Nội dung được viết bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hiện nay, hóa trị được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư như một phương thức điều trị chính. Ngoài các tác dụng phụ phổ biến như rụng tóc, nôn ói,..., thoát mạch thuốc hóa trị là một biến chứng nguy hiểm mà có thể ít người biết đến.
1. Thoát mạch do hóa trị là gì?
Thoát mạch do hóa trị là quá trình rò rỉ hóa chất đột ngột ra mô mô dưới da quanh vị trí tiêm tĩnh mạch hoặc vào trong động mạch.
Triệu chứng của thoát mạch có thể biểu hiện ngay lập tức hoặc từ vài ngày đến vài tuần sau tiêm truyền hóa trị. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp, thoát mạch thuốc hóa chất có thể gây ra hoại tử (lở loét) hoặc nặng hơn là cần phải phẫu thuật cắt lọc, tạo hình và ghép da.
Các thuốc hóa chất được chia làm 3 nhóm: Thuốc gây rộp da; thuốc gây kích thích và thuốc không gây rộp da. Mức độ tổn thương do thoát mạch phụ thuộc vào loại hóa chất, độ cô đặc, vị trí thoát mạch và khoảng thời gian thuốc ngấm vào mô xung quanh.
2. Ai sẽ là người dễ bị thoát mạch?
Thoát mạch do hóa trị sẽ dễ gặp hơn ở những người lớn tuổi, thành mạch yếu hoặc những người béo phì, bị phù hoặc có tổn thương ở da. Bên cạnh đó, những người bị những bệnh lý kèm theo như tổn thương mạch máu, đang sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc corticoid hoặc rối loạn ý thức (kích động, lú lẫn,...) cũng là những người dễ xảy ra thoát mạch. Đây là những trường hợp cần phải chuẩn bị cẩn thận và theo dõi sát trong những lần truyền thuốc hóa trị.
3. Những điều cần lưu ý khi đang truyền hóa chất
Để hạn chế thoát mạch do hóa trị xảy ra, các nhân viên y tế thực hiện tiêm truyền hóa chất thường là những người rất có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản về hóa trị. Các biện pháp phòng ngừa thoát mạch thường được thực hiện là chọn những mạch máu lớn, xa khớp hoặc gân cơ, chọn kim luồn nhựa, kiểm tra mạch bằng nước muối trước khi truyền hóa chất, truyền hóa chất với tốc độ chậm và theo dõi sát các dấu hiệu gợi ý thoát mạch nếu có.
Bạn có thể chủ động phối hợp với nhân viên y tế để giảm nguy cơ bị thoát mạch nếu biết được các biểu hiện sau đây mới xuất hiện các triệu chứng tại chỗ tiêm truyền như:
- Cảm giác tê, nóng.
- Đau hoặc nhức buốt.
- Sưng phồng.
- Đỏ da tại vùng tiêm truyền.
Hãy báo ngay cho nhân viên y tế để giúp bạn kiểm tra xử lý kịp thời trước khi thoát mạch quá nặng.
Thoát mạch có thể để lại hậu quả rất nặng nề, tuy nhiên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ đội ngũ y tế chuyên nghiệp, và sự phối hợp của người bệnh/ người chăm sóc, biến chứng này có thể phòng ngừa cũng như phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.