Những vết lõm trên ngực trẻ nhỏ có thể là dấu hiệu của chứng lõm ngực bẩm sinh, đây là bệnh lý khá nguy hiểm. Điều trị lõm ngực bẩm sinh được áp dụng nhiều phương thức như đặt chuông nâng xương ức, phẫu thuật Nuss tạo hình xương ức...
1. Dị tật lõm xương ức là gì?
Lõm ngực bẩm sinh (còn gọi là “Ngực kênh”), là một dị tật bẩm sinh do sự phát triển bất thường của xương ức và một vài sụn sườn, khiến thành ngực bị lõm xuống bất thường. Lõm xương ức cũng là dị tật thành ngực xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em, với tỉ lệ 1/300 trẻ, nam nhiều hơn nữ (3:1). Do xương ức bị ép về phía sau quá mức dẫn đến ảnh hưởng đến chức năng tim và phổi, trẻ thường có triệu chứng điển hình là khó thở, tức ngực, biếng ăn và trên ngực hiển thị rõ một vết lõm sâu.
Để điều trị bệnh này, lựa chọn phổ biến cho các bệnh nhân tiến hành phẫu thuật tạo hình xương ức bằng cách đặt thanh nâng ngực (phẫu thuật Nuss).
2. Phương pháp tạo hình xương ức trong điều trị lõm ngực bẩm sinh
Phẫu thuật Nuss là một phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn được Dr. Donald Nuss thực hiện từ năm 1987 đến nay và đã phổ biến rộng rãi trên thế giới giúp điều trị ngực lõm bẩm sinh. Ưu điểm của phương pháp là xâm lấn tối thiểu, mất ít máu và thời gian hồi phục ngắn.
2.1 Các trường hợp chỉ định
Hình thức phẫu thuật Nuss thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Bệnh nhân bị ngực lõm vừa đến nhiều (chỉ số Haller > 3.2);
- Bệnh nhân có các triệu chứng cơ năng như đau tức ngực, khó thở giảm gắng sức...
- Ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, tâm lý, sức khỏe của bệnh nhân.
2.2 Các trường hợp chống chỉ định
Những bệnh nhân có nhiều dị tật bẩm sinh phức tạp như bệnh tim bẩm sinh, ảnh hưởng tới chức năng tim, bệnh tâm thần, chậm phát triển tinh thần trí tuệ, di chứng dính màng phổi, màng tim nặng...cần được đánh giá và đánh giá kỹ về việc sử dụng phương pháp này.
2.3 Chuẩn bị trước khi điều trị
2.3.1 Dụng cụ phẫu thuật
Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi lồng ngực và hệ thống bơm khí CO2 kiểm soát tự động; Camera 0o, 5mm; dụng cụ mổ lồng ngực, bộ dụng cụ đi kèm đặt dụng cụ.
Trước khi tiến hành phẫu thuật tạo hình xương ức, bệnh nhân được khám lâm sàng cẩn thận, thăm dò, siêu âm tim trước mổ, đo chức năng hô hấp, khám gây mê hồi sức, đánh giá tổn thương trên ảnh chụp CT. Bệnh nhân và gia đình được giải thích và hướng dẫn về quy trình mổ theo quy định, hoàn thiện các biên bản pháp lý.
2.3 Chuẩn bị trước khi điều trị
2.3.1 Dụng cụ phẫu thuật
Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi lồng ngực và hệ thống bơm khí CO2 kiểm soát tự động; Camera 0o, 5mm; dụng cụ mổ lồng ngực, bộ dụng cụ đi kèm đặt dụng cụ.
Trước khi tiến hành phẫu thuật tạo hình xương ức, bệnh nhân được khám lâm sàng cẩn thận, thăm dò, siêu âm tim trước mổ, đo chức năng hô hấp, khám gây mê hồi sức, đánh giá tổn thương trên ảnh chụp CT. Bệnh nhân và gia đình được giải thích và hướng dẫn về quy trình mổ theo quy định, hoàn thiện các biên bản pháp lý.
2.3.2 Tư thế người bệnh
Khi bắt đầu phẫu thuật, người bệnh được đặt nằm tư thế ngửa có độn gối khoảng 5cm dưới lưng. Bác sĩ gây mê sẽ tiến hành gây mê nội khí quản.
2.3.3 Quá trình phẫu thuật tạo hình xương ức
- Đo đạc và đánh dấu các điểm lõm sâu nhất, đường nách giữa hai bên.
- Chọn thanh nâng và uốn thanh theo khuôn lồng ngực bệnh nhân. Nắn chỉnh thanh mẫu và thanh Bar phù hợp.
- Đặt van Thompson ở vị trí tương ứng, tiến hành khâu treo xương ức đối với các trường hợp lõm sâu.
- Đặt một Trocar và ống soi 0 độ, 5mm cách 2 khoảng liên sườn phía dưới so với đường vào bên phải của thanh nâng ngực.
- Bơm hơi khí CO2 áp lực 5mmHg, 1 lít/phút, kết hợp soi đánh giá khoang lồng ngực.
- Tiến hành rạch khoảng 3cm hai bên thành ngực tương ứng với vị trí đặt bar, phẫu tích dưới cân nặng đến vị trí luồn thanh bar.
- Dưới hướng dẫn của nội soi, dùng pince tách rộng màng phổi thành sau xương ức, qua trước màng tim, sang khoang màng phổi đối diện, qua lỗ mở bên, kẹp lấy dây dẫn đường thanh bar.
- Kết nối thanh bar và dây dẫn đường, luồn thanh bar vào vị trí tương ứng.
- Cố định thanh bằng cách dùng chỉ thép khâu vòng qua xương sườn, một bên dùng chỉ Vicryl khâu cố định thanh vào cân cơ thành ngực.
- Dùng chỉ Vicryl 2 buộc cố định thanh bar vào thành ngực
- Đánh giá trong lồng ngực bằng phương pháp nội soi. Bóp bóng nở phổi, rút Trocar nội soi, đóng các vết mổ, kết thúc phẫu thuật.
3. Theo dõi và xử lý tai biến sau phẫu thuật Nuss
Sau phẫu thuật tạo hình xương ức, cần chú ý theo dõi tình trạng đau và tình trạng hô hấp của bệnh nhân. Một số tai biến, biến chứng thường gặp có thể kể đến:
3.1 Tràn khí màng phổi
Trường hợp tràn khí ít không cần can thiệp, tràn khí nhiều và bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp thì đặt dẫn lưu màng phổi qua lỗ đặt Trocar.
3.2 Tràn dịch màng phổi
Tiến hành dẫn lưu màng phổi.
3.3 Tổn thương tim phổi
Cần thực hiện phẫu thuật mở ngực để xử lý.
3.4 Di lệch thanh bar
Có thể do điểm tì chưa phù hợp hoặc bệnh nhi hoạt động quá mức, cần điều chỉnh và cố định lại thanh.
3.5 Dị ứng, nhiễm trùng thanh đỡ
Khi vết mổ có dấu hiệu chảy dịch kéo dài không liền được, cần tiến hành rút thanh đỡ.
Một số tai biến khác như: Chảy máu, thương tổn phổi, màng tim, tim.
4. Chăm sóc sau phẫu thuật tạo hình xương ức
Gia đình cần chú ý đưa bệnh nhi đi khám lại sau phẫu thuật theo lịch trình: Tuần đầu sau ra viện, 1-3-6-12 tháng và 24-36 tháng sau phẫu thuật.
Sau khi xuất viện hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tránh các động tác xoay, cúi ngực trong tháng đầu sau phẫu thuật. Sau 24-36 tháng hậu phẫu có thể đánh giá lại tình trạng lõm ngực và cân nhắc tháo dụng cụ.
Tóm lại, bệnh ngực lõm chiếm tỷ lệ cao nhất trong các dị dạng bẩm sinh của thành ngực vì vậy bố mẹ nên có những hiểu biết đúng về căn bệnh này để chăm sóc và điều trị tốt nhất cho trẻ, nên cho trẻ thăm khám tại bệnh viện uy tín để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.