Lấy dị vật phế quản qua ống nội soi cứng là phương pháp lấy dị vật ra khỏi khí phế quản hiệu quả. Phương pháp này được thực hiện bởi những chuyên gia có kinh nghiệm về soi phế quản ống cứng.
1.Lấy dị vật phế quản
Lấy dị vật phế quản qua ống nội soi cứng là một phương pháp lấy dị vật ra khỏi khí phế quản hiệu quả. Để thực hiện được phương pháp này, người bệnh cần được gây mê toàn thân và được thực hiện bởi những chuyên gia có kinh nghiệm về nội soi phế quản ống cứng.
Nội soi ống cứng thường được sử dụng để lấy các dị vật trong đường hô hấp. Ống soi cứng cũng cho phép bảo vệ đường dẫn khí, kiểm soát dị vật nên thích hợp cho việc phục hồi đường thở khi hít phải dị vật. Trong trường hợp mất máu nhiều do xuất huyết đường thở, kỹ thuật nội soi ống cứng cho phép thực hiện đốt điện giúp kiểm soát chảy máu nhờ lòng ống rộng.
2.Chỉ định và chống chỉ định
2.1 Chỉ định
Lấy dị vật phế quản qua ống soi cứng được chỉ định trong những trường hợp:
- Dị vật lớn ở khí phế quản
- Dị vật khí phế quản có nguy cơ chảy máu nhiều
- Thất bại khi lấy dị vật bằng soi phế quản ống mềm
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định lấy dị vật phế quản bằng ống soi cứng với những trường hợp:
- Cột sống cổ không ổn định: viêm khớp, dị dạng, cột sống cổ được cố định
- Suy hô hấp nặng
- Đau thắt ngực không ổn định
- Rối loạn nhịp tim nặng
- Nhồi máu cơ tim
3.Cách lấy dị vật phế quản qua ống soi cứng
3.1 Chuẩn bị
Người thực hiện kỹ thuật lấy dị vật phế quản qua ống nội soi cứng là một bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa hô hấp đã được đào tạo về soi phế quản. Ngoài ra nhân viên y tế còn phải chuẩn bị một số thiết bị phụ vụ cho quá trình nội soi như:
- Hệ thống nội soi phế quản: ống nội soi, nguồn sáng, kìm sinh thiết,...
- Thuốc: atropin 1⁄4 mg, lidocan 2%, adrenalin 1mg, salbutamol 0,5mg, methylprednisolon 40mg, ventolin 5mg, seduxen 10mg, midazolam 5mg, adalat 10mg, furosemide 20mg, glucose 5%, natriclorua 0,9%.
- Dụng cụ: bơm tiêm, kim tiêm, bông, băng dính, dây truyền dịch, ống đựng bệnh phẩm, bình đựng dịch, găng vô trùng, gạc vô trùng, găng sạch, áo mổ, máy hút, ống dẫn oxy, mặt nạ oxy, bóng ambu, máy hút, mask khí dung, lam kính, dung dịch cố định bệnh phẩm.
- Dụng cụ lấy dị vật: kìm gặp chuyên dụng, giỏ, snare, sonde đốt điện cầm máu.
Đối với người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích về mục đích và những biến chứng có thể xảy ra, và sau đó ký cam kết chấp nhận nội soi phế quản ống cứng. Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi soi 4 tiếng. Người bệnh phải được soi phế quản ống mềm trước để xác định vị trí, hình dạng của dị vật, tổ chức viêm xung quanh và phía dưới của dị vật. Trường hợp tổ chức viêm xung quanh dị vật nhiều cần điều trị kháng sinh, corticoid đường toàn thân trong thời gian 7 – 10 ngày trước, sau đó soi lại phế quản bằng ống soi mềm để đánh giá mức độ viêm.
3.2 Các bước tiến hành
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa và gây mê. Cần đảm bảo độ bão hòa oxy máu tốt.
- Đầu người bệnh để ngửa tối đa để khoảng miệng - họng - dây thanh âm - khí quản tạo thành đường thẳng.
- Cầm ống nội noi bằng tay phải, chiều vát quay xuống dưới.
- Ngón 2,3 và 4 tay trái giữ chắc hàm trên khi đưa ống nội soi vào. Đặt ống nội soi tạo thành góc 900 với mặt người bệnh, sau đó đưa ống nội soi vào.
- Khi thấy nắp thanh thiệt, hạ dần ống soi xuống đường trục miệng - họng - dây thanh âm - khí quản.
- Quan sát nắp thanh thiệt, xoang lê, hai dây thanh.
- Xoay nghiêng ống soi 90 độ và lách ống soi vào giữa hai dây thanh khi hai dây thanh mở.
- Tiếp tục đưa ống soi xuống khí quản, phế quản và quan sát.
- Khi đưa ống soi vào phế quản bên trái cần quay đầu người bệnh sang phải và ngược lại.
- Khi nhìn thấy dị vật, đánh giá:
- Hình dạng dị vật.
- Tổ chức viêm bám xung quanh dị vật.
- Nguy cơ chảy máu: mức độ tăng sinh mạch của tổ chức, thử kéo nhẹ dị vật xem có chảy máu không.
- Trường hợp nhiều tổ chức viêm bám chặt dị vật cần đốt điện đông để giải phóng dị vật.
- Lựa chọn dụng cụ thích hợp để gắp dị vật.
- Dị vật có góc, cạnh: dùng kìm gắp hoặc snare để cố định dị vật và đưa dị vật ra ngoài.
- Dị vật tròn, nhẵn: đưa giỏ đến sát dị vật, lách xuống phía dưới và mở giỏ để đưa dị vật vào trong giỏ, từ từ đưa giỏ ra ngoài.
- Dùng ống hút mềm đưa qua ống soi để hút hết dịch, máu.
- Trường hợp chảy máu nhiều tại vị trí dị vật có thể đốt điện cầm máu.
- Rút ống nội soi.
- Tiếp tục thông khí cho người bệnh.
3.3 Theo dõi và xử trí tai biến
Sau khi lấy dị vật phế quản qua ống soi cứng, bệnh nhân cần được theo dõi dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhiệt độ, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) và điện tim.
Ngoài ra một số biến chứng có thể gặp như:
- Giảm oxy máu
- Co thắt thanh quản, khí phế quản.
- Phù nề thanh quản.
- Rối loạn nhịp tim, huyết động không ổn định.
- Vỡ thực quản hoặc khí quản.
- Chấn thương thanh quản.
- Gẫy răng
Tóm lại, lấy dị vật phế quản qua ống nội soi cứng là một phương pháp lấy dị vật ra khỏi khí phế quản hiệu quả. Tuy nhiên, trong và sau khi lấy dị vật, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng, do đó cần được theo dõi. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.