Lấy cao răng xong có phải kiêng gì không?

Lấy cao răng là một kỹ thuật nha khoa giúp loại bỏ mảng bám thức ăn sau quá trình tích tụ và hóa cứng trên răng. Sau khi lấy cao răng, men răng trở nên nhạy cảm, do đó cần có chế độ chăm sóc, ăn uống phù hợp.

1. Cao răng là gì?

Cao răng hay còn được gọi là vôi răng là những mảng bám được tích tụ và bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm. Cao răng có thể là những mảnh vụn thức ăn hay các chất khoáng trong miệng,... Lâu dần nó trở nên cứng và bám chặt vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi.

Cao răng có hai loại là cao răng thường và cao răng huyết thanh. Cao răng thường sẽ có màu trắng đục hoặc vàng nhạt. Sau một thời gian bám trên bề mặt răng và nướu thì cao răng sẽ gây ra bệnh viêm nướu. Nếu không được xử lý sẽ gây ra tình trạng chảy máu nướu, máu sẽ ngấm vào mảng cao răng đó và chuyển sang màu nâu đỏ được gọi là cao răng huyết thanh.

Cao răng tích tụ lâu ngày sẽ dày lên, gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng như:

  • Hơi thở có mùi hôi
  • Chảy máu chân răng, ê buốt khi ăn uống
  • Tụt nướu làm lộ chân răng
  • Tác nhân gây ra các bệnh như: Viêm nha chu, viêm nướu, viêm niêm mạch miệng, viêm họng, tiêu xương ổ răng, viêm tủy răng,... Thậm chí khiến răng bị lung lay và rụng răng.

Do đó, việc lấy cao răng là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo có một hàm răng chắc khỏe và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe răng miệng có thể xảy ra do cao răng gây nên.


Cao răng hay còn được gọi là vôi răng là những mảng bám được tích tụ và bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm
Cao răng hay còn được gọi là vôi răng là những mảng bám được tích tụ và bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm

2. Lấy cao răng xong có phải ăn kiêng gì không?

Lấy cao răng là một kỹ thuật nha khoa giúp loại bỏ mảng bám thức ăn sau quá trình tích tụ, hóa cứng trên răng. Lấy cao răng xong vẫn có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên sau khi lấy cao răng, men răng yếu đi, răng dễ bị mảng bám nhanh hơn và tạo cảm giác ê buốt. Do đó, cần phải chăm sóc răng đúng cách và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Một số thực phẩm nên sử dụng khi lấy cao răng bao gồm:

  • Uống nhiều nước lọc, đồ uống trong suốt
  • Tăng cường chất xơ: Các loại rau củ quả chứa nhiều chất xơ có khả năng giúp răng miệng chắc khỏe hơn như: súp lơ, rau cải, rau diếp, dưa chuột, cà rốt,...
  • Sử dụng sữa tươi và các chế phẩm từ sữa: sữa tươi cũng như chế phẩm từ sữa có thể ngăn ngừa mảng bám. Ngoài ra, trong sữa có chứa nhiều canxi giúp tăng quá trình tái tạo men răng.
  • Cung cấp vitamin: Sử dụng các loại hoa quả, trái cây như táo, chuối, cam,... giúp cung cấp lượng lớn vitamin giúp răng chắc khỏe và ngăn ngừa hình thành cao răng.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh răng miệng cũng hết sức quan trọng:

  • Đánh răng đều đặn 2 lần/ ngày: Làm sạch răng vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ
  • Chải răng đúng cách: Chải răng từ trên xuống dưới, chải theo hình tròn. Không nên chải răng theo chiều ngang, vì không có tác dụng làm sạch kẽ răng mà còn làm mòn chân răng. Mỗi lần đánh răng chỉ nên đánh trong khoảng 2 phút, tránh việc đánh quá lâu sẽ gây ảnh hưởng đến men răng.
  • Sử dụng bàn chải lông mềm: Bàn chải lông mềm và kích thước vừa phải sẽ giúp dễ dàng tiếp cận được các vị trí của khoang miệng. Do vậy răng sẽ được làm sạch sâu, đặc biệt là răng hàm, những răng nằm sâu bên trong miệng.
  • Dùng chỉ nha khoa: Sử dụng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn sẽ làm sạch kẽ răng và tránh được việc đánh răng nhiều lần trong ngày gây hại men răng.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh khoang miệng: Cùng với việc dùng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước muối sinh lý sẽ giúp khoang miệng luôn trong trạng thái sạch sẽ.
  • Đến cơ sở nha khoa thăm khám định kỳ 3-6 tháng để xác định cụ thể tình trạng răng miệng

Súc miệng bằng nước muối sinh lý sẽ giúp khoang miệng luôn trong trạng thái sạch sẽ
Súc miệng bằng nước muối sinh lý sẽ giúp khoang miệng luôn trong trạng thái sạch sẽ

Việc lấy cao răng thường xuyên cũng không tốt, có thể ảnh hưởng xấu đến nướu và chân răng gây ra hiện tượng răng ê buốt. Hiện tượng đau nhức khi lấy cao răng có thể do kỹ thuật lấy cao răng không tốt, xâm lấy đến răng hoặc do cấu trúc răng, nên răng bị yếu nên dễ chịu tác động từ bên ngoài.

3. Một số lưu ý nên tránh sau khi lấy cao răng

Để răng được chắc khỏe, tránh tình trạng răng ê buốt, sau khi lấy cao răng cần lưu ý:

  • Không hút thuốc lá: việc hút thuốc lá sau khi lấy cao răng sẽ khiến răng ố vàng và xỉn màu. Lúc này, men răng mới bị bào mòn và dễ bị ám màu nhất.
  • Không tẩy trắng răng: Sau khi lấy cao răng, men răng và nướu chưa ổn định, tuyệt đối không được tẩy trắng răng vì sẽ khiến răng ê buốt và gây kích ứng răng nướu.
  • Tránh các thực phẩm chứa nhiều đường, chất ngọt như: Bánh kẹo, chocolate,... Vì thực phẩm này là tác nhân chính gây tình trạng sâu răng và viêm nhiễm nướu.
  • Tránh sử dụng đồ uống có ga, có cồn và các loại nước có màu: Vì dễ làm ố răng
  • Không ăn thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh, quá cay: làm cho răng nhạy cảm gây ra tình trạng ê buốt. Thậm chí có thể gây sứt mẻ răng, tụt lợi và chết tủy.

Việc hút thuốc lá sau khi lấy cao răng sẽ khiến răng ố vàng và xỉn màu
Việc hút thuốc lá sau khi lấy cao răng sẽ khiến răng ố vàng và xỉn màu

Tóm lại, cao răng là những mảng bám được tích tụ và bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm,... Lấy cao răng là một kỹ thuật nha khoa giúp loại bỏ mảng bám thức ăn sau quá trình tích tụ, hóa cứng trên răng.

Sau khi lấy cao răng, men răng yếu đi, răng dễ bị mảng bám nhanh hơn và tạo cảm giác ê buốt. Do đó, cần phải chăm sóc răng đúng cách và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, cần thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các vấn đề của răng miệng và có biện pháp xử trí phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe