Lupus ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào: Tim, phổi, da, thận, mắt

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, vì một lý do nào đó mà hệ miễn dịch của cơ thể tấn công chính các bộ phận của cơ thể mình. Đây là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của người bệnh như tim, phổi, da hay mắt...

1. Ảnh hưởng của lupus đến tim và phổi

Bệnh lupus ban đỏ làm tăng khả năng mắc bệnh tim và đột quỵ. Điều này có thể do quá trình viêm lâu dài đi kèm với bệnh lupus. Một số loại thuốc sử dụng trong điều trị bệnh lupus ban đỏ như Steroid cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bệnh lupus ban đỏ có thể gây ra tình trạng viêm cơ tim hoặc viêm màng tim. Bệnh nhân có thể thấy đau nhói ở ngực do tình trạng này gây ra.

Bệnh lupus ban đỏ cũng có thể gây viêm màng phổi, khi đó bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở vùng ngực, đau tăng lên khi hơi thở sâu. Đôi khi để lại di chứng sẹo ở phổi do viêm và gây khó thở cho bệnh nhân.

Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể làm một số biện pháp sau đây để giảm ảnh hưởng của bệnh đến tim và phổi, bao gồm:

  • Tránh hút thuốc: Hút thuocs làm tăng khả năng nhiễm trùng phổi và bệnh tim. Thuốc lá cũng làm chậm lưu lượng máu và làm tăng huyết áp của bạn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Điều này giúp cho tim và phổi của bạn mạnh mẽ hơn. Bạn có thể lựa chọn các bài tập như đi bộ, bơi lội, tập thể dục nhịp điệu, yoga, Pilates,....
  • Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giữ cân nặng, huyết áp và cholesterol trong tầm kiểm soát. Tăng cường sử dụng trái cây, rau và ngũ cốc trong khẩu phần ăn. Ăn cá hai lần một tuần, đặc biệt là cá hồi. Trong cá giàu omega-3 tốt cho tim. Cần tránh các loại đồ ăn nhanh và đồ chiên rán.
  • Tiêm vắc-xin cúm và viêm phổi.

Tiêm phòng để giảm ảnh hưởng của lupus đến tim và phổi
Tiêm phòng để giảm ảnh hưởng của lupus đến tim và phổi

2. Ảnh hưởng của lupus đến da

Da của bệnh nhân lupus ban đỏ có thể trở nên nhạy cảm với các tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời. Điều này có thể gây ra nhiều thay đổi ở da. Một vấn đề phổ biến về da đó là phát ban hình con bướm trên mũi và má. Các mảng màu đỏ, vảy da có thể phát triển trên cơ thể bệnh nhân lupus ban đỏ. Các mảng da giống như tiền xu có thể xuất hiện trên cơ thể hoặc da đầu của người bệnh.

Bệnh nhân lupus ban đỏ cũng có thể gặp rắc rối về da ở các khu vực khác trên cơ thể như:

  • Loét miệng hoặc mũi.
  • Rụng tóc nhưng không phải hói đầu.
  • Ngón tay hoặc ngón chân trắng hoặc xanh khi gặp lạnh, đây là hiện tượng Raynaud.

Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể sử dụng các biện pháp sau đẩy để làm giảm ảnh hưởng của bệnh lên da, gồm có:

  • Bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời: bằng cách sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 50 trở lên khi ra ngoài và tránh ánh nắng mặt trời vào buổi trưa. Đội mũ rộng vành và mặc quần áo chống nắng dưới ánh nắng mặt trời.
  • Sử dụng dầu gội đầu và dầu xả phù hợp, tránh các hóa chất độc hại trên tóc.
  • Mang găng tay và tất khi trời lạnh: hiện tượng Raynaud thường xuất hiện khi trời lạnh. Vì vậy bệnh nhân lupus ban đỏ cần giữ chân tay ấm áp.

3. Ảnh hưởng của lupus đến thận

Bệnh lupus ban đỏ có thể gây viêm thận, gây ra tổn thương vĩnh viễn ở thận. Tổn thương ở thận có thể dẫn đến các triệu chứng như phù chân, tăng huyết áp. Ngoài ra trong nước tiểu của bệnh nhân bị tổn thương thận có thể có protein hoặc tế bào máu. Thậm chí lupus có thể dẫn đến suy thận và khi đó bệnh nhân cần phải lọc máu.

Bệnh nhân cần làm các việc sau để giảm ảnh hưởng của lupus đến thận, bao gồm:

  • Trao đổi với bác sĩ: khi có các các biểu hiện của các vấn đề thận như sưng ở mắt cá chân hoặc cẳng chân, hoặc có máu trong nước tiểu.
  • Thực hiện khám sức khỏe định kỳ: Bệnh nhân lupus ban đỏ cần đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra đảm bảo thận vẫn hoạt động tốt.

Bệnh nhân lupus nên khám định kỳ để được kiểm tra đảm bảo sức khỏe của thận
Bệnh nhân lupus nên khám định kỳ để được kiểm tra đảm bảo sức khỏe của thận

4. Ảnh hưởng của lupus đến mắt

Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể gặp các vấn đề về mắt như là cảm giác khô mắt hoặc cảm giác khó chịu. Bệnh nhân có thể sử dụng nước mắt nhân tạo để giảm tình trạng khô mắt.

Hiếm khi sự thay đổi của mạch máu ở võng mạc có thể làm suy yếu thị lực của bệnh nhân. Lupus ban đỏ có thể làm tổn thương các dây thần kinh chi phối các cơ kiểm soát chuyển động của mắt.

5. Ảnh hưởng của lupus đến não và hệ thần kinh trung ương

Bệnh lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến não và tủy sống của bệnh nhân theo nhiều cách khác nhau. Bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề như là:

  • Suy nghĩ nhiều, nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ
  • Nhức đầu
  • Trầm cảm và lo âu
  • Co giật
  • Đột quỵ (hiếm khi xảy ra).

Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể thực hiện các biện pháp sau đây để giảm ảnh hưởng của lupus đến não và hệ thần kinh trung ương, gồm có:

  • Giảm căng thẳng: Bệnh nhân có thể giảm căng thẳng bằng cách tập yoga, thái cực quyền và thư giãn cơ bắp.
  • Sử dụng các công cụ nhắc nhở, ghi nhớ: Điện thoại di động với các phần mềm hỗ trợ nhắc nhở, ghi nhớ và cá công cụ hỗ trợ khác có thể giúp bệnh nhân ghi nhớ và sắp xếp lịch làm việc, sinh hoạt.
  • Nhờ sự giúp đỡ: Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể xây dựng, tham gia một mạng lưới hỗ trợ để nhận sự giúp đỡ khi cần thiết. Bệnh nhân cũng có thể cân nhắc việc trị liệu nhận thức để xử lý các vấn đề như lo lắng hay trầm cảm.

Tập thể dục thường xuyên để giảm ảnh hưởng của lupus đến não và hệ thần kinh trung ương
Tập thể dục thường xuyên để giảm ảnh hưởng của lupus đến não và hệ thần kinh trung ương

6. Ảnh hưởng của lupus đến khớp và cơ bắp

Triệu chứng đau khớp, sưng và cứng khớp là những biểu hiện phổ biến ở bệnh nhân mắc lupus ban đỏ, đặc biệt là ở tay, cổ tay và bàn chân. Hiện tượng sưng khớp không làm hỏng khớp của bệnh nhân, nhưng nó có thể khiến bệnh nhân đau đớn.

Bệnh lupus ban đỏ cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ bắp của bệnh nhân và làm cho chúng yếu đi.

Một số biện pháp giúp bệnh nhân giảm bớt các ảnh hưởng của bệnh lupus đến khớp và cơ bắp, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống viêm như Ibuprofen, Naproxen.
  • Tắm với nước ấm, sử dụng túi chườm để giảm đau và cứng khớp.
  • Tránh các bài tập cường độ cao: khi bị đau khớp, bệnh nhân cần tránh các bài tập cường độ cao. Tuy nhiên cần cố gắng duy trì các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ hoặc tập yoga.

Bệnh lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan, bộ phận nào trên cơ thể với các mức độ tổn thương khác nhau ở mỗi một bệnh nhân. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để có biện pháp phòng tránh và giảm thiểu các ảnh hưởng đó.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe