Loét thực quản do dùng thuốc có nguy hiểm không?

Viêm loét thực quản do thuốc không phải do tác dụng trực tiếp của thuốc mà thường xuất phát từ việc sử dụng thuốc không đúng cách. Việc nuốt thuốc không cần nước, uống ít nước hoặc nằm ngay sau khi uống thuốc có thể gây viêm loét thực quản, một biến chứng mà nhiều người không lường trước được.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm loét thực quản là gì?

Thực quản là ống nối giữa cổ họng và dạ dày. Viêm loét thực quản là tình trạng viêm loét xảy ra tại thực quản, lớp niêm mạc phần dưới của thực quản, nơi giao nhau giữa thực quản và dạ dày, có thể xuất hiện các tổn thương. Điều này khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, đau đớn, biểu hiện qua các triệu chứng như: đau khi nuốt hoặc khó nuốt, ợ nóng, đau tức ngực, nôn ra máu và cảm giác đau phía sau xương ức.

2. Loét thực quản có nguy hiểm không?

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, viêm loét thực quản có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến ung thư thực quản, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh.

Ban đầu, các tổn thương ở thực quản còn khá nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, những vết loét sẽ ngày càng nặng nề hơn và tình trạng viêm sẽ nghiêm trọng hơn. Viêm loét kéo dài khiến các lớp cơ thực quản suy yếu, mất dần chức năng chống đỡ, khiến chúng dễ bị tổn thương bởi các tế bào lạ.  

Đặc biệt, ở vị trí ống dưới của thực quản, nơi gần với dạ dày, thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, gặp biến chứng nhiều nhất. Khi nền thực quản bị viêm loét, các tế bào ung thư có thể phát triển nhanh chóng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.

3. Các dấu hiệu tổn thương và những nguyên nhân thường gặp

Thông thường, các triệu chứng viêm loét thực quản do dùng thuốc có thể xảy ra sau khi uống thuốc từ 24 đến 48 tiếng, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói sau xương ức. Cơn đau này có thể lan rộng ra sau lưng và trở nên dữ dội hơn khi ăn uống hoặc hít thở sâu. Bên cạnh đó, người bệnh còn thấy khó nuốt, thậm chí có cảm giác đau rát khi nuốt.  

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người bệnh chỉ cảm thấy nóng rát sau xương ức và đau vùng bụng trên trên, rất giống với các triệu chứng của viêm loét dạ dày – tá tràng hoặc viêm thực quản trào ngược. Thậm chí, có người còn bị nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày do cảm thấy đau vùng sau xương ức kèm theo ợ chua, ợ nóng lên cổ và đau vùng bụng trên.

Các triệu chứng của viêm loét thực quản do thuốc (như đau bụng, đau ngực) thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm loét dạ dày hoặc bệnh tim phổi nên mọi người thường ít nghĩ đến bản thân bị loét thực quản. Nội soi đường tiêu hóa trên qua miệng được xem là phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác nhất.  

Việc dùng thuốc không đúng cách là yếu tố chính dẫn đến viêm loét thực quản. Cụ thể:

  • Một số người bệnh đã sử dụng thuốc mà không kèm theo đủ lượng nước cần thiết, một số trường hợp còn bỏ qua việc uống nước.
  • Người bệnh uống thuốc trong tư thế nằm hoặc nửa nằm nửa ngồi, vừa uống thuốc xong sẽ nằm xuống ngay lập tức.

Do cấu tạo hẹp nhất của thực quản nên đoạn 1/3 giữa thực quản là vị trí hay bị tổn thương nhất. Các viên thuốc, nhất là loại viên nang khi tiếp xúc với môi trường ẩm trong thực quản sẽ nhanh chóng bị mềm vỏ rất dễ dính lại ở thành thực quản khi đi qua vị trí này.  

Nếu không uống thuốc đúng cách, thuốc sẽ không thể di chuyển xuống dạ dày. Khi thuốc bám lại ở thực quản, nồng độ thuốc tập trung cao tại chỗ gây độc tính trực tiếp lên thành thực quản. Một số loại thuốc khi phân hủy sẽ tạo ra chất có tính axit hoặc bazơ, gây tổn thương trực tiếp, làm bỏng và tạo ra các vết loét lớn có đường kính lên tới 30mm hoặc nhiều ổ loét nhỏ. Biến chứng thường gặp là các vết loét không lành sẹo, gây co thắt làm hẹp thực quản, dẫn đến tình trạng khó nuốt kéo dài.

Người cao tuổi thường dễ bị loét thực quản do dùng thuốc hơn so với người trẻ tuổi, do đặc điểm sinh lý theo tuổi tác. Điều này là do chức năng co bóp nhu động của thực quản ở người cao tuổi kém hơn, khiến thuốc khó được đẩy xuống dạ dày.  

Ngoài ra, thói quen uống thuốc khi nằm hoặc bỏ quên một cữ thuốc và uống bù trước khi đi ngủ cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm loét thực quản do dùng thuốc. Nữ giới cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới vì các loại thuốc điều trị bệnh phụ khoa và da liễu vốn dễ gây loét thực quản. 

Người cao tuổi thường dễ bị viêm loét thực quản do thuốc hơn so với người trẻ tuổi.
Người cao tuổi thường dễ bị viêm loét thực quản do thuốc hơn so với người trẻ tuổi.

4. Những loại thuốc dễ gây viêm loét thực quản nếu dùng sai cách và cách khắc phục

Theo các số liệu báo cáo, nhiều loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh Doxycyclin (dùng phổ biến trong các phác đồ điều trị viêm phụ khoamụn trứng cá), thuốc kháng viêm giảm đau, thuốc điều trị loãng xương nhóm bisphosphonate, thậm chí cả thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, đều có khả năng gây viêm loét thực quản.

Người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp và thường xuyên sử dụng thuốc bisphosphonate để điều trị. Tuy nhiên, nhóm thuốc này rất nhạy cảm với bề mặt của thực quản và dạ dày. Nếu thuốc không trôi xuống dạ dày ngay mà đọng lại trong thực quản hoặc nếu thuốc tan ra ngay khi còn ở thực quản, thuốc có thể gây ra các vấn đề như kích ứng, viêm, đau và thậm chí là loét. Mặc dù vậy, phần lớn các trường hợp loét thực quản do thuốc đều có thể được chữa trị hiệu quả và ít gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Biện pháp khắc phục:

  • Trong trường hợp nghi ngờ viêm loét thực quản do thuốc, biện pháp điều trị chủ yếu là ngưng sử dụng loại thuốc gây hại đó. Song song với đó, người bệnh sẽ được điều trị hỗ trợ bằng các loại thuốc như: thuốc bù nước điện giải, thuốc chống trào ngược axit dạ dày và thuốc giảm đau tại chỗ (Sucralfate hoặc thuốc tê dạng gel Lidocain).
  • Trong quá trình điều trị loét thực quản, chế độ ăn nên bao gồm các thức ăn mềm, nguội như súp xay, sữa, cháo và uống nhiều nước ấm.
  • Hầu hết các vết loét ở thực quản sẽ tự lành trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần nếu được điều trị đúng cách. Việc phòng ngừa bệnh này hoàn toàn khả thi. Một trong những yếu tố then chốt nhưng thường bị bỏ qua trong quá trình dùng thuốc là uống thuốc đúng cách. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với một lượng nước tối thiểu là 150ml, lý tưởng nhất là 250ml. Ngoài ra, hãy giữ tư thế đứng hoặc ngồi thẳng trong khi uống thuốc và tránh nằm xuống ngay lập tức sau khi uống (ít nhất 30 phút).

5. Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân viêm loét thực quản tại nhà

  • Thay đổi thói quen ăn uống: Ăn chậm nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá no, hạn chế các loại đồ uống có ga, rượu bia, cà phê, chocolate, trái cây họ cam quýt, thức ăn cay nóng, dầu mỡ, bạc hà, hành, tỏi, cà chua.
  • Điều chỉnh lối sống: Không hút thuốc, kê cao đầu khi ngủ, mặc quần áo rộng rãi, kiểm soát cân nặng.
  • Bổ sung thực phẩm tốt: Thường xuyên ăn yến mạch, ngũ cốc, các loại đậu, hạt lanh, quả hạch, táo, chuối, cà rốt, bông cải xanh, khoai lang, rau bina, cải xoăn. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe