Vitamin B5 được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên và cũng có sẵn ở dạng bổ sung. Vitamin B5 rất quan trọng đối với cơ thể để chuyển hóa carbohydrate, protein và lipid tại mức độ tế bào.
1. Vitamin B5 là gì?
Vitamin B5 hay còn gọi là axit pantothenic được tìm thấy rộng rãi ở cả thực vật và động vật bao gồm: Thịt, rau, ngũ cốc, các loại đậu, trứng và sữa...
Vitamin B5 cũng được tổng hợp có sẵn trên thị trường dưới dạng axit D-pantothenic trong các loại thuốc bổ sung vi chất. Trong thực tế, axit pantothenic thường được sử dụng kết hợp với các nhóm vitamin B khác để cho tác dụng toàn diện như: vitamin B1 (thiamine), vitamin B2 (riboflavin), vitamin B3 (niacin / niacinamide), vitamin B6 (pyridoxine), vitamin B12 (cyanocobalamin) và axit folic.
2. Công dụng của vitamin B5
2.1 Điều trị rối loạn lipid máu
Một số nghiên cứu cho thấy rằng pantethine có thể giúp làm giảm triglyceride. Pantethine giúp giảm cholesterol LDL làm tăng cholesterol HDL – một loại chất béo có lợi; điều chỉnh rối loạn lipid máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
2.2 Chăm sóc da và chữa lành vết thương
Vitamin B5 có tác dụng giữ ẩm cho da thông qua việc tăng tính bền chắc cho bề mặt các tế bào. Do đó, hoạt chất này cũng là một thành phần chính có mặt trong các loại sản phẩm mỹ phẩm, dưỡng da.
Trong các nghiên cứu trên người còn cho thấy bổ sung vitamin B5 có thể làm tăng tốc độ chữa lành vết thương, đặc biệt là sau phẫu thuật.
2.3 Bổ sung điều trị viêm khớp dạng thấp
Axit pantothenic có thể cải thiện các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp như: Cứng khớp buổi sáng và đau nhức. Tuy mức độ còn tương đối hạn chế và chỉ khu trú trong một nhóm đối tượng nhất định. Nhưng đây cũng trở thành một liệu pháp cân nhắc ở các bệnh nhân tổn thương khớp mức độ nặng kháng trị.
2.4 Cải thiện tình trạng nghẹt mũi do viêm sung huyết
Trong một nghiên cứu thí điểm trên một số trẻ em bị viêm mũi dị ứng, thuốc xịt mũi có chứa D-panthenol (cũng bao gồm lactoferrin, carboxymethyl-glucan và dipotali glycyrrhizin) có thể làm giảm tình trạng viêm sung huyết, qua đó giúp giảm hiệu quả các triệu chứng viêm mũi dị ứng, nhất là nghẹt mũi.
2.5 Bảo vệ mắt
Nước mắt nhân tạo có vitamin B5 có tác dụng giảm đau và cảm giác khó chịu ở những bệnh nhân bị khô mắt.
2.6 Giảm căng thẳng
Theo một đánh giá của các nghiên cứu trên người và động vật, axit pantothenic, cùng với các vitamin nhóm B và thảo dược tự nhiên khác, có thể giúp giảm thiểu một số tác động tiêu cực của căng thẳng trong thể chất và tâm lý gây ra.
3. Bổ sung nguồn dinh dưỡng chứa vitamin B5 trong tự nhiên
Vitamin B5 có sẵn trong nhiều loại thực phẩm, ví dụ như:
- Sữa chua (0,6 mg mỗi 150 gam)
- Thịt gà (1,3 mg mỗi 80 gam)
- Sữa (0,9 mg mỗi cốc)
- Đậu lăng (0,4 mg mỗi 1/2 cốc)
- Trứng (0,7 mg mỗi quả trứng lớn)
- Bông cải xanh (0,5 mg mỗi 1/2 cốc)
- Lúa mì nguyên chất (0,5 mg mỗi bó lớn)
- Cá ngừ (1,2 mg mỗi 80 gam)
Tuy nhiên, vitamin B5 trong thực phẩm sẽ bị hao hụt một cách đáng kể trong quá trình chế biến. Thịt tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt chưa qua chế biến có nhiều vitamin B5 hơn thực phẩm tinh chế, đóng hộp và đông lạnh.
4. Liều dùng bổ sung vitamin B5 tổng hợp
Liều lượng thích hợp của vitamin B5 được khuyên dùng hàng ngày cho các đối tượng như sau:
- 1,7 mg cho trẻ nhỏ dưới sáu tháng tuổi
- 1,8 mg cho trẻ sơ sinh 6-12 tháng
- 2 mg cho trẻ 1-3 tuổi
- 3 mg cho trẻ 4-8 tuổi
- 4 mg cho trẻ em 9-13 tuổi
- 5 mg cho trẻ14 tuổi trở lên
- 6 mg cho phụ nữ có thai
- 7 mg cho phụ nữ cho con bú
Liều bổ sung cao hơn có thể được chỉ định bởi bác sĩ, dược sĩ trong các bệnh lý nhất định. Tuy nhiên, khi chỉ dùng riêng lẻ vitamin B5 hay một loại vitamin bất kỳ trong những vitamin nhóm B trong một thời gian dài có thể dẫn đến sự mất cân bằng với các vitamin B quan trọng khác. Chính vì thế, khi cần bổ sung vitamin tổng hợp, nên sử dụng cùng lúc các vitamin B một cách cân đối.
Để việc hấp thu thuốc đạt hiệu quả cao, vitamin B5 nên được uống với một ngụm nước lớn, tốt nhất là sau khi ăn.
5. Tương tác thuốc khi bổ sung Vitamin B5
Khi đang được điều trị với những loại thuốc sau đây, bạn không nên tự ý bổ sung vitamin B5 mà không tham vấn ý kiến bác sĩ hay dược sĩ do những nguy cơ về tương tác thuốc.
- Kháng sinh tetracycline: Vitamin B5 làm cản trở sự hấp thu và tính hiệu quả của tetracycline.
- Thuốc điều trị bệnh Alzheimer: Vitamin B5 có thể làm tăng tác dụng quá mức của nhóm thuốc ức chế cholinesterase. Điều đó có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Thuốc chống đông máu: Vì vitamin B5 liều cao có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, bạn nên cẩn thận hơn nếu đang được dùng thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin (Coumadin), aspirin và các loại tương tự.
Tóm lại, vitamin B5 có tác dụng tại các cơ quan trong cơ thể với vai trò là một chất kích thích chuyển hóa quan trọng tại mức độ tế bào. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin được an toàn và hiệu quả đòi hỏi sự chỉ định từ bác sĩ nhưng hơn hết vẫn là một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng các chất và giàu dinh dưỡng.
XEM THÊM