Lưu ý khi dùng thuốc Desmopressin

Thuốc Desmopressin có chứa thành phần chính là Desmopressin và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc hormon, nội tiết tố. Loại thuốc này có công dụng chống lợi tiểu kéo dài.

1. Thuốc Desmopressin là thuốc gì?

Thuốc Desmopressin là thuốc gì? Thuốc Desmopressin có chứa thành phần chính là Desmopressin và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Thuốc Desmopressin được bào chế dưới dạng thuốc nhỏ mũi, lọ phun mù hoặc dạng ống tiêm

Thuốc Desmopressin là loại thuốc tổng hợp tương tự như Vasopressin có công dụng chống lợi tiểu kéo dài. Công dụng của loại thuốc này là làm tăng tái hấp thu nước ở thận nguyên nhân do tăng tính thấm tế bào của ống góp gây ra tăng độ thẩm thấu nước tiểu đồng thời tác dụng làm giảm bài niệu.

Bên cạnh đó, thuốc Desmopressin còn có công dụng chống xuất huyết. Thuốc gây tăng hoạt tính của yếu tố đông máu VIII hay yếu tố chống ưa chảy máu và yếu tố Willebrand trong huyết tương và có thể còn có một tác dụng trực tiếp đối với thành mạch. Thuốc Desmopressin có tác dụng tăng huyết áp ít hơn nhiều so với Vasopressin và ít tác dụng đối với cơ trơn phủ tạng.

2. Thuốc Desmopressin điều trị bệnh gì?

Thuốc Desmopressin có công dụng trong điều trị các bệnh lý cụ thể như sau:

  • Điều trị dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo nhạt nguyên nhân do thiếu hụt Vasopressin hoặc do gặp phải các chấn thương hay phẫu thuật vùng tuyến yên.
  • Điều trị chứng đái dầm về đêm thể tiên phát.
  • Điều trị bệnh Hemophilia A và bệnh von Willebrand typ I.
  • Điều trị đau đầu nguyên nhân do chọc dò dịch tủy.
  • Kiểm tra phản ứng tiêu sợi huyết.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Desmopressin

3.1. Cách dùng và liều dùng đối với dạng thuốc dùng qua đường mũi:

3.1.2. Điều trị đái tháo nhạt do trung ương:

  • Liều dùng đối với người lớn:
    • Liều điều trị khởi đầu 10 microgam, thời điểm sử dụng thuốc là buổi tối trước khi đi ngủ.
    • Bác sĩ điều trị có thể chỉ định tăng thêm các liều điều trị tương ứng là 2,5 microgam vào ban đêm cho tới khi ngủ yên giấc.
    • Nếu số lượng nước tiểu vẫn nhiều, có thể cho thêm một liều điều trị là 10 microgam vào buổi sáng và bổ sung thêm liều để đạt được tác dụng mong muốn.
    • Để duy trì, cho dùng 10-40 microgam/ngày, liều điều trị duy nhất hay chia thành 2 hoặc 3 liều trong một ngày.
    • Thông thường khoảng 1/4 đến 1/3 số người bệnh sử dụng duy nhất một liều duy trì là thích hợp nhưng cũng có một số trường hợp thì cần phải dùng 3 liều trong một ngày.
  • Liều dùng đối với trẻ em: Hiện nay thì vẫn chưa xác định được liều dùng đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Liều dùng với trẻ từ 3 tháng đến 12 tuổi:
    • Liều điều trị khởi đầu 5 microgam vào thời điểm buổi tối trước khi đi ngủ, có thể tăng thêm các liều điều trị 2,5 microgam vào ban đêm cho tới khi ngủ yên giấc.
    • Nếu số lượng nước tiểu vẫn nhiều, bác sĩ điều trị có thể chỉ định thêm một liều buổi sáng 5 microgam và điều chỉnh để có đáp ứng mong muốn.
    • Liều điều trị duy trì, cho dùng 2-4 microgam/kg/ ngày hoặc 5-30 microgam/ngày với liều duy nhất hay chia thành 2 liều trong một ngày.
    • Bác sĩ điều trị sẽ chỉ định liều thấp nhất có hiệu quả cho từng trường hợp cụ thể.

3.1.2. Liều dùng điều trị đái dầm ban đêm

  • Liều dùng đối với người lớn và trẻ em trên 6 tuổi:
    • Liều điều trị khởi đầu bơm vào mỗi mũi 10 microgam vào buổi tối trước khi đi ngủ với tổng liều trong một ngày là 20 microgam.
    • Liều điều trị duy trì tùy theo đáp ứng của từng người cụ thể, có thể thay đổi từ 10-40 microgam trong một ngày.
  • Liều dùng đối với trẻ em dưới 6 tuổi: Chưa xác định được liều dùng.

3.2. Thuốc tiêm

3.2.1. Chống lợi niệu:

  • Người lớn, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch hoặc dưới da với lượng 2-4 microgam/ngày, thường chia làm 2 liều tiêm vào buổi sáng và buổi tối.
  • Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả ở bệnh nhi dưới 12 tuổi.

3.2.2. Chống xuất huyết:

  • Người lớn và trẻ em 3 tháng tuổi trở lên có cân nặng trên 10 kg, truyền tĩnh mạch 0,3 microgam/kg thể trọng pha loãng trong 50 ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, truyền chậm 15-30 phút, liều có thể nhắc lại.
  • Trẻ em 3 tháng tuổi trở lên, cân nặng nhỏ hơn hoặc bằng 10 kg: truyền tĩnh mạch 0,3 microgam/kg pha loãng trong 10 ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9% và truyền chậm trong thời gian từ 15 đến 30 phút; liều có thể nhắc lại tùy theo kết quả xét nghiệm và tình trạng của người bệnh.
  • Không sử dụng loại thuốc này với trẻ em dưới 3 tháng tuổi.

3.2.3. Kiểm tra chức năng thận:

  • Người lớn và trẻ em: Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp với liều dùng 2 microgam, nên làm trống bàng quang tại thời điểm sử dụng loại thuốc này.
  • Trẻ sơ sinh, liều 0,4 microgam.

3.2.4. Đau đầu sau chọc dò dịch tủy:

  • Người lớn: Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da với liều 4 microgam, có thể lặp lại 24 giờ sau trong trường hợp cần.
  • Ngoài ra, bác sĩ điều trị có thể chỉ định tiêm một liều dự phòng 4 microgam ngay trước khi chọc dò dịch tủy và lặp lại 24 giờ sau đó.

3.2.5. Thử nghiệm đáp ứng tiêu sợi huyết:

  • Người lớn và trẻ em: 0,4 microgam/kg thể trọng cơ thể dùng truyền tĩnh mạch.
  • Liều nên được pha loãng trong 50ml natri clorid 0,9% để tiêm và tiêm trong 20 phút.

3.3. Viên nén

3.3.2. Đái tháo nhạt do trung ương:

  • Người lớn và trẻ em thì liều điều trị khởi đầu uống 0,1 mg, 3 lần/ngày.
  • Tổng liều bình thường 0,2-1,2 mg/ngày.
  • Liều duy trì là 0,1-0,2 mg và dùng 3 lần/ngày.

3.3.3. Đái dầm ban đêm:

  • Người lớn và trẻ em trên 5 tuổi, uống 0,2 mg vào buổi tối trước khi đi ngủ, chỉ khi cần mới tăng liều tới 0,4 mg.
  • Bác sĩ điều trị sẽ đánh giá lại nhu cầu tiếp tục điều trị sau ba tháng bằng cách không dùng desmopressin trong một thời gian ít nhất một tuần.

3.5. Trường hợp quá liều thuốc Desmopressin và cách xử trí

  • Trường hợp quá liều thuốc Desmopressin: Khi bạn sử dụng quá liều thuốc Desmopressin có thể dẫn đến giảm natri trong máu và co giật, lú lẫn, buồn ngủ, đau nhức đầu liên tục, các vấn đề liên quan đến tiểu tiện và tăng cân nhanh do giữ nước. Nếu natri trong máu giảm, ngừng sử dụng thuốc Desmopressin ngay và hạn chế nước cho tới khi natri huyết thanh trở về bình thường. Nếu tình trạng cơ thể bị giữ nước nặng, bác sĩ điều trị có thể chỉ định sử dụng thuốc lợi tiểu Furosemid.
  • Trường hợp quên liều thuốc Desmopressin: Bạn cần cố gắng uống thuốc Desmopressin càng sớm càng tốt, nhưng bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo. Không nên sử dụng hai liều điều trị của thuốc cùng một lúc.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Desmopressin

Đối với mỗi dạng bào chế của thuốc Desmopressin thì bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn khác nhau khi sử dụng.

  • Với dạng hấp thu qua niêm mạc mũi: Tác dụng không mong muốn xảy ra thường nhẹ và thoáng qua. Các tác dụng phụ có thể gặp như viêm kết mạc, mắt phù nề, rối loạn chảy nước mắt, đau nhức đầu, chóng mặt, suy nhược cơ thể kèm theo ớn lạnh,... Khi sử dụng thuốc với liều cao có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp, co giật, hôn mê do hạ natri trong máu. Các tác dụng này thường mất đi khi giảm liều điều trị và số lần dùng, hiếm trường hợp nào phải ngừng sử dụng thuốc.
  • Dạng uống: Nói chung thì thuốc Desmopressin được dung nạp tốt khi sử dụng theo đường uống, nhưng thuốc bị bất hoạt nhanh bởi trypsin. Thuốc cũng bị bất hoạt ở các mô khác nhau bởi các peptidase.
  • Dạng tiêm: Các tác dụng không mong muốn thường nhẹ và thoáng qua. Tuy nhiên, người sử dụng có thể gặp tác dụng phụ là xuất hiện huyết khối cụ thể là huyết khối mạch máu não cấp tính, nhồi máu cơ tim cấp tính, đau nhức đầu thoáng qua, buồn nôn, đau bụng nhẹ, đau âm hộ, ban đỏ tại chỗ, sưng, đau, đỏ bừng mặt, tăng nhẹ huyết áp. Các dấu hiệu triệu chứng này thường biến mất cùng với việc giảm liều điều trị. Với liều điều trị lớn, thuốc Desmopressin có thể gây ra tình trạng nhịp tim nhanh, hạ huyết áp. Nhiễm độc nước và hạ natri trong máu có thể gặp đối với những người sử dụng vasopressin không phải với mục đích chống bài niệu. Phản ứng dị ứng nặng, phản ứng phản vệ hiếm khi xảy ra với người sử dụng thuốc Desmopressin với dạng bào chế là dạng tiêm và dạng hấp thu qua niêm mạc mũi.

5. Chống chỉ định của thuốc Desmopressin

Một số những đối tượng sau không nên sử dụng thuốc Desmopressin, cụ thể bao gồm:

  • Những người quá mẫn hoặc cơ địa nhạy cảm với hoạt chất chính Desmopressin acetate hay bất kỳ thành phần nào trong chế phẩm.
  • Không nên sử dụng đối với những người bệnh có độ tuổi trên 65 tuổi và những người bị tăng huyết áp hay mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
  • Không sử dụng thuốc Desmopressin đối với những người bị bệnh suy tim và những trường hợp khác cần điều trị bằng các thuốc lợi niệu.
  • Vì có nguy cơ gây ra kết dính và giảm số lượng tiểu cầu, không nên sử dụng thuốc Desmopressin đối với những người người mắc bệnh von Willebrand.
  • Không sử dụng thuốc Desmopressin cho những người có nồng độ yếu tố VIII ≤ 5% hoặc cho những người bệnh có kháng thể kháng yếu tố VIII.
  • Người bị bệnh suy thận mức độ trung bình và nặng với độ thanh thải creatinin dưới 50 ml/phút, người bị bệnh hạ natri trong máu hoặc có tiền sử hạ natri trong máu.
  • Người thường xuyên cảm giác khát nhiều do tâm lý hoặc khát nhiều đối với những người nghiện rượu.

6. Tương tác của thuốc Desmopressin

  • Bạn cần thận trọng khi sử dụng thuốc Desmopressin khi đang điều trị bằng thuốc có chứa lithium, epinephrine liều cao, demeclocycline, heparin hay rượu. Nguyên nhân là do trong thành phần của những chất này có thể làm giảm tác dụng chống lợi niệu của thuốc Desmopressin.
  • Sử dụng đồng thời thuốc Desmopressin với thuốc có chứa thành phần clorpropamid, urê hay fludrocortison có thể làm tăng đáp ứng chống lợi niệu.
  • Các chất có tác dụng giải phóng hormon chống lợi niệu như thuốc clorpromazin, carbamazepin và thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây ra tác dụng hiệp đồng chống lợi niệu và tăng nguy cơ giữ nước trong cơ thể người dùng.
  • Thuốc Indomethacin có thể gây tăng mức độ đáp ứng với thuốc Desmopressin nhưng không duy trì kéo dài.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Desmopressin

7.1 Lưu ý chung khi sử dụng thuốc Desmopressin

  • Sử dụng thận trọng đối với những người có nguy cơ nhiễm độc nước và hạ natri trong máu.
  • Nên sử dụng thận trọng đối với những người đang sử dụng một số loại thuốc bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng, các thuốc ức chế thu hồi chọn lọc serotonin.
  • Sử dụng thuốc thận trọng đối với những người có nguy cơ mất cân bằng nước và điện giải bao gồm xơ nang, suy tim, rối loạn chức năng thận.
  • Sử dụng thận trọng đối với những người suy động mạch vành, tăng huyết áp, mắc các chứng huyết khối.
  • Đối với những người mắc bệnh đái tháo nhạt, đái nhiều, khát nhiều mà phải đi kèm phẫu thuật hoặc chấn thương vùng đầu nên kiểm soát thể tích nước tiểu và áp lực thẩm thấu trong quá trình điều trị với thuốc Desmopressin.

7.2. Sử dụng thuốc Desmopressin với những đối tượng đặc biệt

  • Sử dụng thuốc Desmopressin với phụ nữ đang trong thời gian mang thai: Mặc dù thuốc Desmopressin không có tác dụng co bóp tử cung ở liều chống lợi niệu song vẫn phải cân nhắc giữa khả năng điều trị với những nguy cơ có thể xảy ra đối với mẹ và thai nhi.
  • Sử dụng thuốc Desmopressin với phụ nữ cho con bú: Hiện nay, chưa có những nghiên cứu được kiểm định đối với phụ nữ đang cho con bú. Người ta chưa biết liệu rằng thuốc Desmopressin có bài tiết ra sữa hay không, song vẫn nên dùng thận trọng Desmopressin khi đang cho con bú.
  • Sử dụng thuốc Desmopressin với người đang lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Desmopressin có thể gây ra buồn ngủ và chóng mặt và có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành các loại máy móc.

8. Cách bảo quản thuốc Desmopressin

  • Dung dịch thuốc Desmopressin dạng nhỏ mũi hoặc phun mù có sẵn trên thị trường được bảo quản ở 2 - 8 oC, tránh làm đông lạnh và tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
  • Hạn sử dụng của thuốc Desmopressin là 1 năm kể từ ngày sản xuất. Mặc dù dạng này luôn cần được để lạnh, song thuốc cũng bền vững ở nhiệt độ phòng (22 oC) trong thời gian là 3 tuần, trong lọ kín và tiệt trùng.
  • Thuốc Desmopressin acetat dạng tiêm được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 oC, tránh để đông lạnh.
  • Thuốc Desmopressin acetat viên được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong khoảng 15 - 30 oC, tránh tiếp xúc với nhiệt độ hay ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

Tóm lại, thuốc Desmopressin có chứa thành phần chính là Desmopressin và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc hormon, nội tiết tố. Loại thuốc này có công dụng chống lợi tiểu kéo dài. Bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi được bác sĩ điều trị kê đơn để sử dụng thuốc đúng cách và hạn chế các tác dụng phụ ảnh hưởng đến cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe