Bị trật khớp vai khi ngủ xảy ra như thế nào và nguy hiểm ra sao là các thông tin quan trọng cần biết, để mọi người có thể sớm khắc phục tình trạng này trước khi dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng hơn. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho khớp vai bị trật, trong đó nằm ngủ sai tư thế thường là lý do phổ biến nhất.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tình trạng trật khớp vai trong lúc ngủ
Chấn thương khớp vai là một tình trạng cực kỳ phổ biến và có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào dù là nam hay nữ, với khoảng 60% trường hợp là người trưởng thành. Chấn thương khớp vai là tình trạng hai mặt khớp chỏm xương cánh tay bị lệch khỏi vị trí ban đầu, có thể lệch về trước, về sau hoặc xuống dưới.
Đa phần trường hợp chấn thương làm vai trật khớp là do bị tai nạn, khiếm khuyết khớp vai, lỏng dây chằng hoặc té ngã,... Bị trật khớp vai khi ngủ cũng là một trường hợp phổ biến, do có rất nhiều người ngủ sai tư thế mà không hề hay biết.
2. Những dấu hiệu của việc trật khớp vai trong lúc ngủ
Nếu sau khi ngủ dậy, mọi người cảm thấy phần khớp vai bị đau thì có khả năng bản thân đã bị trật khớp vai khi ngủ. Bên cạnh đó, mọi người có thể gặp phải tình trạng khó cử động khớp do khớp đã trật ra khỏi vị trí ban đầu, nếu cố di chuyển sang hướng khác, tay sẽ bị bật về vị trí cũ và gây đau nhiều hơn.
Khi sờ vào vai, người bị trật khớp có thể cảm thấy hõm khớp rỗng, cánh tay bị xoay ra ngoài khoảng 40 độ. Với những trường hợp gãy xương bả vai kèm theo trật khớp, người bị chấn thương thường sẽ mất khả năng vận động do dây thần kinh cảm giác bị tê liệt.
Khi có những dấu hiệu này người bị trật khớp cần đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế sớm nhất có thể để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng vận động xương khớp về lâu dài.
3. Nguyên nhân dẫn đến việc bị trật khớp vai khi ngủ
Tình trạng trật khớp vai trong lúc ngủ phần lớn là do thói quen nằm ngủ sai tư thế, nằm nghiêng hoặc co quắp lại trong lúc ngủ. Ngoài ra việc ngồi làm việc nhiều giờ trước máy tính bị sai tư thế hoặc sử dụng bàn ghế không đúng kích cỡ cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe khớp vai.
Tắm vào ban đêm cũng là một nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng khớp vai bị trật, vì cơ thể có khả năng nhiễm lạnh đột ngột, dẫn tới suy giảm oxy cung cấp cho các tế bào cơ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho hệ tuần hoàn bị suy yếu, sau đó dẫn đến thiếu máu cục bộ, gây ra những cơn đau vai gáy và viêm khớp vai rất khó chịu.
Ngoài ra, trật khớp vai khi ngủ cũng có khả năng bắt nguồn từ những bệnh lý liên quan đến xương khớp như viêm bao hoạt dịch, viêm gân của cơ bám vào khớp vai, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ, đau thần kinh vai gáy, viêm khớp nhiễm trùng,…
4. Chẩn đoán và điều trị tình trạng trật khớp vai
Một số biện pháp chẩn đoán phổ biến thường áp dụng có thể kể đến như:
- Chụp X-Quang để xác định mức độ trật khớp.
- Bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp CT để tăng thêm độ chính xác của việc chẩn đoán nếu như kèm theo gãy xương vai.
Trường hợp không bị gãy xương đa số sẽ được điều trị bằng cách cố định lại vai, nắn khớp hoặc sử dụng thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau.
5. Những biến chứng có thể gặp phải khi bị trật khớp vai
Bị trật khớp vai khi ngủ không phải là một tình trạng quá nguy hiểm và có thể cải thiện sau vài tuần nếu được điều trị đúng lúc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chấn thương này không dẫn đến biến chứng.
Khoảng 1% trường hợp sau khi trật khớp vai sẽ gặp biến chứng ảnh hưởng tới động mạch ở nách, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tắc động mạch. Ngoài ra, như đã nói, trật khớp vai thường có thể kéo theo tình trạng gãy xương vai, người bị chấn thương cần được điều trị sớm để tránh hệ quả lâu dài.
Một biến chứng khác của tình trạng bị trật khớp vai khi ngủ là dây thần kinh xung quanh vai bị tổn thương, đặc biệt là dây thần kinh mũ. Điều này dẫn đến việc người bị trật khớp có khả năng mất cảm giác nhóm cơ Delta, nếu nặng hơn hoàn toàn có thể liệt cả phần đám rối thần kinh cánh tay.
Chính vì thế, sau khi ngủ dậy cảm thấy khớp vai đau nhói, mọi người không nên chủ quan mà hãy đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được kiểm tra, điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.