Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Triệu Thị Hồng Thái - Bác sĩ Sơ Sinh - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Loạn sản phế quản phổi là một bệnh phổi mạn tính, đa số gặp ở những trường hợp trẻ sinh non cần được sử dụng máy thở và liệu pháp oxy để can thiệp những rối loạn hô hấp cấp. Bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh nhưng vấn đề hô hấp ít nghiêm trọng hơn. Trong bệnh cảnh của loạn sản phế quản phổi, phổi và phế quản bị tổn thương trong thời kỳ sơ sinh, dẫn tới tình trạng loạn sản của các phế nang trong phổi.
1. Tình trạng loạn sản phế quản phổi
Loạn sản phế quản phổi (BPD) hay xơ phổi ở trẻ đẻ non hay bệnh phổi mạn tính trẻ đẻ non là biến chứng hay gặp nhất ở trẻ sinh non chiếm tỷ lệ 5–68%. Bệnh xảy ra khi trẻ cần hỗ trợ oxy ít nhất đến 28 ngày sau sinh, mức độ nặng phụ thuộc oxy, hỗ trợ thở máy, nhằm duy trì SpO2> 92%. Đối với trường hợp trẻ >= 32 tuần, thời gian để xác định phổi mạn từ 28 -56 ngày sau sinh. Đối với trẻ <32 tuần, thời gian để xác định xơ phổi là 36 tuần thai hiệu chỉnh.
2. Các yếu tố nguy cơ phát triển loạn sản phế quản phổi
Các yếu tố nguy cơ phát triển loạn sản phế quản phổi như sau:
- Phổi chưa trưởng thành/đẻ non:
- Dễ bị tổn thương do oxy, chấn thương khí,
- Thiếu surfactant
- Khả năng chống các chất oxy hoá kém;
- Ngộ độc oxy (qua các gốc oxy tự do);
- Chấn thương khí, áp lực (thở máy);
- Phù phổi (do truyền dịch nhiều, còn ống động mạch);
- Viêm nhiễm đường hô hấp (vi khuẩn bệnh viện)
- Suy giảm khả năng tự tổng hợp surfactant (muộn);
- Mẹ thiếu chất, yếu tố vi lượng
- Yếu tố di truyền (Gen);
- Do mẹ bị viêm màng ối,
- Mẹ không được dùng steroid trước sinh.
3. Biểu hiện của trẻ loạn sản phế quản phổi
Biểu hiện của trẻ loạn sản phế quản phổi rất rõ ràng, cụ thể:
- Toàn thân trẻ thở gắng sức, tăng nhu cầu sử dụng oxy nhằm duy trì SpO2> 92% hoặc nhịp tim chậm, ngừng thở.
- Hay có cơn tím tái, tim chậm khi gắng sức.
- Hô hấp: rút lõm lồng ngực, rale ẩm thường nghe thấy, thông khí phổi giảm, thời gian thở ra kéo dài.
- Tim nhịp nhanh
- Bụng: có thể thấy gan to do suy tim phải.
- Xét nghiệm khí máu: Thường CO2 cao, giai đoạn mạn thì PH thường giảm dưới 7.25.
- Điện giải: Hậu quả của tăng CO2 làm lợi tiểu hoặc hạn chế dịch.
- Tế bào máu ngoại vi: Chẩn đoán nhiễm trùng kèm theo.
- Chẩn đoán hình ảnh: X-quang phổi: ứ khí, xẹp phế nang, phế quản, xơ hóa, tổn thương viêm.
- Siêu âm thận: Canxi hóa trong trường hợp sử dụng lợi tiểu kéo dài.
- Siêu âm tim: Có thể có tăng áp động mạch phổi, suy tim phải.
4. Biến chứng khác liên quan, phối hợp thường gặp
- Tắc đường thở trên: Chấn thương khu vực vách mũi, họng, hầu mũi, khí quản, phế quản. Các bất thường hay gặp là mềm sụn nhuyễn, sụn phế quản.
- Tăng áp động mạch phổi: Đây là biến chứng thường gặp nhất với tỷ lệ 38%-43% xảy ra ở trẻ 2 tuổi bị loạn sản phế quản phổi. Đây là hậu quả của thiếu oxy kéo dài, co thắt mạch máu phổi.
- Tăng huyết áp hệ thống.
- Trào ngược dạ dày thực quản
5. Hậu quả của loạn sản phế quản phổi
Tỷ lệ tử vong do loạn sản phế quản phổi trong năm đầu lên tới 10-40%, nguyên nhân thường gặp do nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh còn có thể để lại di chứng lâu dài trên nhiều các cơ quan trong cơ thể như sau:
- Hệ hô hấp: Trẻ thường bị khó thở, khò khè, ngừng thở, ho,... Ước tính, tỷ lệ nhập viện cao gấp 5 lần/năm và sử dụng 2 kháng sinh nhiều hơn so với trẻ không mắc loạn sản phế quản phổi. Bệnh thường gây ra những đợt viêm phổi tái phát và hen phế quản trong 2 năm đầu đời, ảnh hưởng nhiều dung tích cuối thì thở ra trong giây đầu đến 8-15 tuổi.
- Hệ thần kinh: Bệnh loạn sản phế quản phổi còn khiến trẻ chậm phát triển tinh thần, vận động, rối loạn chuyển hóa kiềm toan do lợi tiểu kéo dài.
- Tiêu hóa: Bệnh loạn sản phế quản phổi khiến trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, thoát vị bẹn,...
Ngoài ra, bệnh còn khiến trẻ bị giảm hoặc mất thính lực, gây bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP), Calci thận, còi xương,...
Là một căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng nên trẻ sẽ được dự phòng bệnh bằng cách bơm surfactant sau sinh, thở CPAP, nuôi dưỡng năng lượng cao, điều trị ống động mạch, corticoid...Tuy nhiên, khi tỷ lệ trẻ sinh non được cứu nhiều hơn thì tỷ lệ trẻ xơ phổi tăng theo tuổi thai giảm dần.
6. Điều trị khi trẻ mắc loạn sản phế quản phổi ra viện
Khi trẻ được xuất viện các bậc cha mẹ cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp theo chỉ định của bác sĩ bằng cách:
- Hỗ trợ oxy tại nhà.
- Dùng thuốc giãn phế quản, lợi tiểu, các thuốc hỗ trợ theo chỉ định của bác sĩ
- Tiêm chủng đầy đủ vắc-xin, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh phơi nhiễm với khói thuốc.
Hiện nay, ghép tế bào gốc đang là phương pháp điều trị mới hiệu quả, giảm thiểu các biến chứng của các phương pháp cũ ( dùng thuốc lợi tiểu, corticoid). Tại Vinmec, bệnh viện duy nhất ở miền Bắc đã thực hiện được kỹ thuật này với tỷ lệ thành công đạt 80%.
Đây là kỹ thuật tiên tiến có thể điều trị dứt điểm xơ phổi nặng ở trẻ sinh non. Tế bào gốc ghép vào là các tế bào toàn năng, giúp cho phổi xơ hóa trưởng thành tốt, tăng thêm cơ hội cứu chữa và sống khỏe mạnh cho trẻ sinh non mắc biến chứng xơ phổi, giảm dần thời gian lệ thuộc máy, mau chóng trả lại cho trẻ một cuộc sống như bình thường.
Loạn sản phế quản phổi là những tổn thương phổi khó tránh khỏi ở trẻ sinh non nếu phải cần đến hô hấp hỗ trợ. Tuy vậy, nhờ vào những thành tựu y học, đặc biệt là kỹ thuật ghép tế bào gốc, căn bệnh này không còn là nỗi ám ảnh lâu dài. Hệ thống Y khoa Vinmec đã từng bước ứng dụng và thành công trong không chỉ nuôi dưỡng trẻ sinh non và còn bảo tồn được chức năng hô hấp cho trẻ.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phối
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.