Phụ nữ mang thai bị tiểu đường cần duy trì lượng đường trong máu ổn định. Một trong những cách đó là lựa chọn thực phẩm dành cho bà bầu bị tiểu đường và duy trì chế độ ăn uống khoa học.
1. Mẹ bị tiểu đường ảnh hưởng gì đến thai nhi?
Trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thường gặp một tình trạng gọi là “thai to” (macrosomia). Trẻ bị thừa cân do nhận được quá nhiều đường qua nhau thai. Lượng đường qua nhau thai được cơ thể hấp thụ bằng cách chỉ định tuyến tụy tiết ra nhiều insulin, từ đó chuyển thành chất béo dự trữ trong cơ thể bé.
Em bé được sinh ra từ bà mẹ bị tiểu đường luôn được quan tâm đặc biệt trong vài giờ sau sinh. Nếu mẹ thường xuyên có lượng đường trong máu cao trong khi đang mang thai (đặc biệt là trong 24 giờ trước sinh), em bé có thể bị hạ đường huyết một cách nguy hiểm sau sinh. Insulin được liên tục sản xuất khi cắt đứt con đường cung cấp chất bột đường từ cơ thể mẹ. Đó là nguyên nhân khiến trẻ bị hạ đường huyết và cần bổ sung glucose để cân bằng lại.
Lượng canxi và magie trong máu cũng bị giảm và có thể kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc. Thường bé có kích thước lớn nên cần mổ lấy thai. Do đó, bác sĩ cần theo dõi kích thước của bé trước khi lên kế hoạch để sinh em bé an toàn nhất.
2. Thực phẩm tốt cho người tiểu đường thai kỳ
Phụ nữ mang thai bị tiểu đường cũng cần áp dụng chế độ ăn tương tự với những bà bầu khác. Đó là chế độ ăn cân bằng rau, ngũ cốc, trái cây, sữa ít béo, thịt nạc và chất béo lành mạnh. Việc tuân thủ sẽ giúp bà mẹ và em bé được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Thêm vào đó, các bà mẹ cũng cần có kế hoạch để kiểm soát đường huyết hàng ngày. Để kiểm soát tốt đường huyết, bà mẹ cần chia nhỏ bữa ăn thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ; và trong bữa ăn luôn có ít nhất một món giàu protein và một món giàu carbohydrate. Dưới đây là một số gợi ý về các thực phẩm ngừa tiểu đường nên áp dụng:
Thực phẩm giàu protein cung cấp cho bà bầu bị tiểu đường gồm có:
- Trứng
- Thịt nạc hoặc cá
- Phô mai
- Đậu
- Đậu hũ
- Các loại hạt hoặc bơ hạt
Thực phẩm giàu carbs cung cấp cho bà bầu bị tiểu đường gồm có:
- Tinh bột: Bánh mì, ngũ cốc nấu chín hoặc khô, gạo, mì ống, bỏng ngô, hoặc bánh quy. Chú ý nên chọn ngũ cốc nguyên hạt hơn các loại đã qua chế biến.
- Trái cây
- Sản phẩm bơ sữa: Sữa và sữa chua
Bạn cần kiểm soát lượng carb bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu. Lượng carb bao nhiêu phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng, mức độ hoạt động và mức độ kiểm soát đường huyết hiện tại của bạn. Bạn nên gặp các chuyên gia dinh dưỡng để nhận tư vấn thêm về lượng carb. Phụ nữ mang thai bị tiểu đường cần cung cấp bao nhiêu calo? Lượng calo dao động từ 1700 đến 2700 một ngày và có thể nhiều hơn trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, cũng giống như bất kỳ các bà bầu khác, bạn cần chắc chắn bổ sung các chất dinh dưỡng sau để có một thai kỳ khỏe mạnh:
- Axit folic: Axit folic là chất dinh dưỡng quan trọng, giúp hạn chế nguy cơ mắc các dị tật về cột sống và não ở thai nhi. Phụ nữ mang thai cần 400 - 800 microgam axit folic mỗi ngày. Nó có thể được cung cấp bằng cách sử dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm như rau bina, các loại hạt và đậu, bánh mì và ngũ cốc. Bạn cũng nên hỏi về các loại vitamin khác.
- Canxi: Sữa, sản phẩm từ sữa và súp lơ xanh
- Vitamin D: Có trong các loại thực phẩm như cá hồi và sữa giàu chất dinh dưỡng
- Sắt: Từ các nguồn như thịt nạc đỏ hoặc đậu
Bạn cũng có thể áp dụng quy tắc đơn giản sau để kiểm soát đường huyết: Chia đĩa thức ăn thành 3 phần, lấp đầy lần lượt 1⁄4 đĩa bằng thịt hoặc thực phẩm giàu protein khác; 1⁄4 đĩa ngũ cốc hoặc rau có tinh bột (khoai tây, đậu Hà Lan, ngô); phần còn lại là các loại rau không chứa tinh bột như rau xanh, cà chua hoặc bí. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm các loại thức uống dinh dưỡng đi kèm như sữa, trái cây hoặc sữa chua.
3. Thực phẩm không tốt cho người tiểu đường thai kỳ
- Không uống rượu: Uống rượu làm tăng nguy cơ sảy thai và hội chứng rượu bào thai.
- Tránh các loại thực phẩm có thể không an toàn khi mang thai:
- Hải sản sống như sushi, hàu, hoặc cá;
- Thực phẩm có hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm;
- Các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng;
- Nước ép và pho mát mềm như Brie và feta, trừ khi chúng được dán nhãn là tiệt trùng
- Chỉ ăn thịt, trứng và thịt gia cầm đã được nấu chín hoàn toàn
- Hâm nóng xúc xích và thịt nguội trước khi ăn hoặc không ăn nó.
- Không uống nhiều hơn 200 miligam caffeine mỗi ngày - khoảng 1.5 cốc cà phê 227 gram. Mặc dù nhiều loại trà thảo dược không chứa caffeine, nhưng các nhà khoa học vẫn không thể hoàn toàn chắc chắn nó có ảnh hưởng đến thai nhi hay không. Vì vậy, bạn nên hỏi bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại trà thảo dược nào.
- Không có bằng chứng nào cho thấy chất ngọt nhân tạo không an toàn khi mang thai. Tuy nhiên bạn cũng nên hạn chế uống các loại thức uống dành cho người ăn kiêng (diet soda) hoặc duy trì chế độ ăn không đường. Bạn nên kiểm tra nhãn sản phẩm, nếu thành phần có aspartame và saccharin thì đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm về lượng ăn vừa phải.
- Tránh ăn quá nhiều đồ ngọt và món tráng miệng vì chúng chứa nhiều carbs mà không có chất dinh dưỡng và làm tăng lượng đường trong máu.
4. Kiểm soát đường huyết ở bà bầu bị tiểu đường
Lượng đường trong máu cao vào đầu thai kỳ (trước 13 tuần) có thể gây dị tật bẩm sinh. Chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Nhiều phụ nữ không biết bản thân đang mang thai cho đến khi thai nhi đã được 2 - 4 tuần. Đó là lý do tại sao bạn nên kiểm soát tốt lượng đường trong máu khi có ý định mang thai.
Bà bầu bị tiểu đường nên kiểm soát đường huyết ở mức:
- 70 - 100 mg / dL trước bữa ăn
- Ít hơn 120 mg / dL 2 giờ sau khi ăn
- 100 - 140 mg / dL trước bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ
Để sinh con an toàn, các bà bầu bị tiểu đường nên kết hợp chế độ ăn chứa thực phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường, tập thể dục và thuốc trị tiểu đường đúng đắn và khoa học.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com