Hỏi
Chào bác sĩ,
Vợ em có tiền sử bệnh hen. Gần đây, sau khi sinh con xong thì các cơn hen của vợ em nặng hơn. Lần gần nhất, khi cơn hen phát lên, vợ em lại bị tê (mất cảm giác tai) và tê môi. Vậy bác sĩ cho em hỏi mất cảm giác tai, tê môi khi phát cơn hen có sao không? Triệu chứng tê tai, môi này có phải là dấu hiệu của tai biến nhẹ không thưa bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Duy Huy (Hồ Chí Minh)
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Mất cảm giác tai, tê môi khi phát cơn hen có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Bác sĩ cần khẳng định rằng không có biện pháp nào giúp phòng tránh bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, người mắc bệnh hoàn toàn có thể dự phòng các cơn hen phế quản bằng các cách sau:
- Tiêm vắc-xin phòng cúm.
- Xác định và tránh tiếp xúc với các dị nguyên khởi phát cơn hen.
- Nhận diện các dấu hiệu báo trước của một cơn hen ho, thở dốc hay thở rít.
- Điều trị các cơn hen phế quản càng sớm càng tốt, giúp dự phòng các đợt cấp tiến triển nặng nề hơn.
- Tuân thủ việc điều trị. Không được tự ý ngưng sử dụng thuốc ngay khi thấy triệu chứng thuyên giảm.
- Tái khám theo hẹn, đảm bảo tuân theo kế hoạch điều trị và kiểm soát bệnh hen mà bác sĩ đề ra.
- Cần gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu của cơn hen nặng.
- Lưu ý đến việc tăng tần suất sử dụng các thuốc hít cắt cơn nhanh vì dấu hiệu này có nghĩa là bệnh lý hen suyễn ở người bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt.
Bạn nên đưa vợ đến khám chuyên Khoa hô hấp để có phác đồ điều trị hen hiệu quả hơn.
Tai biến mạch máu não nhẹ hay còn được gọi là thiếu máu não thoáng qua, là dạng tai biến mạch máu não hồi phục nhanh, hồi phục trong khoảng vài phút đến vài giờ và không để lại di chứng yếu liệt. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những yếu tố có nguy cơ hàng đầu gây thiếu máu não thực sự và còn làm tăng tỷ lệ tử vong trong những năm đầu sau tai biến.
Dấu hiệu tai biến nhẹ:
- Nhức đầu dữ dội và đột ngột.
- Chóng mặt, choáng, ù tai đột ngột. Nếu người bệnh đang đứng sẽ thấy một bên chân bị yếu hẳn và đứng không vững.
- Một bên tay không thể cầm nắm chắc đồ vật và làm rơi, cảm thấy khó khi nhặt lại vật đã rơi.
- Rối loạn ngôn ngữ đột ngột, bao gồm các dấu hiệu tai biến nhẹ như nói khó hoặc nói ngọng, khiến người nghe không hiểu. Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ có thể chỉ diễn ra trong ít phút, tuy nhiên cũng có thể kéo dài cả ngày trước khi bị tai biến nghiêm trọng, lúc đó người bệnh không còn khả năng phát ngôn.
- Có cảm giác tê ở đầu ngón tay, chân và nửa thân trên như kim châm, kiến đốt một cách đột ngột.
- Người bệnh thỉnh thoảng mất hẳn kiểm soát bản thân, như đang nói thì ngừng lại, để rơi vật đang cầm nắm trong tay mà không hay biết, vài giây sau mới sực nhớ và nhặt lên.
- Rối loạn trí thức đột ngột, người bệnh đột nhiên mất định hướng về không gian và thời gian trong vài phút hoặc vài giờ, bị điếc hoặc quên lãng trong khoảng thời gian ngắn.
- Mất thị lực hoàn toàn hoặc một phần, ở một hoặc hai bên mắt trong khoảng vài giây.
Tai biến mạch máu não nhẹ không gây tổn thương vĩnh viễn, tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh không nên chủ quan vì không thể xác định được đó là dấu hiệu của tai biến mạch máu não nhẹ hay nghiêm trọng.
Khi người bệnh có dấu hiệu tai biến nhẹ nêu trên, trước tiên cần gọi cấp cứu ngay cả khi các triệu chứng chỉ xuất hiện và biến mất trong vài phút. Việc xử lý và điều trị phòng ngừa sớm bệnh tai biến, đặc biệt là ở những bệnh nhân có nguy cơ cao (trên 60 tuổi), có tiền sử các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn ngôn ngữ, yếu nửa người kéo dài hơn 60 phút sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ đột quỵ thực sự sau này.
Phương pháp điều trị chủ yếu bệnh bệnh tai biến mạch máu não nhẹ là sử dụng thuốc chống đông máu. Trong đó, Aspirin được chỉ định phổ biến vì thuốc làm giảm khả năng liên kết và hình thành cục máu đông. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng kết hợp các loại thuốc như Aggrenox, Clopidogel, Heparin,... Tuy nhiên, khi sử dụng, bệnh nhân lưu ý phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì các loại thuốc này đều có tác dụng phụ và dược tính mạnh cũng như khả năng tương tác với các loại thuốc khác cao, kể cả các thuốc không kê đơn.
Nếu bạn còn thắc mắc về hen, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.