Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Nhã Hiền - Bác sĩ Nội ung bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Trước khi mang thai người bệnh nên nói chuyện với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về những rủi ro tiềm ẩn khi mang thai và sinh nở. Có thể cần kiểm tra một số cơ quan để đảm bảo thai kỳ được an toàn.
Ung thư là bệnh lý ác tính khó chữa, ngày nay với nhiều phương pháp điều trị hiện đại, ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Do vậy, các vấn đề sau điều trị cũng được nhiều quan tâm. Mang thai sau điều trị ung thư luôn là nỗi niềm bệnh nhân ung thư. Cách tốt là nên dự trữ phôi hoặc tinh trùng trước khi điều trị ung thư.
1. Mang thai sau điều trị ung thư
Thông thường, mang thai sau khi điều trị ung thư là an toàn cho cả mẹ và bé. Mang thai dường như không làm tăng nguy cơ khiến ung thư trở lại. Tuy nhiên, để giúp cho quá trình mang thai diễn ra an toàn, một số phụ nữ có thể được khuyến cáo nên đợi một vài năm sau điều trị ung thư rồi mới tính đến chuyện mang thai. Thời gian đó phụ thuộc vào một số yếu tố sau:
- Loại ung thư và giai đoạn ung thư
- Phương pháp điều trị ung thư trước đó
- Tuổi tác của người phụ nữ
- Tình trạng kinh nguyệt sau điều trị
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo rằng phụ nữ không nên mang thai trong 6 tháng đầu sau khi kết thúc hóa trị mà nên đợi từ 2-5 năm để chắc chắn ung thư không tái phát trước khi quyết định có con. Bởi vì, sau quá trình điều trị, trứng và các tế bào ung thư bị hỏng vẫn có thể tồn tại trong cơ thể, phải mất ít nhất 6 tháng để “tống” hết các yếu tố hư hỏng và có hại này ra khỏi cơ thể mình.
Trong quá trình thực hiện điều trị ung thư, bệnh nhân nên chủ động ngừa thai, vì vẫn có khả năng mang thai khi đang điều trị. Không chỉ phụ nữ mà cả cánh mày râu cũng nên biết cách chủ động ngừa thai, bởi vì nhiều thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến tinh trùng. Nếu mang thai khi đang điều trị, nên báo với bác sĩ để đưa ra cách xử trí tốt.
2. Phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến thai kỳ
Bệnh nhân mắc ung thư phải trải qua các phương pháp điều trị ung thư khác nhau bao gồm xạ trị, hóa trị, thuốc và phẫu thuật. Có thể nói, những phương pháp điều trị này ít nhiều mang lại những nguy cơ tiềm tàng cho việc mang thai sau này của người bệnh.
- Xạ trị: Xạ trị có thể ảnh hưởng đến các tế bào hỗ trợ và cung cấp máu của tử cung. Nó cũng có khả năng làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhẹ cân và các vấn đề khác.
- Phẫu thuật vào cổ tử cung: Loại bỏ bất kỳ phần nào của cổ tử cung có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
- Hóa trị: Hóa trị liệu anthracycline bao gồm điều trị bằng doxorubicin (có sẵn dưới dạng thuốc generic), daunorubicin (Cerubidine), epirubicin (Ellence) và idarubicin (Idamycin). Những phương pháp điều trị này có thể làm hỏng các tế bào tim và làm suy yếu tim, khiến cho quá trình mang thai và chuyển dạ gặp nhiều khó khăn hơn.
Ngoài ra, hóa trị cũng để lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Hầu hết, phụ nữ sau khi điều trị ung thư thành công sẽ bị mãn kinh sớm. Do đó, khả năng sinh sản của người mẹ sẽ bị giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, tuổi tác của bạn càng cao thì khả năng mang thai càng bị hạn chế.
3. Làm cha sau khi điều trị ung thư
Nam giới vẫn có thể có con sau khi kết thúc điều trị ung thư. Mặc dù không có khuyến cáo nhất định về việc đàn ông nên đợi bao lâu sau khi điều trị, tuy nhiên các nhà chăm sóc sức khỏe khuyên rằng nên đợi từ 2-5 năm. Tinh trùng có thể bị tổn thương do hóa trị hoặc xạ trị. Những tinh trùng đó nên được thay thế trong 2 năm để đảm bảo cho việc mang thai trong tương lai khỏe mạnh.
4. Những lo lắng khác về việc có con sau khi điều trị ung thư
- Nguy cơ trẻ bị ung thư
Nhiều người bị ung thư lo lắng rằng con cái của họ cũng có thể bị ung thư. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư của những đứa trẻ được sinh ra từ những người mắc bệnh ung thư và những người sống sót sau khi điều trị đều không cao. Nhưng một số bệnh ung thư có liên quan tới yếu tố di truyền, tức là bệnh có thể được truyền từ cha mẹ sang con thông qua gen.
Nếu bạn có một trong những bệnh ung thư di truyền này, nguy cơ sinh con mắc ung thư cũng sẽ tăng cao. Nên nói chuyện với bác sĩ hoặc cố vấn di truyền về việc có con sau khi điều trị ung thư để hiểu rõ hơn về nguy cơ ung thư và di truyền.
- Nguy cơ tái phát ung thư
Các nghiên cứu cho thấy rằng mang thai dường như không làm cho ung thư trở lại. Những người sống sót sau điều trị ung thư vú nên đợi 2 năm trước khi quyết định mang thai. Bởi vì trong thai kỳ, một số hormone tăng lên có thể khiến các tế bào ung thư vú phát triển.
- Sử dụng thuốc
Những người mang thai sau khi điều trị ung thư nên dừng sử dụng một số loại thuốc. Tuy nhiên, việc dừng các loại thuốc như tamoxifen hoặc imatinib sẽ làm tăng nguy cơ ung thư quay trở lại.
- Khó có con sau điều trị ung thư
Một số phương pháp điều trị ung thư gây khó khăn hoặc không thể giúp cho người bệnh có con được. Vì vậy, những cặp vợ chồng muốn có con cần tham khảo sự tư vấn của các bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị ung thư. Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân đưa ra các lựa chọn để bảo tồn khả năng sinh sản.
Bác sĩ Lê Thị Nhã Hiền có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ. Hiện bác sĩ đang công tác tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.net