì, và toàn bộ tuyến được bao bọc bởi mô mỡ. Ở cả hai loại tuyến mồ hôi, các cuộn bài tiết được bao quanh bởi các tế bào biểu mô co bóp có chức năng tạo điều kiện bài tiết sản phẩm bài tiết. Các tuyến mồ hôi bài tiết và co bóp để tống xuất mồ hôi ra ống tuyến được điều hòa bởi hệ thống thần kinh tự chủ và một số các loại hóc môn trong cơ thể.
Mỗi tuyến mồ hôi nhận một số sợi thần kinh phân nhánh thành các dải của một hoặc nhiều sợi trục và bao quanh các ống riêng của lõi bài tiết. Ngoài ra, cấu trúc các tuyến mồ hôi còn bao gồm các mao mạch nhỏ được đan xen giữa các ống mồ hôi.
3. Phân bố các tuyến mồ hôi trên cơ thể
Số lượng các tuyến mồ hôi rất khác nhau giữa những người khác nhau, mặc dù so sánh giữa các khu vực khác nhau (ví dụ: nách và bẹn) cho thấy những xu hướng phân bố giống nhau (một số khu vực luôn có nhiều tuyến mồ hôi hoạt động hơn trong khi những khu vực khác luôn có ít hơn). Theo ước tính của Henry Gray, lòng bàn tay có khoảng 370 tuyến mồ hôi trên mỗi cm2; mu bàn tay có 200 tuyến/ cm2; trán có 175 tuyến/ cm2; vú, bụng và cẳng tay có 155 tuyến trên mỗi cm2; còn lưng và chân có 60–80 mỗi cm2.
Ở các ngón tay, các lỗ chân lông của tuyến mồ hôi có khoảng cách không đều trên các gờ biểu bì. Không có lỗ chân lông giữa các gờ, mặc dù mồ hôi có xu hướng tràn vào chúng. Lớp biểu bì dày của lòng bàn tay và lòng bàn chân khiến các tuyến mồ hôi cuộn lại theo hình xoắn ốc.
4. Phân loại tuyến mồ hôi trong cơ thể
Các loại tuyến eccrine
Các tuyến mồ hôi eccrine ở khắp nơi trên cơ thể ngoại trừ ống tai, môi, quy đầu dương vật, âm hộ và âm vật. Kích thước tuyến eccrine nhỏ hơn nhiều lần so với tuyến mồ hôi apocrine, không mở rộng sâu đến lớp hạ bì và bài tiết mồ hôi trực tiếp lên bề mặt da. Tỷ lệ các tuyến eccrine giảm dần theo độ tuổi.
Các chất tiết do các tuyến mồ hôi sản xuất ra được gọi là mồ hôi. Mồ hôi có thành phần chủ yếu là nước, nhưng nó có chứa một số chất điện giải, vì nó có nguồn gốc từ huyết tương. Sự hiện diện của natri clorua làm cho mồ hôi có vị mặn.
Tổng lượng mồ hôi tiết ra phụ thuộc vào số lượng các tuyến chức năng và kích thước của bề mặt. Hoạt động bài tiết được điều chỉnh bởi cơ chế thần kinh và nội tiết tố. Khi tất cả các tuyến mồ hôi trong cơ thể hoạt động ở công suất tối đa, tốc độ đổ mồ hôi của một người có thể vượt quá ba lít mỗi giờ, vì thế có thể xảy ra tình trạng mất chất lỏng và chất điện giải nguy hiểm đến tính mạng. Nam giới đổ mồ hôi nhiều hơn nữ giới.
Các tuyến mồ hôi eccrine có ba chức năng chính:
- Điều tiết nhiệt: mồ hôi (thông qua bay hơi và mất nhiệt do bay hơi) có thể dẫn đến làm mát bề mặt da và giảm nhiệt độ cơ thể.
- Bài tiết: tuyến mồ hôi eccrine bài tiết cũng có thể loại bỏ một lượng đáng kể nước và chất điện giải.
- Bảo vệ: mồ hôi tiết ra từ tuyến mồ hôi hỗ trợ bảo tồn lớp axit của da, giúp bảo vệ da khỏi sự xâm chiếm của vi khuẩn và các sinh vật gây bệnh khác.
Các tuyến mồ hôi apocrine
Các tuyến mồ hôi apocrine được tìm thấy ở nách, quầng vú, đáy chậu khu vực giữa hậu môn và bộ phận sinh dục, ở tai và ở mí mắt. Phần bài tiết của các tuyến apocrine có kích thước lớn hơn và làm cho chúng lớn hơn về tổng thể khi so sánh với các tuyến eccrine. Thay vì đổ trực tiếp trên bề mặt da, các tuyến apocrine tiết ra mồ hôi vào ống của nang lông.
Trước tuổi dậy thì, các tuyến mồ hôi apocrine không hoạt động; sự thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì khiến các tuyến tăng kích thước và bắt đầu hoạt động. Chất tiết ra đặc hơn mồ hôi từ các tuyến eccrine và cung cấp chất dinh dưỡng cho vi khuẩn trên da: sự phân hủy của vi khuẩn trong mồ hôi là thứ tạo ra mùi. Các tuyến mồ hôi apocrine hoạt động mạnh nhất trong thời gian căng thẳng và hưng phấn tình dục.
Các tuyến mồ hôi apoeccrine
Một số tuyến mồ hôi không thể được phân biệt rõ ràng là apocrine hay eccrine, vì chúng có đặc điểm của cả hai. Vì thế các tuyến mồ hôi như vậy có tên gọi là apoeccrine. Chúng có kích thước lớn hơn các tuyến eccrine, nhưng nhỏ hơn các tuyến apocrine. Ống bài tiết của chúng có một phần hẹp tương tự như các cuộn tiết trong các tuyến eccrine và một phần rộng gợi nhớ đến các tuyến apocrine.
Loại tuyến mồ hôi apoeccrine, được tìm thấy ở nách và vùng quanh hậu môn, có các ống dẫn mở ra trên bề mặt da. Tuyến apoeccrine được cho là kết quả của sự phát triển từ các tuyến eccrine ở lứa tuổi dậy thì, và có thể chiếm tới 50% tổng số các tuyến ở nách. Các tuyến apoeccrine tiết ra nhiều mồ hôi nhất, đặc biệt ở vùng da dưới cánh tay. Các tuyến apoeccrine nhạy cảm với hoạt động cholinergic, mặc dù chúng cũng có thể được kích hoạt thông qua kích thích adrenergic. Giống như các tuyến eccrine, chúng liên tục tiết ra một lớp mồ hôi mỏng và nhiều nước.
Các tuyến mồ hôi chuyên biệt, bao gồm tuyến cổ tử cung, tuyến vú, tuyến lệ và tuyến mồ hôi của tiền đình mũi, là những tuyến apocrine đã được biến đổi. Các tuyến mồ hôi có lông trên bề mặt ở gần ống tai và tạo ra ráy tai do trộn với dầu tiết ra từ các tuyến bã nhờn. Các tuyến vú sử dụng bài tiết apocrine để sản xuất sữa.
5. Các tuyến mồ hôi hoạt động thế nào?
Các tuyến mồ hôi có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ và loại bỏ chất thải bằng cách tiết nước, muối natri và chất thải nitơ (như urê) lên bề mặt da. Các chất điện giải chính của mồ hôi là natri và clorua, mặc dù lượng này đủ nhỏ để làm cho mồ hôi nhược trương trên bề mặt da.
Mồ hôi từ tuyến eccrine trong, không mùi và bao gồm 98–99% là nước. Một số thành phần khác bao gồm NaCl, axit béo, axit lactic, axit citric, axit ascorbic, urê và axit uric. Mồ hôi tuyến eccrine có độ pH dao động từ 4 đến 6,8. Trong khi đó, mồ hôi từ các tuyến apocrine có độ pH từ 6 đến 7,5; chứa nhiều nước, protein, carbohydrate, lipid và steroid. Mồ hôi có dạng dầu, vẩn đục, nhớt và ban đầu không mùi; nó có mùi khi bị vi khuẩn phân hủy. Bởi vì cả tuyến apocrine và tuyến bã nhờn đều mở thông vào nang lông nên mồ hôi apocrine sẽ trộn lẫn với bã nhờn.
Cả hai tuyến mồ hôi apocrine và eccrine đều sử dụng bài tiết merocrine, nơi các túi trong tuyến tiết ra mồ hôi thông qua quá trình xuất bào, để lại toàn bộ tế bào nguyên vẹn. Ban đầu, người ta cho rằng các tuyến mồ hôi apocrine có hoạt động bài tiết được là do các cấu trúc giống như các "dải phân cách" trên bề mặt tế bào, tuy nhiên, các hình ảnh hiển vi điện tử gần đây chỉ ra rằng các tế bào sử dụng sự bài tiết theo kiểu merocrine. Trong hầu hết các tuyến, mồ hôi ban đầu được tạo ra trong cuộn dây của tuyến, có môi trường đẳng trương với huyết tương tại chỗ. Khi tốc độ đổ mồ hôi giảm, muối sẽ được bảo tồn và tái hấp thu bởi ống tuyến; Mặt khác, tỷ lệ mồ hôi cao dẫn đến việc tái hấp thu muối ít hơn và cho phép nhiều nước bốc hơi trên da (thông qua thẩm thấu) để tăng khả năng bay hơi và làm mát.
Sự bài tiết mồ hôi xảy ra khi các tế bào biểu mô bao quanh các tuyến bài tiết co lại. Mồ hôi tiết dịch làm tăng tốc độ phát triển của vi khuẩn và làm bay hơi các hợp chất có mùi của mồ hôi apocrine, tạo ra mùi cơ thể đặc trưng. Thông thường, chỉ có một số tuyến mồ hôi ở các vị trí nhất định duy trì hoạt động sản xuất mồ hôi. Khi các tác nhân kích thích tiết nhiều mồ hôi hiện diện, nhiều tuyến mồ hôi hơn được kích hoạt, và mỗi tuyến sau đó tiết ra nhiều mồ hôi hơn.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: etiaxil.com.vn