Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi, phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Lõm ngực bẩm sinh thường có thể dễ dàng được chẩn đoán bằng cách kiểm tra ngực. Nhưng bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại kỹ thuật chẩn đoán khác để kiểm tra các vấn đề liên quan đến tim và phổi.
1. Chẩn đoán lõm ngực bẩm sinh
Lõm ngực bẩm sinh ở trẻ (tên Tiếng Anh là Pectus excavatum) hay còn gọi là ngực phẫu (funnel chest) là tình trạng xương ức và một số xương sườn bị biến dạng bất thường và lõm sâu xuống. Lõm ngực ở trẻ sơ sinh có thể khó phát hiện những triệu chứng lõm bắt đầu rõ ràng khi trẻ lên 2 đến 3 tuổi. Trong một số trường hợp, lõm ngực mới xuất hiện khi trẻ lớn lên.
Lõm ngực thường có thể dễ dàng được chẩn đoán bằng cách kiểm tra ngực. Nhưng bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại kỹ thuật chẩn đoán khác để kiểm tra các vấn đề liên quan đến tim và phổi, bao gồm:
- Chụp X-quang ngực: Kỹ thuật này cho bác sĩ nhìn thấy hình dạng xương ức bị lõm như thế nào và kiểm tra xem tim của trẻ có bị đẩy sang bên trái không. Chụp X-quang không đau và chỉ mất vài phút để hoàn thành.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT được sử dụng để giúp xác định mức độ nghiêm trọng của lõm ngực và liệu tim hoặc phổi có bị chèn ép hay không. Do chụp CT lấy nhiều tia X từ nhiều góc độ khác nhau để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cấu trúc bên trong cơ thể nên bác sĩ có thể xác định các vấn đề trên. Chụp CT ngực rất cần thiết vì nó cung cấp chỉ số Haller. Chỉ số Haller là tỷ lệ giữa đường kính ngực ngang và đường kính trước sau của ngực. Bình thường, chỉ số này khoảng 2,5 cm và nếu chỉ này trên 3,2 cm thì trẻ này được xác định là mức độ lõm ngực nghiêm trọng.
- Điện tâm đồ: Điện tâm đồ cho thấy nhịp tim và các nhịp tim có bình thường hay không. Kỹ thuật chẩn đoán này không gây đau cho trẻ và nhưng hơi khó khăn trong việc đặt 12 dây cực chuyển đạo lên ngực và chân của trẻ nên có thể trẻ không hợp tác.
- Siêu âm tim: Siêu âm tim để hiển thị hình ảnh thời gian thực về cách tim và van tim hoạt động như thế nào. Các hình ảnh được tạo ra bằng cách truyền sóng âm thanh thông qua đầu dò được áp vào ngực của trẻ.
- Đo chức năng hô hấp để kiểm tra lõm ngực có ảnh hưởng đến khả năng trẻ hít vào và thở ra được bao nhiêu khí.
- Xét nghiệm gắng sức để theo dõi tim và phổi của trẻ có hoạt động tốt trong điều kiện tập thể dục, thường là cho trẻ đạp xe đạp tại chỗ hoặc chạy trên máy chạy bộ.
2. Lõm ngực và cách điều trị
Lõm ngực có thể được phẫu thuật để điều trị, nhưng phẫu thuật thường dành cho những trẻ có dấu hiệu và triệu chứng từ trung bình đến nặng. Những người có dấu hiệu và triệu chứng nhẹ có thể được điều trị bằng các kỹ thuật vật lý trị liệu và một số bài tập có thể cải thiện tư thế và tăng mức độ mà ngực có thể mở rộng.
Các loại phẫu thuật
Nếu trẻ có lõm ngực từ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật với hai loại phẫu thuật phổ biến nhất được sử dụng để điều trị lõm ngực phụ thuộc vào kích thước vết mổ và liệu có loại bỏ sụn hay không:
- Đường rạch nhỏ hơn: Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (minimally invasive surgery) với các vết mổ nhỏ được rạch ở mỗi bên ngực, dưới mỗi cánh tay. Các dụng cụ phẫu thuật và camera nhỏ được đưa vào cơ thể thông qua các vết mổ. Một thanh kim loại cong được luồn dưới đoạn xương ức bị lõm và dùng để nâng xương ức về vị trí bình thường. Trong một số trường hợp, trẻ cần sử dụng nhiều thanh kim loại hơn. Sau hai hoặc ba năm thì các các thanh được rút ra. Phương pháp phẫu thuật này được gọi Phẫu thuật Nuss.
- Đường rạch lớn hơn: Một vết mổ ở giữa ngực cho phép bác sĩ phẫu thuật xem trực tiếp xương ức. Sụn bị biến dạng gắn giữa xương sườn và xương ức sẽ bị loại bỏ, nhưng giữ lại màng sụn và cố định xương ức vào vị trí bình thường với sự hỗ trợ của thanh kim loại hoặc lưới hỗ trợ. Phẫu thuật này còn được gọi là Phẫu thuật Ravitch, điểm hạn chế của phẫu thuật này để lại sẹo lớn và thẩm mỹ sau sửa không đẹp.
Hầu hết những trẻ được phẫu thuật để điều chỉnh lõm ngực đều hài lòng với sự thay đổi về dáng ngực của bản thân cho dù sử dụng bất kể kỹ thuật nào. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý, để đạt được kết quả tốt nhất của phẫu thuật thì trẻ cần được phẫu thuật được thực hiện trước hoặc xung quanh tuổi dậy thì, hoặc sớm hơn tùy vào tình trạng bệnh của trẻ và sự ảnh hưởng của bệnh đối với trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Tầm soát thai nhi - Bé khỏe chào đời