Máy khử rung tim cấy dưới da (S-ICD) là gì? Tổng quan về máy S-ICD

Máy khử rung tim cấy dưới da (S-ICD) là một loại thiết bị y tế ngăn chặn nguy cơ đột tử do các vấn đề về nhịp tim nhanh bất thường. Điểm đặc biệt của S-ICD là nó được cấy ghép dưới da thay vì tĩnh mạch. Phương pháp này ít xâm lấn hơn so với cách cấy ghép máy khử rung tim thông qua đường tĩnh mạch (ICD truyền thống).

1. Máy khử rung tim cấy dưới da (S-ICD) là gì?

Máy khử rung tim cấy dưới da (S-ICD) là một loại máy khử rung tim (ICD) giúp ngăn ngừa đột tử do tim ở những người có nhịp tim nhanh bất thường. S-ICD được cấy dưới da thay vì qua tĩnh mạch. Giải pháp này ít xâm lấn hơn ICD và ít biến chứng hơn. S-ICD có một số đặc điểm riêng biệt:

  • Được thiết kế để cấy ghép dưới da, không cần đưa dây dẫn vào trong tĩnh mạch.
  • Dùng để ngăn chặn nguy cơ đột tử do các vấn đề về nhịp tim nhanh và bất thường, bằng cách phát hiện cơn rối loạn nhịp nguy hiểm và điều chỉnh nhịp tim quay về nhịp cơ bản ban đầu.

1.1 Sự khác biệt giữa ICD và S-ICD:

  • ICD truyền thống (TV-ICD): Sử dụng dây dẫn chạy qua tĩnh mạch đến tim, thường là một đến ba dây.
  • S-ICD: Chỉ có một dây dẫn được cấy dưới da, không thông qua tĩnh mạch. Điều này giúp giảm nguy cơ biến chứng và làm cho việc thay thế hoặc loại bỏ dây dẫn trở nên dễ dàng hơn.

Máy khử rung tim cấy dưới da S-ICD được cấy dưới da thay vì qua tĩnh mạch như máy ICD truyền thống
Máy khử rung tim cấy dưới da S-ICD được cấy dưới da thay vì qua tĩnh mạch như máy ICD truyền thống

1.2 Ai cần đặt máy khử rung tim S-ICD?

ICD thường được sử dụng ở những người mắc bệnh tim như:

S-ICD có thể là lựa chọn ICD tốt nhất ở những người:

  • Có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc đã bị nhiễm trùng ICD trước đó;
  • Có giải phẫu tim khó tiếp cận;
  • Có lối sống năng động, dùng cho những bệnh nhân trẻ hơn và có thể cần sử dụng ICD kéo dài.

1.3 Những điều lưu ý đối với người bệnh đã đăt S-ICD

Bác sĩ của bạn sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn chi tiết về S-ICD. Có thể bao gồm:

  • Tái khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra chức năng tim và hoạt động của thiết bị.
  • Bạn sẽ được mang thẻ hoặc vòng tay để nhận biết bạn có đặt S-ICD, điều này có thể rất cần thiết cho bạn trong một số trường hợp khẩn cấp.
  • Nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi đi du lịch, đặt biệt khi tiếp xúc với một số loại máy - như máy soi chiếu tại sân bay - có thể ảnh hưởng đến hoạt động của máy.

1.4 S-ICD tồn tại được bao lâu?

Không thể sạc lại pin của S-ICD vì nó được gắn kín bên trong thiết bị. Khi pin cạn kiệt, bác sĩ phẫu thuật sẽ phải tháo và thay thiết bị. Trung bình, pin S-ICD có tuổi thọ khoảng 5 năm. Tuổi thọ pin phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm cài đặt của pin và tần suất thiết bị kích hoạt. Bác sĩ có thể kiểm tra thời lượng pin ở những lần tái khám định kỳ.


Cần phẫu thuật để thay thiết bị S-ICD mới khi máy hết pin
Cần phẫu thuật để thay thiết bị S-ICD mới khi máy hết pin

2. Những rủi ro và lợi ích của máy khử rung tim dưới da

2.1. Ưu điểm của máy S-ICD

S-ICD có thể ngăn ngừa đột tử do tim và giảm rủi ro khi cấy ICD qua đường tĩnh mạch, chẳng hạn như:

  • Thủng tim (rách mô tim)
  • Nhiễm trùng, bao gồm viêm nội tâm mạc
  • Các vấn đề về đứt dây dẫn, biến chứng cần thay thế hoặc loại bỏ dây dẫn
  • Cục máu đông

2.2. Những rủi ro hoặc biến chứng khi cấy ICD dưới da là gì?

Việc cấy ghép S-ICD cũng có nguy cơ biến chứng, mặc dù hiếm gặp:

  • Chảy máu.
  • Các cục máu đông.
  • Tổn thương các mô lân cận (ví dụ: Gân, cơ, dây thần kinh).
  • Nhiễm trùng vết mổ.

Những rủi ro khác theo thời gian có thể bao gồm:

  • Xói mòn da gần thiết bị.
  • Thiết bị dịch chuyển khỏi vị trí cấy ghép ban đầu.
  • Kích ứng dây dẫn.
  • Những cú sốc không cần thiết từ thiết bị.

2.3. Những lưu ý sau khi cấy máy khử rung tim S-ICD

Nếu bạn gặp dấu hiệu nhiễm trùng hoặc vấn đề về tim sau khi máy được ghép máy khử rung tim cấy dưới da, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Đau ngực.
  • Chóng mặt.
  • Chảy dịch hoặc mủ từ vết mổ.
  • Không giải quyết được các triệu chứng về tim mà bạn gặp phải trước khi cấy S-ICD.
  • Đỏ, sưng hoặc đau gần vết mổ.
  • Hụt hơi.

Liên hệ với bác sĩ nếu bản thân có các dấu hiệu của nhiễm trùng như: đau ngực, chảy dịch từ vết mổ...
Liên hệ với bác sĩ nếu bản thân có các dấu hiệu của nhiễm trùng như: đau ngực, chảy dịch từ vết mổ...

Máy khử rung tim cấy dưới da (S-ICD) cung cấp giải pháp hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân mắc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng. Với thiết kế ít xâm lấn hơn và giảm thiểu nguy cơ biến chứng so với ICD truyền thống, S-ICD mở ra cánh cửa mới cho cả bệnh nhân trong việc quản lý các rối loạn nhịp tim.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe