Liệt vận động sau tai biến mạch máu não (Autosaved)

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Lê Thu Hương - Bác sĩ Phục hồi chức năng, Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Đặc điểm của liệt vận động trong bệnh lý này là liệt nửa người đối diện với vùng não bị tổn thương, bao gồm tay (chi trên), chân (chi dưới) và cơ thân mình. Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân thường có biểu hiện liệt mềm (tức là giảm trương lực cơ), sau khi chuyển sang giai đoạn hồi phục, liệt mềm sẽ chuyển thành liệt cứng, bệnh nhân sẽ có trương lực cơ tăng dần, có thể dẫn đến mẫu co cứng – gấp cứng chi trên, duỗi cứng chi dưới, gây đau và làm vận động càng khó khăn hơn.


Gấp cứng chi trên sau tai biến mạch máu não
Gấp cứng chi trên sau tai biến mạch máu não

1. Hậu quả của liệt vận động ở bệnh nhân tai biến

Liệt vận động không chỉ đơn thuần làm giảm hoặc mất khả năng vận động của người bệnh, nó còn kéo theo rất nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hồi phục của các đối tượng này, nổi bật như:

  • Bán trật khớp vai: 84% người bệnh bị đau và hạn chế vận động khớp vai sau tai biến mạch máu não bởi bán trật khớp vai, co cứng – cứng khớp vai, viêm quanh khớp vai. Trong đó bán trật khớp vai là tình trạng phổ biến nhất trong nhóm bệnh lý khớp vai ở bệnh nhân tai biến.

Bình thường, khớp vai có tầm vận động lớn hơn các khớp khác trên cơ thể, vì vậy để đảm bảo linh hoạt và ổn định của khớp, đòi hỏi có sự kết hợp tốt của hệ thống xương, dây chằng, và cơ. Khi bệnh nhân bị tai biến, đặc biệt là trong giai đoạn liệt mềm, các cơ vùng quanh khớp vai và hệ thống cơ chi trên bị yếu, kèm theo sức nặng của chi trên làm khớp vai bị lỏng lẻo và trật ra ngoài ổ khớp bán phần hay hoàn toàn, từ đó gây đau, hạn chế tầm vận động khớp và làm chậm hồi phục vận động tay.

Để phòng tránh bán trật khớp vai sau tai biến, người bệnh cần được đeo đai treo vai khi không ở tư thế nằm, và khi chăm sóc không được lôi, kéo tay bị liệt. Tại đơn vị phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ được đánh giá nguy cơ bán trật khớp, tập các bài vận động theo tầm vận động khớp, kèm theo là các phương pháp vật lý trị liệu để làm giảm đau khớp vai, tăng cường tuần hoàn cho vùng cơ quanh khớp, kích thích cơ vùng quanh khớp nhằm tăng cường sức mạnh cơ như biện pháp siêu âm khớp, điện xung kích thích cơ, điện xung giảm đau...

  • Viêm phổi: Tỷ lệ viêm phổi ở bệnh nhân tai biến có thể gặp từ 6-22%, thường liên quan đến vấn đề rối loạn nuốt, ăn sặc. Tuy nhiên ở các bệnh nhân liệt vận động, nằm lâu, cơ hô hấp yếu có thể dẫn đến viêm phổi hoặc làm viêm phổi nặng hơn, làm chậm thời gian hồi phục, tăng nguy cơ tử vong.
  • Huyết khối tĩnh mạch: Bình thường, hệ thống tĩnh mạch chi dưới muốn hoạt động tốt cần nhờ vào sự vận động các cơ ở chân, giúp đẩy máu trong hệ thống tĩnh mạch về tim được tốt hơn. Ở bệnh nhân bị liệt vận động, hoạt động này không được diễn ra một cách bình thường do cơ bị yếu hoặc mất vận động, làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông trong hệ thống tĩnh mạch, gây tắc mạch chi, từ đó dẫn đến phù chân, đau, hoặc có thể dẫn đến tắc mạch phổi và tử vong.

Đây là một biến chứng nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, để giảm nguy cơ tắc mạch và giảm nguy cơ tử vong do tắc mạch, tăng cường vận động bên liệt là một trong các yếu tố bắt buộc, ngay từ khi bệnh nhân còn trong giai đoạn cấp ở đơn vị cấp cứu.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị teo cơ, cứng khớp, loãng xương do liệt vận động sau tai biến mạch máu não. Các thương tật thứ cấp này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm chậm khả năng hồi phục của người bệnh, và tăng nguy cơ tàn tật ở người bị tai biến.

2. Phục hồi chức năng cho người liệt vận động sau tai biến mạch máu não

2.1 Vận động trị liệu

Là một chỉ định điều trị cần thiết nhất cho bệnh nhân liệt vận động từ những ngày đầu tiên sau tai biến khi còn ở các đơn vị hồi sức – cấp cứu để phòng ngừa các bệnh lý thứ phát do liệt có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng như viêm phổi, tắc mạch chi, tắc mạch phổi, làm rút ngắn thời gian điều trị và làm giảm các di chứng kèm theo.

Tùy vào mức độ liệt, loại liệt, khả năng phối hợp của người bệnh mà bệnh nhân được lên kế hoạch điều trị bằng các bài tập vận động khác nhau:

  • Tập vận động theo tầm vận động khớp: chủ động hoặc thụ động.
  • Tập mạnh cơ.
  • Tập dịch chuyển ở tư thế nằm, từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng, dịch chuyển sang xe lăn, dịch chuyển trong nhà vệ sinh.
  • Tập di chuyển: khi cơ thể người bệnh đảm bảo có thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển, bệnh nhân sẽ được tập đi và tập dáng đi với các bài tập đi có hỗ trợ của nẹp chân, gậy, khung tập đi, tập leo cầu thang, địa hình phức tạp...
  • Bài tập thăng bằng khi ngồi, khi đứng.
  • Các bài tập ức chế mẫu co cứng: vì bệnh nhân liệt sau giai đoạn cấp sẽ bắt đầu bị co cứng, khi bị nặng sẽ làm bệnh nhân có bàn chân thuổng gây khó khăn trong việc di chuyển và dễ ngã. Vì vậy các bài tập ức chế mẫu co cứng sẽ trợ giúp cho người bệnh giảm gồng cứng, vận động dễ hơn.

2.2 Hoạt động trị liệu

Trong khi vận động trị liệu chú ý đến vấn đề vận động ở chân, khả năng dịch chuyển, khả năng di chuyển và các vấn đề vận động toàn thân để hạn chế biến chứng, hoạt động trị liệu lại tập trung vào các vấn đề vận động ở tay, đặc biệt là khả năng vận động tinh tế của bàn tay và phục hồi khả năng độc lập trong sinh hoạt hàng ngày đối với bệnh nhân liệt.

Tại đơn vị hoạt động trị liệu, bệnh nhân sẽ được tập các bài tập ức chế co cứng chi trên, bài tập cầm nắm với các vật từ to đến nhỏ, từ nhẹ đến nặng, bài tập kích thích cảm giác.

Tập các chức năng sinh hoạt hàng ngày: tập mặc quần áo, tập vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt, chải đầu...), tập sử dụng đũa – thìa – dĩa, tập nấu bếp, tập sử dụng nhà vệ sinh...


Hình ảnh thìa trợ giúp cho bệnh nhân liệt
Hình ảnh thìa trợ giúp cho bệnh nhân liệt

2.3 Vật lý trị liệu

Điện trị liệu, nhiệt trị liệu và thủy trị liệu trong nhóm vật lý trị liệu đều rất có giá trị đối với bệnh nhân liệt nhằm giảm đau thần kinh, giảm đau khớp, tăng cường sức mạnh cơ, hạn chế biến chứng do liệt.

3. Phục hồi chức năng tại nhà

Các bệnh nhân có thể tập các phương pháp vận động trị liệu và hoạt động trị liệu tại nhà với sự hướng dẫn của kỹ thuật viên hoặc với sự trợ giúp, giám sát của người giám hộ.

Một số lưu ý trước khi tiến hành phục hồi chức năng tại nhà:

  • Cần được đánh giá tổng quát toàn trạng và tình trạng liệt một cách kỹ lưỡng bởi các bác sĩ có chuyên môn. Vì bệnh nhân tai biến có nhiều vấn đề sức khỏe phức tạp kèm theo như các bệnh lý tim mạch, rối loạn nhận thức, và nhiều di chứng, đặc biệt nguy hiểm trong lúc tập như cứng khớp, loãng xương, tắc mạch chi... nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như gãy xương, tắc mạch phổi...
  • Cần được hướng dẫn các bài tập cụ thể bởi nhân viên y tế có chuyên môn: các bài tập vận động trị liệu và hoạt động trị liệu thường xuyên phải thay đổi theo lộ trình để phù hợp với mức độ vận động và thể trạng của bệnh nhân. Vì vậy bệnh nhân và người tập hoặc người giám sát phải thường xuyên được cập nhật và hướng dẫn chi tiết
  • Cần người giám sát, trợ giúp trong quá trình tập: do hạn chế về khả năng vận động vì yếu cơ, co cứng cơ, rối loạn thăng bằng, điều hợp, ngoài ra có thể kèm theo chứng rối loạn nhận thức, lãng quên bên liệt, rối loạn thị lực... bệnh nhân tai biến rất dễ ngã kể cả trong lúc tập vận động hay trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, bệnh nhân cần người giám sát và trợ giúp trong suốt quá trình tập phục hồi chức năng tại nhà.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe