Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Phụ nữ mang thai có nhu cầu về dinh dưỡng và năng lượng cao hơn so với người bình thường. Vitamin và khoáng chất là các thành phần thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai. Do đó, hiểu biết đúng mức về các loại vitamin và khoáng chất khi mang thai sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh
1. Nhu cầu vitamin và các khoáng chất trong thai kỳ
Khi còn trong bào thai, dinh dưỡng của bé phụ thuộc hoàn toàn vào dinh dưỡng của người mẹ. Mẹ có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh, toàn diện và mẹ cũng có sức đề kháng tốt hơn, đủ sức cho quá trình sinh nở và mau chóng phục hồi sau sinh. Nhu cầu của nhiều vitamin và khoáng chất tăng lên khi phụ nữ mang thai. Dưới đây là một số vitamin và khoáng chất thiết yếu trong thai kỳ:
Canxi cần thiết cho việc hình thành xương và răng ở thai nhi. Nhu cầu canxi ở phụ nữ mang thai khoảng 800- 1000mg mỗi ngày. Canxi có nhiều trong tôm, cua, sữa, cá, đậu, phomai. Ngoài việc bổ sung canxi qua chế độ ăn, thai phụ có thể sử dụng thêm sữa hoặc các viên uống canxi.
Acid folic: hay còn được biết đến là vitamin B9. Acid folic có nhiều trong gan, rau cải có màu xanh đậm, mầm lúa mì, men, lòng đỏ trứng, nước cam. Vai trò của Acid folic rất cần thiết cho phụ nữ mang thai. Thiếu axit folic ở thai phụ có thể dẫn tới thiếu máu hồng cầu tó và thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Acid folic cũng cần thiết ở phụ nữ mang thai để ngăn các rối loạn ống thần kinh ở trẻ sơ sinh, dùng 3 tháng trước khi mang thai và 3 tháng đầu của thai kỳ, khoảng 400mcg/ngày.
Vitamin A có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Vitamin A cần cho sự biệt hóa biểu mô, bảo vệ sự toàn vẹn biểu mô trong cơ thể, cần thiết cho sự tăng trưởng, tăng cường miễn dịch và có vai trò quan trọng trong hoạt động thị giác. Thiếu vitamin A sẽ gây khô mắt, tổn thương giác mạc và có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, thừa vitamin A cũng có thể gây ra các hậu quả như ngứa ngáy, viêm da, bong tróc da, chán ăn, xuất huyết, dị tật bào thai. Do đó, không được bổ sung vitamin A bừa bãi mà phải tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu phụ nữ mang thai có chế độ dinh dưỡng tốt, đảm bảo bổ sung đủ vitamin A qua thức ăn ( khoảng 800 mcg/ngày) thì không cần bổ sung thêm vitamin A bằng thuốc. Vitamin A có nhiều trong dầu gan cá, bơ, sữa, lòng đỏ trứng. Các loại rau củ quả như cà rốt, bầu, bí, gấc, cà chua, rau ngót, rau dền,...chứa tiền vitamin A là caroten, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.
Vitamin D : cần thiết cho sự hấp thu các khoáng chất như canxi, phospho và thúc đẩy quá trình thành lập xương. Thiếu vitamin D sẽ dẫn đến trẻ bị còi xương ngay trong bụng mẹ hoặc trẻ sinh ra bình thường nhưng thóp trẻ lâu liền. Thừa vitamin D cũng gây ra nhiều hậu quả như tăng canxi huyết, dị tật bào thai, tổn thương thận.
Nhu cầu vitamin D ở phụ nữ có thai là khoảng 10mcg/ngày. Vitamin D có thể được bổ sung qua các thức ăn như cá, trứng, sữa, phomai hoặc các thực phẩm chức năng giàu vitamin D. Ngoài ra, trên da người cũng có các tiền vitamin D, khi tiếp xúc với tia UV sẽ chuyển thành vitamin D có hoạt tính.
Vitamin B1: đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucid. Vitamin B1 có nhiều trong mầm men bia, cám gạo, lúa mì, hạt ngũ cốc, quả hạch, thịt heo, bò, gà...Các loại hạt cần dự trữ vitamin B1 cho quá trình nảy mầm. Do đó, gạo không bị xay xát quá trắng, không bị nấm mốc, mục và các loại ngũ cốc là nguồn cung cấp dồi dào vitamin B1.
Nhu cầu vitamin B1 tăng theo lượng glucid ăn vào. Khi có thai hay cho con bú, nhu cầu vitamin B1 cũng tăng lên ( khoảng 0,6mg/1000 kcal). Phụ nữ mang thai cần bổ sung đủ vitamin B1 để tránh nguy cơ tê phù.
Vitamin B2: có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu, thúc đẩy chiều cao, hỗ trợ thị giác và quá trình phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiếu vitamin B2 khi mang thai sẽ tăng nguy cơ tiền sản giật. Vitamin B2 có nhiều trong sữa, bánh mì, các loại rau, đậu...Nhu cầu vitamin B2 ở phụ nữ mang thai khoảng 1,4 mg/ngày.
Sắt : đóng vai trò quan trọng trong quá trình mang thai, cần thiết cho quá trình tạo máu và tạo nhân tế bào. Thiếu sắt ở phụ nữ mang thai sẽ dẫn tới thiếu máu thiếu sắt, ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển oxy ở cả mẹ và thai nhi, tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng hậu sản, làm mất cảm giác ngon miệng,...
Sắt có nhiều trong thịt, cá, lòng đỏ trứng, các loại nhuyễn thể như nghêu, sò, ốc, hến, trong ngũ cốc, đậu, rau có lá màu xanh đậm, bí ngô, phủ tạng động vật và đặc biệt là tiết. Phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 60mg sắt nguyên tố mỗi ngày trong suốt thời gian mang thai đến sau sinh 1 tháng.
Iốt iot là một vi chất cần thiết cho quá trình phát triển của cơ thể, tham gia vào quá trình tổng hợp hocmon tuyến giáp. Thiếu iốt dễ dẫn tới bướu cổ, đần độn, tổn thương não. Phụ nữ mang thai thiếu iot có thể gây sảy thai tự nhiên, đẻ non và thai chết lưu.. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Nhu cầu iốt của phụ nữ mang thai khoảng 175- 200mcg iốt mỗi ngày. Nguồn cung cấp iốt tốt nhất là các thức ăn từ biển như cá,cua, tôm, sò, rong biển... Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần sử dụng thêm muối iot để bổ sung đủ iốt.
Kẽm: Bổ sung kẽm cần thiết cho quá trình hình, sửa chữa và hoàn thiện chức năng của AND. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến vô sinh, sinh non, sẩy thai, nhiễm độc thai kỳ hoặc có thể sinh già tháng, thai nhi sinh ra không bình thường. Nhu cầu kẽm của phụ nữ mang thai là khoảng 15mg/ngày. Kẽm có nhiều trong tôm cua, sò ốc, hàu, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Vitamin C: Vitamin C đóng vai trò như một chất khử trong các phản ứng thành lập collagen, giúp mau lành vết thương, làm tăng sức đề kháng, hỗ trợ hấp thu sắt, nhờ đó giúp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt. Thiếu vitamin C có thể gây bệnh scorbut với các biểu hiện là xuất huyết, viêm nướu, răng dễ rụng, sưng khớp.
Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây chua (chanh, bưởi, cam), các loại rau tươi, cà chua. Nhu cầu vitamin C hằng ngày tăng khi nhiễm khuẩn, có thai hay cho con bú...Nhu cầu vitamin C đối với phụ nữ có thai là 80mg/ ngày và đối với bà mẹ cho con bú là 100mg. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu vitamin C khi mang thai, ngoài việc lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin C, thai phụ nên uống thêm viên multivitamin. Để đáp ứng đầy đủ các vitamin và khoáng chất như trên, ngoài việc lựa chọn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, phụ nữ mang thai nên uống loại viên multivitamin và khoáng chất dành cho bà mẹ mang thai hàng ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng.
2. Những lưu ý về chế độ ăn và sinh hoạt khi mang thai
- Phụ nữ có thai không nên kiêng khem quá mức. Chế độ ăn cần đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt chú ý ăn nhiều rau của quả để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.
- Tránh các loại thực phẩm có tính kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, các gia vị cay nóng như ớt, tiêu, tỏi, dấm
- Nên chọn các loại thực phẩm tươi, sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Nếu bị thai nghén nên chia nhỏ bữa ăn và rải đều trong ngày. Tránh các thực phẩm nặng mùi.
- Phụ nữ mang thai không được làm việc quá sức, chỉ nên làm nhẹ nhàng, vừa phải. Các tháng cuối của thai kỳ cần nghỉ ngơi để giúp con tăng cân và mẹ có sức cho quá trình chuyển dạ.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.
- Giữ môi trường sống trong lành, thoáng mát, tránh xa khói bụi, thuốc lá.
- Đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế. Tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc-xin để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.
Dinh dưỡng trong quá trình mang thai của người mẹ có vai trò rất quan trọng, là tiền đề để sinh ra các em bé khỏe mạnh và phát triển. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp cho các mẹ và những bạn ai sắp làm mẹ có hiểu biết đúng mức về chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.