Suy giảm trí nhớ ở học sinh phải làm sao?

Quan niệm trước đây cho rằng tình trạng suy giảm trí nhớ, hay quên chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh đang ngày càng phổ biến hơn. Vậy nguyên nhân gì khiến trẻ bị suy giảm trí nhớ và bố mẹ cần khắc phục như thế nào?

1. Suy giảm trí nhớ ở học sinh là gì?

Suy giảm trí nhớ ở trẻ em, học sinh là tình trạng đường dẫn truyền thông tin về vỏ não bị ngưng trệ, từ đó khiến chức năng não bộ suy giảm và lâu ngày dẫn đến trí nhớ bị suy giảm và khả năng tư duy bị sa sút. Chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống, trong đó đặc biệt là kết quả học tập không còn được như trước.

Nhiều nghiên cứu thời gian gần đây cho thấy, có hơn 85% người dưới 50 tuổi gặp ít nhất một vấn đề về trí nhớ. Trong đó, số lượng người dưới 30 tuổi chiếm đến 20-30%. Những con số này báo động về tình trạng suy giảm trí nhớ đã trẻ hóa và nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy phía sau.

2. Suy giảm trí nhớ ở trẻ em, học sinh do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh, trong đó bao gồm những nguyên nhân sau:

2.1. Căng thẳng

Trẻ em lứa tuổi học sinh đa phần gặp phải tình trạng căng thẳng, stress là do áp lực học tập. Căng thẳng gây ức chế thần kinh và khiến các em khó tập trung cho việc nhận thức hay tiếp thu bài giảng. Lâu dần tốc độ phản ứng của trẻ với các sự vật, tốc độ suy nghĩ và khả năng tư duy đều sẽ bị ảnh hưởng. Hậu quả cuối cùng là trẻ bị phân tán tư tưởng và lơ đãng trong việc học do trí nhớ sa sút.

2.2. Rối loạn giấc ngủ

Suy giảm trí nhớ ở trẻ em có thể xuất phát từ tình trạng giấc ngủ bị rối loạn, đặc biệt ở độ tuổi dậy khi hormone trong cơ thể thay đổi. Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không ngon giấc khiến cơ thể trẻ không tái tạo được năng lượng, khả năng đào thải độc tố suy yếu và đặc biệt vỏ não không thể lưu trữ các thông tin ký ức. Thông tin bị ngưng trệ sẽ dẫn đến việc mau quên và suy giảm trí nhớ, kèm theo đó rối loạn giấc ngủ còn khiến các em mệt mỏi, uể oải, đầu óc không tỉnh táo và khó tiếp thu bài học.

2.3. Chế độ sinh hoạt

Học sinh, đặc biệt trong lứa tuổi vị thành niên, bị suy giảm trí nhớ có thể xuất phát từ những thay đổi trong cơ thể, dẫn đến các các thói quen sinh hoạt hàng ngày bị rối loạn. Trong đó hay gặp là hiện tượng thức khuya hơn, dậy sớm hơn sẽ khiến não bộ không đủ thời gian nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng.

2.4. Việc học quá tải

Học sinh phải học trong tình trạng quá tải là hiện tượng cực kỳ phổ biến hiện nay. Khi trẻ phải học cùng lúc một khối lượng bài tập đồ sộ sẽ khiến não bộ quá tải theo, từ đó góp phần dẫn đến chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh.

2.5. Chế độ dinh dưỡng

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng góp phần giúp não bộ khỏe mạnh với khả năng tư duy tốt. Việc ăn uống thiếu chất, thiếu khoa học và không lành mạnh, đặc biệt là thiếu các Vitamin nhóm B, dễ khiến các em thiếu máu, bị suy giảm trí nhớ và nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Các nghiên cứu chứng minh khi vitamin B1 thiếu hụt sẽ dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn do thiếu nguyên liệu sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh.

2.6. Rối loạn cảm xúc

Dậy thì là giai đoạn ghi nhận rất nhiều sự thay đổi mạnh mẽ về mặt tâm sinh lý, tình cảm ở lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, đa phần trẻ thay vì chia sẻ những cảm xúc yêu, ghét, giận hờn với cha mẹ/người thân thì các em lại có xu hướng che giấu và tự giải quyết theo cách riêng của mình. Rất nhiều trẻ vì vấn đề này mà bị ức chế cảm xúc, ảnh hưởng đến chức năng não bộ và góp phần hình thành chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh.

3. Trẻ bị suy giảm trí nhớ có biểu hiện gì?

Chứng suy giảm trí nhớ ở trẻ em/học sinh biểu hiện rất đa dạng nhưng cũng rất dễ nhận biết:

  • Trẻ học trước quên sau, học đâu quên đấy;
  • Khả năng tập trung kém, hay lơ đãng, mệt mỏi và uể oải khi học;
  • Khả năng tư duy kém nhạy bén và phản ứng chậm với các sự việc xung quanh;
  • Mệt mỏi, buồn bã thường xuyên và kèm theo đó là tâm trạng căng thẳng, stress;
  • Người việc học thì trẻ rất hay quên đồ đạc;
  • Mất ngủ, khó ngủ, dậy sớm hơn bình thường;
  • Tỏ ra lười biếng và kém năng động.

4. Chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh có nguy hiểm không?

Các nhà khoa học cho biết, các tế bào thần kinh bắt đầu thoái hóa ở độ tuổi trên 20. Khi chúng ta bước qua tuổi 25, mỗi ngày sẽ có trên 3000 tế bào não chết đi mà không sản sinh thêm tế nào mới. Kèm theo đó, các yếu tố khiến tế bào thần kinh thoái hóa ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến việc chứng suy giảm trí nhớ trẻ hóa dần, trong đó đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh.

Một số biến chứng đáng chú ý của bệnh suy giảm trí nhớ ở học sinh bao gồm:

  • Ảnh hưởng đến kết quả học tập: Việc lơ đãng, thiếu tập trung, kém nhạy bén trong tư duy và phản ứng chậm chạp với mọi thứ khiến kết quả học tập của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng;
  • Ảnh hưởng đến cuộc sống: Hay quên, hay thất lạc đồ lạc, căng thẳng, stress dẫn đến các phản ứng tiêu cực các trong tâm trạng, hành vi và cảm xúc... ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của trẻ, đặc biệt là các mối quan hệ xung quanh;
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe: Các bác sĩ cho biết, chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh nếu không được khắc phục sớm sẽ chuyển sang sa sút trí tuệ sau 3 năm. Khi đó não bộ mất dần khả năng điều khiển, tế bào não tổn thương vĩnh viễn gây teo não và tổn thương mạch máu não...

5. Cách phòng tránh suy giảm trí nhớ ở trẻ em

Cha mẹ nên chủ động giúp con phòng tránh suy giảm trí nhớ ở trẻ em, đặc biệt khi bệnh chưa nghiêm trọng. Yếu tố then chốt giúp học sinh phòng tránh bị suy giảm trí nhớ chính là thay đổi thói quen sống theo hướng tích cực, khoa học hơn:

  • Xây dựng cho con kế hoạch học tập khoa học để hạn chế áp lực hay stress quá mức;
  • Có biện pháp giải tỏa căng thẳng và ổn định tâm trạng cho con khi việc học tập quá căng thẳng;,
  • Hướng dẫn trẻ tập thể dục mỗi ngày, qua đó tăng cường tuần hoàn máu lên não;
  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống cho trẻ hợp lý, khoa học, giàu chất dinh dưỡng tốt cho não bộ như các loại hải sản, rau xanh, các loại hạt, nấm, ngũ cốc, sữa, trứng...;
  • Khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí ngoài trời hay tham gia các hội nhóm để gia tăng tương tác xã hội và vận động cơ thể;
  • Rèn luyện ghi nhớ bằng các trò chơi trí tuệ thay vì sử dụng Internet quá nhiều. Việc đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ giúp rèn luyện trí nhớ rất tốt;,
  • Tập cho con thói quen đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, hạn chế các yếu tố tiêu cực như xem tivi hay điện thoại trước khi ngủ;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho con để phát hiện sớm chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh và đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả.

6. Có nên sử dụng thuốc bổ não điều trị chứng suy giảm trí nhớ ở trẻ em?

Trước tình trạng suy giảm trí nhớ ở học sinh diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong những kỳ thi cực kỳ căng thẳng, các bậc phụ huynh có khuynh hướng cho con sử dụng các loại thuốc bổ não, hoạt huyết dưỡng não... Các loại thuốc này hiện nay được quảng cáo rất rầm rộ, có thể được truyền miệng qua người thân, bạn bè thay vì những tư vấn khoa học của các bác sĩ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như trên để điều trị suy giảm trí nhớ ở học sinh có thể đem lại những hậu quả không ngờ đến.

Theo nghiên cứu, các loại thuốc hỗ trợ hệ thần kinh chỉ được bác sĩ chỉ định khi để điều trị một số bệnh lý thần kinh nhất định. Do đó tất cả dược phẩm hỗ trợ trí não không có tác dụng cho hệ thần kinh ở người bình thường. Nếu cố tình sử dụng không theo chỉ dẫn của bác sĩ thì không những không giúp ích cho việc tăng cường trí nhớ cho con mà còn có thể gây ra tác dụng ngược cho não bộ. Nguy hiểm hơn, với các em học sinh, đây là độ tuổi đang hoàn thiện cơ thể, nên việc uống thuốc bổ não bừa bãi có thể gây tổn thương não bộ vĩnh viễn và kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng khác.

Khi thấy con mình có các dấu hiệu suy giảm trí nhớ ở học sinh, phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua và cho con sử dụng các loại dược phẩm bên ngoài. Thay vào đó, cha mẹ nên đưa các con đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có cách khắc phục phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe