Mang thai bị viêm khớp có ảnh hưởng gì không?

Viêm khớp là bệnh lý khá phổ biến gây cảm giác đau nhức cho bệnh nhân. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, ngay cả với phụ nữ có thai. Vậy mang thai bị viêm khớp có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai phụ và em bé trong bụng hay không?

1. Phụ nữ mang thai bị viêm khớp có ảnh hưởng như thế nào?

Viêm khớp không ảnh hưởng đến khả năng mang thai, tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai bị viêm khớp có dùng các thuốc để điều trị thì cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ, nên tư vấn về vấn đề sử dụng thuốc từ trước khi quyết định mang thai. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi, trong khi một số thuốc khác còn có thể tồn tại trong cơ thể bệnh nhân một thời gian sau khi ngừng dùng thuốc.

Cần nói chuyện với bác sĩ về việc dùng thuốc trị viêm khớp khi mang thai. Luôn đề cập đến tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng mà thai phụ đang dùng. Một số loại thuốc điều trị viêm khớp được xem là an toàn để tiếp tục sử dụng, nhưng một số loại khác có thể gây hại cho em bé, khi đó cần thay đổi loại thuốc khác hoặc thay đổi liều lượng cho đến khi em bé được sinh ra.

Bệnh viêm khớp sẽ ảnh hưởng đến các khớp trên toàn cơ thể, do đó khi trọng lượng cơ thể tăng thêm trong thai kỳ có thể làm tăng cảm giác đau khớp khi mang thai vô cùng khó chịu. Điều này đặc biệt trầm trọng ở vùng khớp đầu gối và tình trạng tăng áp lực lên cột sống có thể gây co thắt cơ hoặc tê chân.

Bị viêm khớp khi mang thai còn có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay hoặc cứng hông, đầu gối, mắt cá chân và bàn chân, tuy nhiên các triệu chứng này thường biến mất sau khi trẻ được sinh ra.

Đối với những phụ nữ mắc bệnh tự miễn viêm khớp dạng thấp (RA) có thể tăng cảm giác mệt mỏi. Nhìn chung phụ nữ bị viêm khớp khi mang thai không gặp khó khăn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở so với những phụ nữ khác. Tuy nhiên, phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nhiều khả năng sinh mổ hơn.

Nếu bà bầu bị đau khớp khi mang thai và khó chịu ở mức độ nặng, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi chuyển dạ để có sự chuẩn bị. Nếu bà bầu bị đau lưng liên quan đến viêm khớp và không muốn nằm ngửa, bác sĩ có thể giúp bà bầu chọn một vị trí thay thế an toàn.


Nhìn chung phụ nữ mang thai bị viêm khớp không gặp khó khăn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở
Nhìn chung phụ nữ mang thai bị viêm khớp không gặp khó khăn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở

2. Viêm khớp dạng thấp khi mang thai

Nhiều phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp - một chứng rối loạn trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô của cơ thể - báo cáo rằng các triệu chứng bệnh đã được cải thiện khi mang thai. Tuy nhiên một số khác cho biết các triệu chứng viêm khớp dạng thấp sẽ bùng phát trở lại sau khi sinh con, thường là trong vòng 3 tháng đầu.

Trên thực tế có nhiều phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp nhận thấy sự cải thiện trong 3 tháng giữa của thai kỳ và kéo dài đến 6 tuần sau khi sinh, một số khác cũng cảm thấy ít mệt mỏi hơn. Do đó, nếu bệnh viêm khớp của bà bầu khá nhẹ trong tam cá nguyệt đầu tiên thì có khả năng sẽ tiếp tục như vậy đến hết thai kỳ.

Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu lý do tại sao những thay đổi này xảy ra. Bởi vì phụ nữ có nhiều khả năng bị viêm khớp dạng thấp hơn nam giới, một giả thuyết cho rằng các hormone sinh dục nữ, estrogen và progesterone đóng một vai trò nào đó trong hiện tượng này. Tuy nhiên, những phụ nữ dùng thuốc có chứa estrogen để tránh thai hoặc sử dụng liệu pháp thay thế hormone cho thời kỳ mãn kinh lại không có bất kỳ thay đổi nào về các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Một giả thiết khác được đặt ra đó là khi mang thai, hệ thống miễn dịch của người mẹ thay đổi để ngăn cản sự đào thải của thai nhi. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu xem liệu những thay đổi này có thể liên quan đến việc cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp hay không.

Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho thấy viêm khớp dạng thấp lại có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật. Tiền sản giật là tình trạng thai phụ bị cao huyết áp và dư thừa protein trong nước tiểu. Hiếm khi tình trạng này xảy ra sau khi sinh. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé.

Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc các biến chứng khác cao hơn khi so sánh với những phụ nữ không bị viêm khớp dạng thấp, trong đó có rủi ro sinh con có kích thước nhỏ hơn trung bình hoặc nhẹ cân.


Chườm nóng và chườm lạnh trên khớp giúp giảm đau khớp khi mang thai
Chườm nóng và chườm lạnh trên khớp giúp giảm đau khớp khi mang thai

3. Mẹo giảm đau khớp khi mang thai

Bà bầu có thể làm theo những lời khuyên hữu ích sau để giảm đau và cứng khớp:

  • Chườm nóng và chườm lạnh trên khớp;
  • Thường xuyên cho khớp nghỉ ngơi;
  • Đưa chân lên để giảm căng thẳng cho đầu gối và mắt cá chân;
  • Luôn tạo một giấc ngủ ngon;
  • Thử thở sâu hoặc áp dụng các kỹ thuật thư giãn khác;
  • Chú ý đến tư thế vì tư thế sai có thể gây căng thẳng cho khớp;
  • Tránh đi giày cao gót, nên chọn những đôi giày thoải mái, rộng rãi.

Đôi khi, bị viêm khớp khi mang thai có thể gây ra các triệu chứng như khô miệng và khó nuốt, khiến bà bầu khó ăn hơn. Một chế độ dinh dưỡng tốt rất quan trọng đối với những người bị viêm khớp và rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, vì vậy nên thảo luận với bác sĩ về bất kỳ vấn đề phát sinh nào trong việc ăn uống.

Ngoài ra, bạn cũng nên tiếp tục tập thể dục khi mang thai bao gồm: các bài tập đa dạng về chuyển động để tăng cường tính linh hoạt, duy trì sức mạnh cơ bắp. Đi bộ và bơi lội đặc biệt hữu ích cho những người bị viêm khớp.

Khoảng thời gian 9 tháng 10 của thai kỳ vừa mang đến nhiều khó khăn và cũng nhiều niềm hạnh phúc đối với người mẹ. Chính vì vậy, người mẹ cần được chăm sóc về cả sức khỏe lẫn tinh thần. Đặc biệt, bệnh viêm khớp trong quá trình mang thai cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Do đó, nếu bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống, các sản phụ cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe