Máu tụ dưới màng cứng mãn tính ở người cao tuổi

Máu tụ dưới màng cứng mãn tính là khối tụ máu hình thành trong khoang dưới màng cứng trong thời gian dài (tối thiểu 03 tuần), nó thường xảy ra do một va chạm hay chấn động ở đầu làm tổn thương và gây chảy máu từ mạch máu gần hoặc trong khoang dưới màng cứng. Máu tụ lại ở khoang dưới màng cứng này, tích tụ dần gây chèn ép nhu mô não. Theo WHO máu tụ dưới màng cứng mãn tính thường gặp ở người cao tuổi có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên, tuy nhiên cũng có thể gặp ở trẻ em do đầu bị biến dạng lúc sinh.

1. Tại sao người cao tuổi có nguy cơ cao bị máu tụ dưới màng cứng mạn tính

Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị máu tụ dưới màng cứng mạn tính, nguyên nhân do:

  • Các mạch máu trên vỏ não của người cao tuổi trở nên yếu hơn khiến chúng dễ bị tổn thương và gây chảy máu hơn.
  • Mặt khác, càng lớn tuổi não của người cao tuổi sẽ bị teo nhỏ làm khoảng cách giữa nhu mô não và hộp sọ tăng lên, điều này làm căng các mạch máu và khi bị chấn thương ở đầu sẽ làm cho chúng dễ bị tổn thương và gây chảy máu.

2. Triệu chứng của bệnh lý máu tụ dưới màng cứng mạn tính

Các triệu chứng của máu tụ dưới màng cứng mãn tính thường không xuất hiện cho đến khoảng 2-3 tuần sau khi bị chấn thương đầu, có thể là vài tháng sau khi chấn thương.

Trong thực tế, thường là chấn thương nhỏ hoặc bệnh nhân quên đã bị chấn thương đầu. Cụ thể hơn, bệnh này có thể xảy ra ở người lớn tuổi dùng thuốc kháng đông, hoặc những người nghiện rượu.

Các triệu chứng có xu hướng tăng dần. Thường gặp là chán ăn, buồn nôn và / hoặc nôn mửa. Nhức đầu rất hay có và nặng dần lên. Bệnh nhân có thể nhận thấy dần dần yếu tay chân ở một bên của cơ thể, nói khó khăn, rối loạn thị giác. Cũng có thể có tăng buồn ngủ, lú lẫn hoặc thay đổi tính cách. Đôi khi động kinh có thể xảy ra.

Triệu chứng của bệnh máu tụ dưới màng cứng mạn tính rất dễ lầm với các bệnh khác như sa sút trí tuệ (dementia), tai biến mạch máu não, cơn thoáng thiếu máu não.

3. Điều trị máu tụ dưới màng cứng mãn tính


Một số thuốc được sử dụng trong điều trị nội khoa bệnh máu tụ dưới màng cứng mãn tính
Một số thuốc được sử dụng trong điều trị nội khoa bệnh máu tụ dưới màng cứng mãn tính

Điều trị nội khoa bảo tồn: Một số thuốc được sử dụng trong điều trị nội khoa bệnh máu tụ dưới màng cứng mãn tính như mannitol và steroids liều cao, tuy nhiên việc điều trị nội khoa này tỷ lệ thành công không cao.

Mở nắp sọ (Craniotomy): Mở nắp sọ chỉ được chỉ định trong 1 số trường hợp máu tụ tái phát nhiều lần, máu tụ đóng bánh, khoan sọ 1 lỗ sọ không giải quyết được hết máu tụ, hoặc khi máu tụ tạo nhiều bao riêng rẽ, cần phải mở vào nhiều ngăn khác nhau.

Khoan sọ và dẫn lưu

  • Mổ thường được sử dụng nhiều nhất cho bệnh nhân mắc bệnh máu tụ dưới màng cứng mãn tính, khoan lỗ sọ có hoặc không có hệ thống dẫn lưu kín.
  • Thường 2 lỗ khoan là đủ, 1 ở ụ đính, 1 ở ngay trước khớp vành, cách đường giữa 3 cm. Đôi khi cũng cần 1 lỗ khoan ở thái dương thấp. Các đường mở da và lỗ khoan có thể thành đường mở sọ nếu cần thiết. Nếu máu tụ cả hai bên cần mở cùng lúc, nếu không sau mổ người bệnh có thể trở nặng do di lệch não.
  • Có thể thực hiện cuộc mổ qua gây tê tại chỗ hay gây mê toàn thân. Dùng gây tê khi điều kiện người bệnh xấu. Dùng gây tê có thể gặp khó khăn khi phải kéo dài thời gian để lấy hết máu cục và cầm máu triệt để.
  • Có thể thực hiện lỗ khoan sọ rộng, xẻ màng ngoài nhiều mạch máu, cầm máu thật kỹ để có rộng chỗ đặt ống dẫn lưu. Bơm rửa máu tụ bằng dung dịch nước muối và hút. Bơm rửa đến khi dịch thoát ra trong và không màu. Có thể bơm nước muối qua ống dẫn lưu mềm để làm tróc máu cục ở bờ của khối máu tụ, cần thận trọng không gây tổn thương não.
  • Nhiều phẫu thuật viên đặt hệ thống dẫn lưu kín dưới màng cứng sau khi bơm rửa máu tụ. 1 ống dẫn lưu mềm đặt ở khoang dưới màng cứng, qua 1 lỗ khoan, ống chạy dưới da đầu và trổ ra ngoài da qua 1 đường rạch da nhỏ khác. Ống được nối với 1 hệ thống dẫn lưu kín, đặt dưới vị trí đầu 10-15 cm, rút ống dẫn lưu sau 24 -48 giờ.

Kỹ thuật nội soi: Dùng hệ thống nội soi thần kinh có ống nội soi mềm (flexible) và kéo vi phẫu, ngày càng thịnh hành hơn.


Cần chụp CT nếu người bệnh không hồi phục tốt hoặc có dấu hiệu trở xấu thứ phát
Cần chụp CT nếu người bệnh không hồi phục tốt hoặc có dấu hiệu trở xấu thứ phát

Chăm sóc sau mổ

  • Đặt người bệnh nằm thẳng trên giường trong vài ngày đầu sau mổ.
  • Cung cấp đủ nước.
  • Hệ thống dẫn lưu không nên để quá 48 giờ. Có thể dùng thuốc chống động kinh phòng ngừa trong thời gian mổ và hậu phẫu gần, đặc biệt khi người bệnh đã có cơn động kinh, phẫu thuật có thể gây ra cơn động kinh.
  • Nếu người bệnh hồi phục tốt sau mổ, không nên quá lạm dụng CT kiểm tra thường xuyên, một số người bệnh có thể còn ít máu tụ tồn lưu, máu tụ này sẽ hấp thu theo thời gian không cần điều trị gì thêm. Khoảng trên 90% số người bệnh còn máu tụ tồn lưu trong vòng 4 ngày sau mổ. Nếu chụp CT não kiểm tra quá sớm có thể gây lo lắng, thậm chí mổ lại không cần thiết. Tuy vậy, phải chụp CT nếu người bệnh không hồi phục tốt hoặc có dấu hiệu trở xấu thứ phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe