Nếu bạn đã điều trị ung thư phổi thành công và hiện không có dấu hiệu tế bào ung thư trong cơ thể, đó là lý do để ăn mừng. Nhưng không dễ để gạt bỏ lo lắng về việc ung thư có thể quay trở lại. Không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ không tái phát ung thư. Nhiều điều phụ thuộc vào loại ung thư phổi và giai đoạn bạn được chẩn đoán. Tuy nhiên, bạn có thể làm một số điều để giảm nguy cơ và duy trì sức khỏe tốt nhất có thể.
Ngừng hút thuốc để tránh tái phát ung thư phổi
Hút thuốc lá ở bất kỳ hình thức nào đều là điều không được phép. Nó làm tăng nguy cơ ung thư phổi tái phát. Hút thuốc cũng khiến bạn dễ mắc các loại ung thư khác. Nếu bạn không ngừng, cơ thể có thể phản ứng kém với các phương pháp điều trị ung thư và tác dụng phụ có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu bạn đã từng xạ trị, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, ống cơ nối cổ họng với dạ dày.
Đối với những người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), chiếm khoảng 80%-85% các trường hợp, hút thuốc làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ khối u tái phát và gần gấp đôi nguy cơ xuất hiện khối u mới.
Bạn có thể tham khảo các mẹo bỏ thuốc sau:
- Không làm một mình. Tìm một nhóm hỗ trợ.
- Kiểm soát căng thẳng, vì đó là tác nhân phổ biến dẫn đến hút thuốc.
- Hỏi bác sĩ về các loại thuốc có thể giúp kiểm soát cơn thèm thuốc.
- Đặt mốc thời gian và mục tiêu nhỏ, dễ đạt được.
- Tránh xa những người hút thuốc. Khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
Hạn chế tiếp xúc với các chất gây ung thư phổi trong môi trường
Một số hóa chất và chất gây ung thư trong môi trường có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi tái phát. Cố gắng tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với các chất này, đặc biệt tại nhà hoặc nơi làm việc.
- Radon: Một loại khí tự nhiên không màu, không mùi và không vị, là nguyên nhân gây khoảng 20.000 ca ung thư phổi mỗi năm ở Mỹ, chỉ đứng sau hút thuốc.
- Để tránh tiếp xúc, EPA khuyến nghị bạn kiểm tra nhà ở và nơi làm việc. Có thể tự kiểm tra bằng bộ dụng cụ hoặc thuê chuyên gia.
- Amiăng: Dù không còn được sử dụng trong xây dựng, nhưng vẫn có trong các tòa nhà cũ, gây ra u trung biểu mô, một loại ung thư phổi.
- Các công việc như xây dựng, đóng tàu, sản xuất, và cứu hỏa có thể khiến bạn tiếp xúc với amiăng và các chất độc hại khác.
Các chất gây ung thư khác bao gồm:
- Asen (thường có trong nước giếng)
- Niken
- Crom
- Nhựa đường
- Khói đen diesel
- Một số dạng silica
Nếu bạn từng tiếp xúc hoặc tiếp xúc lâu dài với các chất này, hãy thông báo cho bác sĩ.
Ăn uống lành mạnh để tránh tái phát ung thư phổi
Mặc dù chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa chế độ ăn uống và ung thư phổi tái phát, việc ăn uống cân đối và giàu dinh dưỡng có thể giảm nguy cơ ung thư và giúp bạn hồi phục tốt hơn sau điều trị.
Các mẹo ăn uống lành mạnh bao gồm:
- Ăn nhiều rau củ quả tươi hàng ngày, bao gồm rau lá xanh.
- Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
- Giảm hoặc tránh thịt đỏ như cừu, lợn, và bò.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.
- Tránh rượu bia. Nếu uống, hạn chế một ly mỗi ngày cho nữ, hai ly cho nam.
Nếu bạn gặp khó khăn với cảm giác thèm ăn hoặc vị giác, hãy thử ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn. Chế độ ăn uống tốt có thể giúp duy trì cân nặng hợp lý hoặc tăng cân nếu cần. Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch ăn uống phù hợp.
Lưu ý rằng trước khi bổ sung vitamin hoặc khoáng chất, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Một số nghiên cứu cho thấy các vitamin như beta-carotene, B6, và B12 có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt nếu bạn hút thuốc.
Tăng cường vận động để tránh tái phát ung thư phổi
Điều trị ung thư phổi có thể khiến bạn mệt mỏi và khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể giúp quản lý các triệu chứng sau điều trị và giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc mắc một loại ung thư khác.
Sau đây là những lời khuyên:
- Bắt đầu bằng những bước đi ngắn, từ 5-10 phút mỗi lần, vài lần một ngày.
- Thực hiện các bài tập thở sâu, giữ vai thẳng và cằm cao.
- Tập giãn cơ, khởi động, và làm nguội trước và sau khi tập luyện.
- Sau một thời gian, tham khảo bác sĩ về việc tập tạ để cải thiện sức mạnh cơ và mật độ xương.
Đặt lịch hẹn với bác sĩ ung thư phổi
Điều quan trọng là phải tái khám và sàng lọc thường xuyên. Điều này giúp phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư phổi tái phát, ung thư thứ hai, hoặc bệnh lý mới.
Trong 2-3 năm đầu sau điều trị, bạn có thể cần chụp CT và xét nghiệm máu mỗi 3 tháng. Sau đó, có thể giảm xuống 1-2 lần mỗi năm.
Mẹo giảm căng thẳng trước các lần kiểm tra:
- Nói chuyện với bác sĩ về các mối lo ngại hoặc tác dụng phụ.
- Tham khảo ý kiến nhà trị liệu để quản lý căng thẳng.
- Tham gia nhóm hỗ trợ cho những người sống sót sau ung thư phổi.
Chú ý theo dõi cơ thể, Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd