Sử dụng thuốc diệt giun sán là cách phổ biến trong phòng ngừa và điều trị các bệnh do giun sán gây ra. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số thông tin về loại thuốc này và làm sao để sử dụng thuốc đúng cách.
1. Phân loại thuốc diệt giun sán
Hiện nay, có các loại thuốc diệt giun sán sau:
Thuốc có diệt giun (tẩy giun): Một số loại thuốc có tác dụng loại bỏ các loại giun cư trú ở đường ruột như giun đũa, giun tóc, giun kim, giun móc..: Piperazine, pyrantel, mebendazole, albendazole, ivermectin...
Thuốc có tác dụng diệt giun cư trú ngoài đường ruột như giun chỉ gồm có thiabendazole, ivermectin, diethylcarbamazine,...
Thuốc diệt sán: Thuốc diệt các loại sán dây như sán dây bò, sán dây lợn gồm có niclosamide, paromomycin, praziquantel,...
Thuốc diệt các loại sán lá như sán lá gan, sán lá phổi gồm có praziquantel, cucurbitin, triclabendasole, oxamniquine. Hiện nay metrifonate không còn được sử dụng do có độc tính cao dễ dẫn đến tử vong.
Các loại thuốc khác nhau thường có cách tiêu diệt giun sán khác nhau, bao gồm:
Thuốc làm liệt giun: Loại thuốc này có độc tính cao với cơ chế gây liệt có giai đoạn hưng phấn giai đoạn đầu của giun. Hoạt động này có thể gây tắc ruột, giun chui ống mật, ống tụy nên hiện nay không còn được sử dụng
- Thuốc làm liệt giun một cách từ từ, không hồi phục và không có giai đoạn hưng phấn ban đầu như Piperazine citrate.
- Thuốc giúp liệt cứng cơ giun như pyrantel pamoate, levamisole. Trong đó, levamisole hiện nay không còn được sử dụng để diệt giun vì có độc tính cao mà chỉ được sử dụng làm thuốc kích thích miễn dịch.
Thuốc làm chết giun: Loại thuốc này gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến giun không thể tồn tại được như tetrachlorethylene với biệt dược là didaken. Tuy nhiên, hiện nay không được sử dụng do thuốc có độc tính cao, có thể gây độc cho gan, thận, hoặc dẫn đến giun chui ống mật.
Thuốc làm ly giải giun: Các thuốc thuộc nhóm này có chứa các enzyme nhằm thuỷ phân protein có trong giun như papain. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ là tổn thương đường tiêu hóa nên cần thật thận trọng trong chỉ định sử dụng.
Thuốc làm biến đổi môi trường sống của giun: Môi trường ruột là nơi lý tưởng cho giun sinh sống với điều kiện nhiệt độ luôn luôn hằng định là 37oC và là môi trường yếm khí. Có thể thực hiện thay đổi môi trường sống của giun bằng một số phương pháp như: Bơm oxy vào tá tràng với nồng độ 1 – 1,5 l / lần /24 h, liên tục trong 3 ngày hoặc thụt nước ấm ở mức 56 độ C vào tá tràng.
Tuy các biện pháp này có hiệu quả tẩy giun cao nhưng kỹ thuật thực hiện tương đối phức tạp với việc đặt sonde tá tràng, đồng thời phải tiến hành trong bệnh viện và gây ra nhiều khó chịu cho bệnh nhân nên hiện nay ít được sử dụng.
Thuốc làm biến đổi môi trường dinh dưỡng của giun và sán: Các thuốc này khi đi vào cơ thể giúp cho khả năng hấp thu glucose, dự trữ glycogen và tổng hợp ATP của giun sán giảm đi.
2. Cách sử dụng thuốc diệt giun sán
2.1. Nguyên tắc sử dụng
Việc sử dụng thuốc diệt giun sán đảm bảo hiệu quả tốt nhất bằng cách tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Lựa chọn loại thuốc có tác dụng rộng rãi trên nhiều loại giun khác nhau. Theo các thống kê cho thấy ở nước ta, tỷ lệ người dân nhiễm 2-3 loại giun sán khác nhau chiếm phần lớn.
- Cần tập trung thuốc với nồng độ cao để có được hiệu quả tối đa trong việc tiêu diệt các loại giun và sán. Do đó, chúng ta thường được tư vấn uống thuốc xổ giun vào lúc đói nhưng không được để bụng quá đói, vì có thể gây ngộ độc thuốc. Trong điều kiện cho phép thì có thể sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc tẩy để tẩy sạch chất nhầy phủ trên cơ thể giun sán để thuốc được hấp thu nhiều nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. Nên ưu tiên chọn thuốc có độc tính thấp nhưng có hiệu quả cao.
- Sau khi sử dụng thuốc tẩy giun sán cần tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh để chống tái nhiễm. Với điều kiện ô nhiễm của nước ta, việc tái nhiễm giun rất dễ xảy ra. Do đó điều trị giun, sán cần diễn ra định kỳ 6 - 12 tháng/lần để ngăn ngừa tình trạng tái nhiễm và các biến chứng có thể xảy ra. Đây được xem là một phương pháp bổ sung cho chương trình dinh dưỡng ở những vùng có lưu hành bệnh giun sán.
2.2. Cách sử dụng thuốc tẩy giun cho từng loại đối tượng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra hướng dẫn điều trị dự phòng bằng thuốc tẩy giun cho từng nhóm đối tượng khác nhau như sau:
Thuốc diệt giun sán cho trẻ em: Sử dụng thuốc tẩy giun albendazole hoặc mebendazole với một liều duy nhất trong 1–2 lần/ năm với liều lượng như sau:
- Trẻ trong độ tuổi từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: Dùng liều duy nhất 200mg albendazole 200mg hoặc 500mg mebendazole 500mg.
- Trẻ trên 24 tháng tuổi dùng liều duy nhất 400mg albendazole hoặc 500mg mebendazole.
Thuốc diệt giun sán cho người lớn: Người trong độ tuổi trưởng thành, trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên không mang thai và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nên dùng liều duy nhất 400mg albendazole 400mg hoặc mebendazole 500mg với tần suất 1–2 lần/ năm tùy theo vùng dịch tễ.
Thuốc diệt giun sán cho phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai đã qua 3 tháng đầu nếu sinh sống trong vùng có hai yếu tố sau đây được khuyến cáo sử dụng thuốc tẩy giun để giảm nguy cơ nhiễm giun:
- Tỷ lệ nhiễm giun móc và/ hoặc nhiễm giun tóc ở phụ nữ có thai trên 20%
- Phụ nữ mang thai bị thiếu máu nghiêm trọng với tỷ lệ trên 40%.
Đối tượng này cần sử dụng liều duy nhất 400mg albendazole hoặc 500mg mebendazole với liều duy nhất với chu kỳ 1–2 lần/ năm.
2.3. Một số lưu ý để uống thuốc diệt giun đúng cách
Trong quá trình sử dụng thuốc diệt giun sán, người bệnh cần lưu ý:
- Các thuốc tẩy giun hiện nay không cần uống vào thời điểm bụng đói hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng như trước đây. Do đó, bạn có thể uống thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày sau khi ăn xong và tốt nhất nên uống vào khoảng 2h sau bữa ăn tối.
- Đối với trẻ nhỏ có thể nghiền viên thuốc và pha vào nước cho trẻ uống. Ở người lớn có thể nhai viên thuốc trước khi uống với nước. Hoạt động ăn uống vẫn diễn ra bình thường sau khi uống thuốc.
- Sau khi đi vào cơ thể, thuốc bắt đầu được hấp thu và phát huy tác dụng ngay nhưng cần thời gian vài ngày để tiêu diệt hết giun.
- Albendazole và mebendazole là 2 loại thuốc không tiêu diệt được trứng giun nên bạn vẫn có khả năng tái nhiễm hoặc lây truyền sang cho người khác. Do đó, để đảm bảo hiệu quả tẩy giun thì nên dùng thêm một liều thuốc sau 2 tuần.
- Các loại thuốc xổ giun trước đây có thể đào thải xác giun hoặc giun nguyên con ra ngoài nên thường thấy giun lẫn trong phân. Với công nghệ hiện đại ngày nay thì các loại thuốc mới đều tác động làm cho giun tự tiêu trong phân nên sẽ không còn thấy tình trạng này sau khi uống thuốc tẩy giun nữa.
- Thuốc tẩy giun cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người sử dụng có thể gặp một số phản ứng như: Khó chịu ở dạ dày như tăng co thắt, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy.
Không phải tất cả các trường hợp khi sử dụng thuốc đều gặp phải những phản ứng này và tác dụng phụ trên mỗi người là khác nhau. Do đó, khi gặp bất kỳ phản ứng bất thường nào sau khi sử dụng thuốc thì người sử dụng cần báo ngay với bác sĩ để được điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.