Mẹo dân gian chữa đau vai gáy

Đau vai gáy là tình trạng cơ tại vùng vai gáy bị co cứng, gây đau và hạn chế vận động vùng vai gáy. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và gây chèn ép rễ thần kinh cột sống. Đau vai gáy nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả khôn lường. Dưới đây là một số mẹo dân gian chữa đau vai gáy tại nhà mà bạn có thể áp dụng.

1. Các mẹo dân gian chữa đau vai gáy hiệu quả

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần bị đau vai gáy. Đặc biệt hay gặp ở các đối tượng: dân văn phòng, dân kỹ thuật, dân lao động,.... khiến cho bản thân cảm thấy khó chịu tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ. Cơn đau vai gáy thường xuất hiện ngay sau khi chúng ta làm việc hay thay đổi tư thế đột ngột. Vị trí đau hay gặp tại vai, cổ gáy khiến người bệnh vận động cột sống cổ và cánh tay khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Lá lốt, ngải cứu và muối hạt chữa đau vai gáy

Chuẩn bị nguyên liệu:

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch ngải cứu, lá lốt, để ráo nước cho khô.
  • Sao nóng ngải cứu, lá lốt và muối
  • Sau đó cho vào túi vải
  • Chờ ấm vừa phải, chườm lên vùng vai gáy bị đau nhức
  • Khi túi vải nguội có thể sao nóng lại lần nữa và tiếp tục chườm
  • Thời gian: Chườm 15-20 phút/ lần.

Mẹo dân gian chữa đau vai gáy bằng chườm ấm

Đau vai gáy có nhiều nguyên nhân, cơ chế là do hiện tượng là co cơ đột ngột khiến cho người bệnh đau, hạn chế vận động vùng cổ vai.

Chườm ấm là một mẹo chữa đau vai gáy giúp giảm đau hiệu quả tức thì và có thể thực hiện ngay tại nhà. Nguyên lý hoạt động là: Ở nhiệt độ cao sẽ làm cho sợi cơ co giãn ra, kích thích tuần hoàn máu lưu thông đến nuôi dưỡng vị trí đau này để phục hồi một cách nhanh chóng.

Sau khi chườm ấm khoảng 15-30 phút liên tục người bệnh sẽ thấy các triệu chứng được giảm nhẹ. Phương pháp này thực hiện đơn giản bằng cách dùng khăn ấm để chườm hoặc cho nước ấm vào chai lọ thủy tinh hAY túi chườm chuyên dụng rồi chườm trực tiếp lên vùng vai gáy.

Massage vùng vai gáy

Đau vai gáy là bệnh lý cơ xương khớp, mẹo hay được áp dụng cho hiệu quả tức thì đó là massage vùng vai gáy.

Kỹ thuật thực hiện:

  • Tư thế: Người bệnh có thể ngồi ghế tựa hoặc nằm sấp.
  • Kỹ thuật: Người nhà sẽ dùng tay của mình ôm trọn phần cổ sau gáy, dùng lực ở đầu các ngón tay để xoa, day hai đường cơ dọc cột sống cổ.
  • Kết hợp massage nhẹ nhàng phần vai.
  • Day, ấn các huyệt như kiên tỉnh, phong trì, thiên tông, huyệt dọc sống lưng của kinh Bàng Quang.

Dùng gừng tươi trị đau vai gáy

Gừng tươi không chỉ là nguyên liệu chế biến trong thức ăn mà còn là một vị thuốc dân gian trong mẹo chữa đau vai gáy tại nhà hữu hiệu.

Trong đông y, gừng tươi là một vị thuốc nằm trong nhóm giải biểu, phát tán phong hàn có tác dụng ôn ấm, thông kinh hoạt lạc. Trong củ gừng có chứa tinh chất zingibain khi đi vào cơ thể sẽ làm thư cân giãn cơ, cải thiện sự co cứng và giúp làm dịu nhanh các cơn đau.

Cách thực hiện như sau:

  • Gừng tươi rửa sạch để cả vỏ.
  • Sau đó giã nát, thêm chút muối hạt vào.
  • Lấy miếng gạc y tế, đắp gừng giã nát thành một lớp mỏng. Đắp gạc đó lên vùng vai gáy bị đau.
  • Cố định gạc bằng khăn quấn.
  • Thời gian đắp: 20 - 30 phút/lần x 02 lần/ngày.

Hoặc dùng rượu gừng:

  • Gừng rửa sạch và giã nát.
  • Ngâm với rượu trắng 30 – 40 độ trong thời gian 1 tháng.
  • Lấy rượu đó ra massage, xoa bóp vùng vai gáy.

Mẹo chữa đau vai gáy bằng lá lốt

Đau vai gáy thường là do vận động sai tư thế, nằm gối đầu quá cao, ngồi nhiều, cúi nhiều hay mang vác vật nặng dẫn đến các đốt sống ở cổ bị chèn ép làm co cơ, tắc mạch và khí huyết lưu thông kém.

Dùng lá lốt là một mẹo dân gian chữa đau vai gáy hay được sử dụng tại nhà vì nguyên liệu dễ kiếm. Tác dụng của lá lốt giúp hạn chế được tình trạng co cứng, tê bì, nhức mỏi vùng vai gáy. Cách thực hiện như sau:

Dùng đắp ngoài:

  • Chuẩn bị nguyên liệu: Lá lốt 200 gram; muối hạt to 200 gram
  • Thực hiện: Lá lốt rửa sạch, để ráo nước. Đem sao lá lốt trên lửa lớn đến khi nóng thì thêm muối hạt to. Tiếp tục sao khoảng 2-3 phút. Cho hỗn hợp ra khăn mỏng bọc lại, không làm rơi. Sau đó, chườm nó vào vị trí vai gáy bị đau. Cho đến khi nguội thì đem sao lại đắp thêm lần nữa. Mỗi ngày chườm khoảng 2 – 3 lần.

Dùng uống trong:

  • Lá lốt rửa sạch cho vào ấm sắc thuốc hoặc xoong nấu
  • Đổ 3 bát nước, sắc cô cạn còn 1 bát.
  • Chia uống ngày 02 lần sáng - chiều.

Dùng làm rượu xoa bóp:

  • Lá lốt rửa sạch, giã nát.
  • Sau đó đổ rượu trắng vào.
  • Cho bã vào túi vải để chườm vào vị trí đau, ngày làm 3 - 4 lần.

Dùng hạt gấc chữa đau vai gáy tại nhà

Sử dụng hạt gấc ngâm rượu để chữa đau nhức vai gáy là một mẹo dân gian thường được áp dụng khá phổ biến. Hạt gấc theo y học cổ truyền có tên gọi khác như mộc thiết, mộc tiết tử... Là vị thuốc có vị đắng, tính ôn và hơi độc.

Công dụng của phương pháp chữa đau vai gáy bằng hạt gấc sẽ kích thích vào các sinh huyệt, giúp thúc đẩy lưu lượng máu lưu thông và cung cấp oxy đến các cơ, xương ở vùng vai gáy, mang lại hiệu quả giảm đau đồng thời trợ ngăn ngừa tình trạng đau vai gáy tiến tiến triển nghiêm trọng hoặc tái phát trong tương lai. Hơn nữa hạt gấc còn giúp cơ thể đào thải độc tố, tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật một cách tự nhiên.

Trong khi nghiên cứu các hoạt chất có trong hạt gấc thì thấy thành phần chính đó là xenlulo, lipit, invedaxa... có tác dụng giảm đau, giảm sưng viêm.

Cách thực hiện như sau:

  • Dùng uống trong: Hạt gấc được tách vỏ để chỉ lấy phần nhân bên trong. Tiếp theo, sao vàng nhân hạt gấc. Rồi tán thành bột mịn sau đó đem đi bảo quản. Liều dùng mỗi lần nửa thìa cùng một chút nước. Uống ngày 2 lần sau ăn.
  • Dùng đắp ngoài: Hạt gấc làm sạch, nướng trên than cho cháy đen. Sau đó để nguội, tách vỏ lấy nhân bên trong, giã nhuyễn thành bột. Ngâm phần bột vừa giã với rượu trắng khoảng 20 - 30 ngày. Sau đó, dùng tấm vải mỏng, bôi một lớp mỏng hỗn hợp lên đó rồi làm kín lại. Đắp vào vị trí đau vai gáy hoặc dùng rượu gấc này xoa bóp cổ gáy thì hiệu quả càng tốt hơn. Ngày nên dùng 2 -3 lần để tăng hiệu quả.

Ngải cứu trị đau vai gáy

Ngải cứu được biết đến không chỉ là gia vị trong các món ăn mà còn là loại dược liệu rất tốt cho xương khớp. Khi bị đau vai gáy, đau lưng, hay đau mỏi khớp gối... chúng ta đều có thể sử dụng ngải cứu để cải thiện triệu chứng.

Trên thực tế cũng có khá nhiều cách làm với lá ngải cứu, do đó tùy vào điều kiện bạn có thể thực hiện tại nhà như:

  • Dùng ngải cứu sao muối: Ngải cứu nên chọn loại lá già, cành cứng vì có chứa nhiều tinh chất. Cho ngải cứu vào chảo, sao vàng sau đó cho muối hạt to vào chung. Dùng túi vải lớn để cho tất cả hỗn hợp trên vào, sau đó chườm lên vị trí đau. Khi nguội thì đem sao lại cho nóng để chườm cho lần tiếp theo. Nên làm như vậy 2 – 3 lần sẽ giảm đau rất tốt.

2. Lưu ý khi chữa đau vai gáy bằng các mẹo dân gian

Các mẹo dân gian trên hầu hết đều tận dụng những vị thuốc quen thuộc quanh ta để sử dụng điều trị đau vai gáy. Để đảm bảo an toàn và cũng như không gây ra những hệ quả xấu thì bạn phải lưu ý những điều sau:

  • Khi có dấu hiệu dị ứng với nguyên liệu nào thì không nên sử dụng chúng chữa bệnh vì có thể bị kích ứng. Nên chọn vị thuốc phù hợp nhất với sức khoẻ và cơ địa bản thân.
  • Hầu hết các cách chữa mẹo tại nhà này chỉ đem lại hiệu quả trong các trường hợp bệnh nhẹ. Còn với mức độ đau vai gáy vừa và nặng thì hiệu quả rất thấp. Bởi vậy mà bạn cần có sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ để xác định tình trạng bệnh của mình và có phương pháp điều trị thích hợp.
  • Hiệu quả của việc sử dụng thuốc nam luôn chậm hơn so với thuốc Tây y nhưng bù lại nó không có tác dụng phụ. Nên cần chúng ta phải kiên trì.
  • Đau vai gáy thông thường do lạnh, sai tư thế, ngồi nhiều, cúi nhiều... thì các phương pháp chữa theo mẹo dân gian trên sẽ có hiệu quả phần nào nhưng đối với những bệnh lý tổn thương thực thể như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm xương, loãng xương, u... thì cần gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị vào gốc bệnh.
  • Cải thiện thói quen sinh hoạt hàng ngày: Thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt hàng ngày. Điều này sẽ tác động lớn đến các nhóm cơ, hỗ trợ giảm chứng đau mỏi cột sống cổ và sức khỏe cũng được cải thiện đáng kể.
  • Tránh tư thế làm việc sai: Việc ngồi làm việc sai tư thế không những ảnh hưởng đến các cơ vùng cổ, gáy mà còn tác động đến nhiều vùng cơ khác trên cơ thể.

Những thông tin cung cấp trong bài viết hoàn toàn mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý đau vai gáy, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe