Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thùy Đoan Trang - Trưởng nhóm Tuần hoàn ngoài cơ thể - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ là chuyên gia về Tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật tim và hồi sức tim, điều trị nội khoa Tim mạch.
Bệnh cơ tim phì đại là tình trạng rối loạn cơ tim do thành cơ tim dày lên bất thường. Nếu không được điều trị bệnh cơ tim phì đại kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim...
1. Làm thế nào để nhận biết bệnh cơ tim phì đại?
Các triệu chứng của bệnh cơ tim phì đại thường không rõ ràng hoặc không có triệu chứng, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt như những người bình thường. Tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân cơ tim phì đại không thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, dẫn đến điều trị muộn và tăng nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Bệnh cơ tim phì đại là nguyên nhân chính gây đột tử ở vận động viên và người trẻ.
Tùy vào mức độ của bệnh, các triệu chứng bệnh cơ tim phì đại ở mỗi người khác nhau, trong đó có một số dấu hiệu chẩn đoán bệnh cơ tim phì đại điển hình như:
- Đau tức ngực, đau càng tăng lên khi hoạt động thể lực.
- Khó thở, đặc biệt khi làm việc gắng sức.
- Hay ngất xỉu, chóng mặt, hoa mắt khi làm việc nặng, hoạt động thể lực hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
- Thường xuyên đánh trống ngực hoặc có cảm giác rung ở ngực hoặc nhịp tim nhanh.
2. Biến chứng của bệnh phì đại cơ tim
Bệnh cơ tim phì đại có thể khiến cấu trúc tim bị thay đổi, làm suy giảm chức năng tim và rối loạn hoạt động của hệ thống dẫn truyền trong tim. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh cơ tim phì đại có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:
Rối loạn nhịp tim: Tác động của bệnh tim phì đại gây rung nhĩ, nhịp nhanh thất và rung thất. Tình trạng rung nhĩ có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông di chuyển vào mạch vành tim và não, gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Rung thất và nhịp tim nhanh là những rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Một số trường hợp có nguy cơ cao gây ngừng tim, đột tử.
Thiếu máu cơ tim: Cơ tim dày lên làm giảm lưu lượng máu qua các động mạch vành, thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim và dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, đau thắt ngực, nhất là khi gắng sức.
Bệnh cơ tim giãn: Do tác động của cơ tim phì đại, buồng tâm thất có thể bị giãn ra để tăng thể tích chứa máu, theo thời gian làm giảm sức co bóp của cơ tim.
Hở van hai lá: Van hai lá là van ngăn cách giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Cơ tim dày lên khiến không gian cho máu lưu thông trong tim bị giảm đi, máu chảy qua van tim một cách nhanh chóng và dồn dập, áp lực của dòng máu lên van tim tăng lên, ảnh hưởng đến hoạt động của van hai lá và gây ra tình trạng hở van hai lá.
Suy tim: Khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu cơ thể của tim giảm dần do cơ tim dày lên, nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới suy tim.
3. Điều trị bệnh phì đại cơ tim
Mục tiêu điều trị bệnh cơ tim phì đại là điều trị triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển, phòng ngừa đột tử ở bệnh nhân có nguy cơ cao.
Các phương pháp điều trị bệnh cơ tim phì đại bao gồm: điều trị bằng thuốc, phẫu thuật, thay đổi lối sống hoặc một số biện pháp can thiệp khác giúp kiểm soát nhịp tim.
3.1 Điều trị bằng thuốc
- Thuốc chẹn beta để giảm nhịp tim và bảo tồn cơ tim;
- Thuốc chẹn kênh canxi để kéo dài thời gian thời kỳ tâm trương và tăng sức co bóp;
- Thuốc kiểm soát nhịp tim.
- Người bệnh bị rung nhĩ được chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
3.2 Thay đổi lối sống
- Hạn chế gắng sức và tham gia các môn thể thao có cường độ vận động cao như chạy, bóng đá, bóng rổ...
- Theo dõi và tái khám theo đúng lịch của bác sĩ để nắm được tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Dùng thuốc và chế độ dinh dưỡng theo sự tư vấn của bác sĩ điều trị.
3.3 Điều trị bằng phẫu thuật
- Phẫu thuật cắt lọc cơ tim: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần phì đại của vách liên thất để giải phóng đường ra thất trái. Đồng thời phẫu thuật có thể sửa chữa các tổn thương van tim. 90% bệnh nhân cơ tim phì đại cải thiện tình trạng bệnh và sống cuộc sống bình thường trong vòng hơn 30 năm sau đó. Một số trường hợp hệ thống dẫn truyền tim bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ phải cấy ghép máy tạo nhịp vĩnh viễn.
- Đốt cơ tim bằng cồn nguyên chất: Phương pháp Đốt cơ tim bằng cồn nguyên chất là đưa ống thông theo đường động mạch đến động mạch vành, cung cấp máu nuôi phần cơ tim được phì đại. Sau khi xác định được nhánh động mạch thích hợp, bác sĩ sẽ bơm từ 3 - 4ml cồn nguyên chất, khiến nhánh động mạch đó bị tắc và không thể cung cấp máu cho phần cơ tim phì đại, giúp cho phần phì đại sẽ thu nhỏ lại sau 8 - 12 tuần. Đây là phương pháp có tác dụng ở 70 - 80% bệnh nhân, thời gian hiệu quả dưới 5 năm.
- Cấy máy khử rung tim (ICD): Những trường hợp có nguy cơ đột tử cao do rối loạn nhịp tim có thể được cấy ghép máy khử rung tim để điều trị những cơn loạn nhịp trong trường hợp cần thiết. Máy khử rung tim là một thiết bị nhỏ, gắn dưới da ở ngực người bệnh và có điện cực dẫn đến tâm thất phải hoặc tâm nhĩ. Máy có thể theo dõi nhịp tim và phát ra những cú sốc điện khi phát hiện nhịp tim bất thường, giúp nhịp tim trở lại bình thường.
Bệnh cơ tim phì đại hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Sau điều trị, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường. Trong quá trình điều trị cơ tim phì đại, cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.