Bệnh lupus ban đỏ là bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan, bộ phận nào trong cơ thể. Các bộ phận dễ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này đó là da, thận, tim, phổi, mắt. Bệnh lupus ảnh hưởng tim và phổi như thế nào?
1. Bệnh lupus ảnh hưởng tim như thế nào?
Bệnh lupus ban đỏ làm tăng khả năng mắc bệnh tim và đột quỵ. Điều này có thể là do tình trạng viêm lâu dài đi kèm với bệnh lupus ban đỏ. Ngoài ra, một số loại thuốc như Steroid cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bệnh lupus ban đỏ có thể gây viêm cơ tim hoặc viêm lớp màng bao bọc quanh tim, còn gọi là viêm màng tim. Các tình trạng này có thể khiến bệnh nhân bị đau nhói ở ngực.
Những bệnh nhân bị lupus có nhiều khả năng bị tắc động mạch có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn. Đã có những nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết của việc dành thêm thời gian, sự chú ý và điều trị đối với tình trạng huyết áp cao và các vấn đề liên quan khác ở bệnh nhân lupus ban đỏ.
Trên thực tế, xu hướng bệnh nhân lupus bị đau tim và đột quỵ sớm đã được biến đến trong nhiều thập kỷ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ đã biết như tăng huyết áp, cholesterol cao và bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây ra bệnh tim và đột quỵ sớm. Các yếu tố này trở nên tồi tệ hơn hoặc bị kích thích sớm bởi thuốc Steroid được sử dụng trong điều trị bệnh lupus ban đỏ.
Những bằng chứng nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, chính bệnh lupus cũng là nguyên nhân của tình trạng bệnh tim mạch xuất hiện sớm. Bởi bệnh lupus là một rối loạn miễn dịch mãn tính gây ra viêm và có thể gây tổn thương động mạch và tích tụ mảng bám có thể khiến cho các động mạch bị tắc từ đó gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Nhà nghiên cứu Mary J. Roman, một bác sĩ tim mạch của Đại học Y khoa Weill thuộc Đại học Cornell ở New York đã tiến hành một nghiên cứu với gần 400 người, trong đó một nửa bị bệnh lupus ban đỏ và một nửa còn lại không bị bệnh.
Nghiên cứu cho thấy những người mắc lupus có nhiều mảng bám động mạch hơn. Sự tích tụ mảng bám đặc biệt phổ biến hơn ở những bệnh nhân lupus dưới 40 tuổi.
Sự tích tụ mảng bám được đo bằng siêu âm các động mạch cảnh ở cổ - một dấu hiệu cho thấy mảng bám cũng có trong động mạch tim.
- Bệnh nhân lupus ban đỏ dưới 40 tuổi có khả năng tích tụ mảng bám gần gấp 6 lần so với những bệnh nhân không bị lupus ban đỏ. Bệnh nhân lớn tuổi hơn cũng có xu hướng tương tự như vậy.
- Sự tích tụ mảng bám và tắc các động mạch phổ biến hơn đáng kể ở những bệnh nhân lupus so với những người không bị lupus. Tỷ lệ này lên đến 37% ở bệnh nhân lupus ban đỏ, trong khi ở người bình thường chỉ là 15%. Tình trạng tăng tích tụ mảng bám này không thể quy cho các yếu tố nguy cơ truyền thống như hút thuốc, huyết áp hay mức cholesterol.
- Bệnh nhân lupus ban đỏ có mảng bám động mạch có xu hướng già hơn, bị lupus lâu hơn và mức độ bệnh lupus cũng nặng hơn, huyết áp cao hơn và mức cholesterol xấu (LDL) cao hơn so với những bệnh nhân lupus không có mảng bám.
- Thuốc cũng tạo ra sự khác biệt trong mức độ mảng bám động mạch. Bệnh nhân lupus có nhiều mảng bám có xu hướng sử dụng thuốc ít thường xuyên hơn và với liều thấp hơn. Họ cũng ít sử dụng Cytoxan và Plaquenil - thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lupus. Những điều này cho thấy sự tích tụ mảng bám động mạch ở bệnh nhân lupus ban đỏ cao hơn nhiều so với các yếu tố nguy cơ điển hình của bệnh tim.
Một nghiên cứu khác của Yu Asanuma và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 65 bệnh nhân mắc bệnh lupus và so sánh họ với 69 người không mắc bệnh lupus. Phương pháp nghiên cứu sử dụng CT scan các động mạch tim, qua đó các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh nhân lupus có nhiều khả năng có mảng bám như thể hiện bởi sự tích tụ canxi trong động mạch. Ngoài ra, bệnh nhân lupus có mảng bám tích tụ ở độ tuổi trẻ hơn nhiều so với bình thường.
Một số bác sĩ điều trị bệnh nhân lupus ban đỏ đã không chú ý đến việc điều trị đầy đủ huyết áp, tiểu đường, béo phì và cholesterol cao. Chính điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở những bệnh nhân này.
Ngoài ra các van tim cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh lupus ban đỏ, từ đó khiến cho quá trình hoạt động của tim bị ảnh hưởng, có thể dẫn tới suy tim.
2. Bệnh lupus ảnh hưởng phổi như thế nào?
Bệnh lupus cũng có thể ảnh hưởng đến phổi của bệnh nhân, nó có thể gây ra các tình trạng như:
- Viêm màng phổi: Viêm lớp màng bao bọc bên ngoài phổi, khiến cho bệnh nhân cảm thấy đau vùng ngực, đau thường trở nên tồi tệ hơn khi hít sâu.
- Viêm phổi: Bệnh lupus có thể gây viêm phổi, khiến cho bệnh nhân cảm thấy khó thở, tức ngực. Đôi khi để lại sẹo ở phổi gây khó thở.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: webmd.com