Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc giúp bạn điều trị được bệnh táo bón, trong đó bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Để lựa chọn được loại thuốc điều trị táo bón hiệu quả nhất với mình, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng chúng. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống cũng là một bước quan trọng giúp bạn cải thiện được chứng táo bón.
1. Bệnh táo bón là gì?
Táo bón là tình trạng số tần suất đi đại tiện của bạn thấp hơn bình thường, hoặc khi đi tiêu có phân khô cứng và cảm thấy khó đi. Nhìn chung, tình trạng táo bón ở mỗi người là không giống nhau, và một người được xem là mắc bệnh táo bón khi đi đại tiện ít hơn 3 lần một tuần.
Đa số chúng ta đều thỉnh thoảng bị mắc bệnh táo bón, nhưng một số người lại có các triệu chứng táo bón kéo dài trong khoảng một thời gian dài, đôi khi tự biến mất hoặc tái phát lại bệnh. Điều này còn được gọi là tình trạng táo bón mãn tính.
Trong một số trường hợp nhất định, táo bón có thể xảy ra do một số bệnh lý mà bạn đã mắc phải trước đó, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS). Ngoài ra, tình trạng này cũng xuất phát từ những yếu tố như sử dụng thuốc giảm đau liều mạnh hoặc sử dụng opioid.
Để ngăn ngừa và điều trị đối với tình trạng táo bón nhẹ, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống thường ngày của mình và tăng cường tập luyện thể dục. Tuy nhiên, nếu những phương pháp trên không mang lại hiệu quả, bạn có thể sử dụng các loại thuốc kê đơn sẵn hoặc thuốc không kê đơn (OTC) để điều trị bệnh.
2.Những loại thuốc điều trị táo bón không kê đơn
Đối với những trường hợp bị táo bón nhẹ có thể được điều trị với những loại thuốc nhuận tràng không kê đơn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để có thể lựa chọn được loại thuốc phù hợp với bản thân. Dưới đây là một số loại thuốc OTC mà bạn có thể sử dụng cho tình trạng táo bón của mình, bao gồm:
2.1 Thuốc bổ sung chất xơ
Hay còn được gọi là thuốc nhuận tràng tạo khối. Những loại thuốc này có khả năng kéo chất lỏng vào ruột, giúp phân trở nên mềm và cồng kềnh hơn. Nó cũng giúp tạo nên các cơn co thắt cơ trong ruột, khiến các cơ bị ép chặt hoặc thắt lại, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để đẩy phân qua hệ thống tiêu hóa của cơ thể.
Thông thường, việc sử dụng thuốc nhuận tràng dạng bổ sung chất xơ có thể mất tới vài ngày để phát huy được tác dụng, tuy nhiên chúng được xem là an toàn khi uống trong một thời gian dài. Một số loại thuốc bổ sung chất xơ mà bạn có thể lựa chọn để điều trị cho tình trạng táo bón của mình, bao gồm:
- Canxi polycarbophil (FiberCon)
- Psyllium (Metamucil, Konsyl)
- Sợi Methylcellulose (Citrucel)
- Lúa mì Dextrin (Benefiber)
Thuốc bổ sung chất xơ thường được điều chế ở dạng bột hoặc hạt có thể trộn lẫn với nước hay các chất lỏng khác để uống. Ngoài ra, chúng cũng có thể ở một số dạng khác, chẳng hạn như chất lỏng, thuốc viên hoặc thuốc gói.
Tốt nhất, bất kỳ loại thuốc nhuận tràng dạng khối nào cũng nên được uống kèm với nhiều nước hoặc các chất lỏng khác. Điều này sẽ giúp hạn chế được tình trạng phân bị tắc nghẽn trong ruột. Tuy nhiên, đôi khi việc sử dụng thuốc bổ sung chất xơ có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng và đầy hơi.
2.2 Thuốc bôi trơn
Loại thuốc nhuận tràng này giúp phủ một lớp bôi trơn lên phân để chúng dễ dàng di chuyển qua đường ruột của cơ thể. Thông thường, thuốc nhuận tràng dạng bôi trơn sẽ bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng từ 6 – 8 giờ kể từ khi sử dụng. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng chúng lâu dài vì nó có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc và khiến cơ thể bị thiếu hụt một số loại vitamin quan trọng, bao gồm vitamin A, D, E và K.
Chất nhuận tràng bôi trơn phổ biến nhất là dầu khoáng, thường xuất hiện dưới dạng thuốc xổ và có thương hiệu là Fleet Mineral Oil Enema. Ngoài ra, nó cũng được sản xuất dưới dạng chất lỏng để uống, thường được gọi chung là dung dịch nhuận tràng bôi trơn dầu khoáng.
Trong một số trường hợp nhất định, việc sử dụng thuốc nhuận tràng dạng bôi trơn có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn như chuột rút và đau dạ dày. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến cho cơ thể bạn gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin và những loại thuốc khác. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và tìm biện pháp khắc phục phù hợp.
2.3 Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Loại thuốc nhuận tràng này giúp giữ nước trong ruột, từ đó làm phân mềm hơn và khiến bạn đi đại tiện thường xuyên hơn. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu hay còn được gọi là thuốc muối nhuận tràng. Chúng thường bao gồm magie citrate, magie hydroxit, natri phốt phát, polyethylene glycol và glycerin.
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu có thể ở dạng thuốc xổ, thuốc đạn hoặc thuốc dùng qua đường miệng. Những loại thuốc này có khả năng phát huy tác dụng một cách nhanh chóng. Đối với thuốc nhuận tràng dạng uống sẽ có tác dụng trong vòng 30 phút, trong khi đó thuốc xổ và thuốc đạn thường hoạt động nhanh hơn.
Theo thông tin cảnh báo từ FDA cho biết, trong một số trường hợp hiếm gặp, việc sử dụng quá nhiều các sản phẩm natri phốt phát có thể gây tổn thương đến tim và thận nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Đặc biệt, trẻ em, người cao tuổi và người có vấn đề về tim hoặc thận nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu này.
Mặc dù thuốc nhuận tràng thẩm thấu được xem là an toàn để sử dụng lâu dài, tuy nhiên trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cần đảm bảo bổ sung thêm nhiều nước hoặc chất lỏng để ngăn ngừa tình trạng mất nước có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng thuốc cũng cho biết, nếu sử dụng loại thuốc này quá thường xuyên có thể thấy chúng không còn đem lại hiệu quả như trước nữa.
Một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường bao gồm tiêu chảy, đau bụng và đôi khi bị mất nước.
2.4 Thuốc nhuận tràng kích thích
Trong tình trạng bị táo bón nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng loại thuốc nhuận tràng này để kích thích các cơ trong ruột co lại, từ đó giúp phân dễ di chuyển qua ruột hơn. Thông thường, thuốc nhuận tràng kích thích có thể hoạt động hiệu quả trong vòng 6 – 10 giờ. Ngoài ra, nó thường được điều chế dưới các dạng như viên nang, chất lỏng, thuốc đạn và thuốc xổ.
Một số loại thuốc nhuận tràng kích thích phổ biến nhất, bao gồm:
- Senna / sennoside (Senokot)
- Bisacodyl (Dulcolax)
Trong một số trường hợp, bệnh nhân mắc táo bón khi sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích có thể gặp phải tình trạng co thắt dạ dày. Đây là loại thuốc nhuận tràng có nguy cơ cao gây ra các tác dụng phụ hơn những loại thuốc điều trị táo bón không kê đơn khác. Tốt nhất, bạn không nên sử dụng chúng như một phương pháp điều trị lâu dài vì nó có thể khiến cho cơ thể bạn trở nên dung nạp với thuốc và làm cho tình trạng táo bón thêm tồi tệ hơn khi bạn ngừng dùng thuốc.
2.5 Thuốc làm mềm phân
Có tác dụng bổ sung chất béo và nước vào phân, giúp đi đại tiện dễ dàng hơn. Những loại thuốc này thường được khuyên dùng trước khi đi tiêu để ngăn ngừa tình trạng căng tức, nhất là trong trường hợp bạn vừa mới sinh con hoặc phẫu thuật.
Thuốc làm mềm phân sẽ cần từ 1 – 3 ngày để phát huy được tác dụng của chúng. Một trong những chất làm mềm phân được sử dụng phổ biến nhất là Docusate (Colace, DulcoEase, Surfak). Nhìn chung, thuốc làm mềm phần thường được sản xuất dưới những dạng như viên con nhộng, chất lỏng, thuốc xổ và thuốc đạn. Loại thuốc trị táo bón này ít gây ra tác dụng phụ và an toàn khi sử dụng lâu dài.
2.6 Thuốc kết hợp
Đôi khi, bạn có thể sử dụng kết hợp hai loại thuốc nhuận tràng OTC khác nhau để điều trị cho bệnh táo bón của mình. Hầu hết những loại thuốc kết hợp đều bao gồm thuốc nhuận tràng kích thích và chất làm mềm phân, chẳng hạn như Senokot-S và Peri-Colace.
3.Thuốc theo toa cho bệnh táo bón
Nếu bạn đã sử dụng những loại thuốc nhuận tràng không kê đơn nhưng không giải quyết được tình trạng táo bón của mình, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để chuyển sang một loại thuốc theo toa khác. Những loại thuốc này thường an toàn khi bạn sử dụng chúng trong một thời gian dài.
Hầu hết, các loại thuốc điều trị bệnh táo bón kê đơn thường được khuyến cáo sử dụng đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích với táo bón (IBS-C) hoặc bị táo bón mãn tính. Đôi khi những người mắc táo bón do opioid cũng có thể sử dụng một số loại thuốc kê đơn.
Nhìn chung, thuốc chữa táo bón theo toa không mang lại hiệu quả tức thì, nghĩa là nó không có khả năng kích thích bạn đi tiêu trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi uống như những loại thuốc nhuận trạng OTC. Thay vào đó, nếu bạn sử dụng các loại thuốc điều trị táo bón theo toa mỗi ngày sẽ giúp làm tăng số lần đi đại tiện hàng tuần của bạn.
Dưới đây là một số loại thuốc điều trị táo bón theo toa phổ biến nhất, bao gồm:
- Plecanatide: Giúp điều chỉnh lượng chất lỏng trong ruột.
- Linaclotide: Giúp tăng tốc độ di chuyển của phân qua ruột.
- Lubiprostone: Giúp tăng tiết chất lỏng và đào thải phân qua ruột.
- Naloxegol: Nhằm điều trị táo bón do opioid
- Methylnaltrexone: Điều trị táo bón do opioid gây ra.
- Naldemedine: Giúp điều trị táo bón do opioid gây ra.
4.Các phương pháp điều trị táo bón khác
Bên cạnh việc sử dụng thuốc nhuận tràng OTC và thuốc kê đơn, cùng với những thay đổi lối sống của mình, bạn cũng có thể lựa chọn một số phương pháp điều trị táo bón khác, bao gồm:
- Phản hồi sinh học: Phương pháp trị liệu này sẽ giúp bạn thư giãn các cơ sàn chậu để kiểm soát nhu động ruột.
- Phẫu thuật: Đây là một biện pháp hiếm khi được sử dụng để điều trị táo bón. Nếu chứng táo bón của bạn ở dạng mãn tính do tắc nghẽn trực tràng hoặc rách hay hẹp hậu môn nghiêm trọng, thì bác sĩ có thể đề xuất phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ một phần ruột kết. Hiếm khi toàn bộ đại tràng bị cắt bỏ.
5. Khi nào cần liên hệ đến bác sĩ?
Mặc dù các loại thuốc nhuận tràng không kê đơn có thể giúp bạn điều trị được tình trạng táo bón một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ là một điều cần thiết. Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa nếu gặp phải những tình huống sau:
- Đã hơn 3 ngày không đi đại tiện
- Đã sử dụng thuốc nhuận tràng hơn một tuần nhưng vẫn không hết táo bón
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Đang mang thai hoặc cho con bú
- Bị đau bụng dữ dội, chuột rút, phân lẫn máu, chóng mặt, suy nhược hoặc mệt mỏi.
Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ cần sử dụng đến thuốc nhuận tràng, bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, mayoclinic.org, webmd.com