Thuốc Riboflavin: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Riboflavin (còn gọi là vitamin B2) được dùng để ngăn ngừa và điều trị cho những bệnh nhân thiếu hụt vitamin B2 do chế độ ăn uống hoặc một số bệnh lý nhất định.

1. Riboflavin (vitamin B2) có tác dụng gì?

Riboflavin là một loại vitamin nhóm B, được chỉ định để ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin B2 ở những người không nhận đủ vitamin từ chế độ ăn uống. Hầu hết, những người ăn uống theo chế độ bình thường không cần bổ sung thêm vitamin B2. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh lý (chẳng hạn như các vấn đề về dạ dày/ ruột, nhiễm trùng kéo dài, bệnh gan, thiếu hụt vitamin do nghiện rượu, ung thư) có thể khiến lượng vitamin B2 giảm thấp.

Do đó, Riboflavin đóng một vai trò quan trọng đối với cơ thể, giữ cho da, mắt, dây thần kinh và các tế bào hồng cầu của bạn khỏe mạnh.

2. Hướng dẫn sử dụng Riboflavin

Riboflavin được sử dụng theo đường uống. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc Riboflavin trước khi dùng hoặc thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ kê đơn. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng phù hợp. Dùng thuốc Riboflavin đều đặn, đúng theo đơn để thuốc phát huy tối đa công dụng. Để dễ ghi nhớ, hãy sử dụng thuốc vào cùng thời điểm giống nhau hàng ngày.

Hãy cho bác sĩ biết nếu tình trạng của bạn không cải thiện hoặc xấu đi sau khi đã dùng Riboflavin theo chỉ định. Nếu bạn cho rằng mình có thể đang mắc một bệnh lý nào khác, hãy đi thăm khám ngay lập tức.


Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng hoặc thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ kê đơn Riboflavin.
Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng hoặc thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ kê đơn Riboflavin.

3. Tác dụng phụ khi dùng Riboflavin

Sử dụng Riboflavin có thể khiến nước tiểu của bạn chuyển sang màu vàng tươi. Biểu hiện này là vô hại và sẽ biến mất khi ngừng sử dụng thuốc.

Một phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với thuốc Riboflavin rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng với Riboflavin, bao gồm: Phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), khó thở, chóng mặt, hãy đi thăm khám để xử trí thích hợp.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc Riboflavin. Nếu bạn nhận thấy các tác dụng phụ khác chưa được liệt kê ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để biết cách xử lý phù hợp.

4. Cảnh báo thận trọng khi dùng Riboflavin

  • Trước khi dùng Riboflavin, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác. Thuốc Riboflavin có thể chứa các thành phần bất hoạt, chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề khác.
  • Trước khi dùng thuốc Riboflavin, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân.
  • Nếu phải thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cần cho bác sĩ điều trị biết về các loại thuốc và thảo dược (bao gồm kê đơn và không kê đơn) đang sử dụng.
  • Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai trước khi sử dụng thuốc Riboflavin. Riboflavin an toàn để dùng trong thai kỳ nếu được sử dụng theo chỉ dẫn ở liều khuyến cáo.
  • Riboflavin có khả năng đi qua sữa mẹ và được coi là an toàn trong thời gian cho con bú khi được dùng ở liều khuyến cáo. Tham khảo thêm ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.

5. Tương tác giữa Riboflavin với các thuốc khác

Tương tác giữa Riboflavin và các thuốc khác khi sử dụng đồng thời hoặc trong thời gian gần nhau có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động, tác dụng cũng như hiệu quả điều trị. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Đồng thời, trong khi dùng Riboflavin, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng, ngừng hoặc thay đổi liều dùng của bất kỳ loại thuốc nào khác.

Vitamin B2 có thể ảnh hưởng đến một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, dẫn đến kết quả sai. Thông báo cho nhân viên phòng xét nghiệm và bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng chế phẩm có chứa Riboflavin.

6. Những lưu ý khác khi dùng Riboflavin

  • Trường hợp dùng vitamin quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, ngất xỉu,... cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức.
  • Thăm khám định kỳ với bác sĩ và thực hiện các kiểm tra y tế cần thiết khi sử dụng thuốc Riboflavin.
  • Riboflavin không thể thay thế hoặc bổ sung cho một chế độ ăn kiêng. Việc bổ sung vitamin tốt nhất là lựa chọn các loại thực phẩm tự nhiên. Riboflavin có thể được tìm thấy trong sữa, bánh mì, ngũ cốc tăng cường, thịt, rau xanh và các loại thực phẩm khác. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung vitamin B2 đúng cách.
  • Nếu bệnh nhân bỏ lỡ một liều Riboflavin, hãy dùng nó ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều thuốc đã quên. Sử dụng liều Riboflavin tiếp theo như bình thường, không dùng gấp đôi liều đã chỉ định.
  • Kiểm tra tờ thông tin sản phẩm hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách bảo quản vitamin B2.

Việc nắm rõ thông tin về thuốc Riboflavin trước khi sử dụng luôn mang đến hiệu quả tích cực cũng như hạn chế rủi ro cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nếu có bất cứ thắc mắc, khách hàng có thể gửi câu hỏi tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được những tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ bác sĩ, dược sĩ nhiều năm kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe