Suy nghĩ nhiều phải làm sao? Cuộc sống ngày càng bộn bề và áp lực khiến nhiều người rơi vào tình trạng mệt mỏi vì suy nghĩ quá nhiều. Thật may là tình trạng này có thể giải quyết được nếu bạn kiên trì thực hiện các biện pháp dưới đây.
1. Xem lại cách phản ứng với vấn đề
Nhận thức là chìa khóa để thay đổi suy nghĩ. Vậy nên, mỗi lần bị suy nghĩ quá nhiều, bạn nên học cách phản hồi lại những suy nghĩ đó. Ví dụ như việc suy nghĩ quá nhiều ảnh hưởng như thế nào đến tâm trạng (cáu kỉnh, lo lắng, hay tội lỗi, v.v), cảm xúc gì đằng sau suy nghĩ của bạn.
2. Chuyển dòng suy nghĩ
Ngừng suy nghĩ quá nhiều bằng cách chuyển sang thực hiện một hoạt động mà bạn yêu thích. Ví dụ như học cách nấu một món ăn mới, tập yoga, vẽ tranh, tham gia tình nguyện.
Việc thực hiện các công việc yêu thích trong lúc tâm trạng bất ổn có thể trở nên khó khăn. Nếu cảm thấy mất tập trung và nản lòng, hãy dành một khoảng thời gian nhỏ khoảng 30 phút để tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn suy nghĩ không ngừng.
XEM THÊM: Hướng dẫn cách suy nghĩ tích cực qua mỗi ngày
3. Hít thở sâu
Hít thở sâu có thể giúp tâm trạng trở nên nhẹ nhàng hơn. Để đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên tìm cho mình một nơi thoải mái để ngồi, thư giãn cổ và vai, đặt một tay lên tim, tay kia đặt ngang bụng, hít vào và thở ra bằng mũi. Trong khi thực hiện động tác, hãy chú ý chuyển động của ngực và bụng. Thực hiện trong 5 phút và lặp lại 3 lần/ngày.
4. Thiền định
Thiền đã được chứng minh giúp ích trong việc giải tỏa tâm lý lo lắng bằng cách hướng sự chú ý vào nội tâm. Để bắt đầu đúng cách, bạn có thể chọn tham gia một lớp học thiền hoặc tìm các video hướng dẫn và thực hiện theo. Chỉ trong vòng 5 phút ngồi thiền trong một không gian yên tĩnh là tình trạng mệt mỏi vì suy nghĩ quá nhiều có thể được xua tan.
5. Nhìn vào bức tranh tổng thể
Khi một vấn đề gây suy nghĩ quá nhiều cho bạn, hãy nghĩ rằng vấn đề này có ảnh hưởng đến công việc của mình trong 5 hay 10 năm sao không? Liệu có ai thực sự quan tâm đến vấn đề mà bạn đang lưu tâm không? Đừng để các vấn đề nhỏ quẩn quanh trong suy nghĩ của bạn.
6. Giúp đỡ người khác
Làm cho người khác trở nên vui vẻ, hạnh phúc là một cách để ngăn những dòng suy nghĩ tiêu cực lấn át. Hãy tìm cách giúp đỡ những người xung quanh mình, ví dụ như mua đồ ăn cho người hàng xóm bị ốm, chăm sóc con cái, xách đồ vật nặng hoặc nhường ghế cho người già, v.v.
7. Nhận ra các suy nghĩ tiêu cực tự động
Nếu bạn có biểu hiện suy nghĩ tiêu cực khi đối mặt với một tình huống nào đó gây sợ hãi, tức giận thì cần nhận ra sớm để tìm cách giải quyết. Nhận biết và giải quyết điều này bằng cách:
- Ghi chép các vấn đề gây lo lắng và những suy nghĩ tại thời điểm đó
- Xác định lý do tại sao tình huống lại gây ra những suy nghĩ tiêu cực
- Chia nhỏ những cảm xúc và xác định những gì bạn đang suy nghĩ về tình huống
- Tìm giải pháp thay đổi dòng cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, thay vì nghĩ “đây thực sự là một thất bại nặng nề” thì chuyển sang “tôi thực sự đã cố gắng hết mình”.
XEM THÊM: Suy nghĩ tích cực là gì và làm thế nào để có?
8. Ghi lại các vấn đề gặp phải
Nếu bạn đang phải suy nghĩ quá nhiều về vấn đề chi tiêu, hãy dừng lại và lấy sổ tay ghi lại 5 điều xảy ra trong tuần hoặc tháng tạo ra những rắc rối ở hiện tại. Khi nhìn lại những gì đã ghi chép, có thể bạn sẽ ngạc nhiên về chi phí của các thứ nhỏ nhặt này cộng lại.
9. Dành thời gian tĩnh tâm
Nếu chưa sẵn sàng để tập thiền định thì vẫn còn một số cách sau có thể áp dụng cho bạn:
- Tắt máy tính hoặc điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày và dành thời gian đó cho một hoạt động duy nhất.
- Hãy chiêu đãi bản thân một trong những bữa ăn yêu thích. Cố gắng tìm thấy niềm vui trong từng miếng ăn và thực sự tập trung vào vị, mùi và cảm giác của thức ăn trong miệng bạn.
- Đi dạo bên ngoài, ngay cả khi chỉ là một vòng quanh khu nhà. Quan sát những gì bạn nhìn thấy trên đường đi, lưu ý bất kỳ mùi nào thoảng qua hoặc âm thanh bạn nghe thấy.
10. Nghĩ theo cách khác đi
Cách suy nghĩ của bạn chịu tác động bởi các yếu tố kinh nghiệm và giá trị sống. Đôi khi, việc suy nghĩ theo một quan điểm khác có thể giúp bạn vượt qua tình trạng suy nghĩ quá nhiều.
Ghi chép lại một số suy nghĩ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và tìm các lý do phản biện lại nó. Ví dụ, bạn bị căng thẳng về chuyến đi sắp tới vì nghĩ rằng sẽ gặp điều không may. Tuy nhiên, điều đó có thực sự xảy ra? Bạn có bằng chứng nào cho thấy điều đó?
11. Hành động
Đôi khi các suy nghĩ tiêu cực cứ lặp đi lặp lại vì bạn không thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào để giải quyết nó. Nếu không thể ngừng suy nghĩ về người khiến bạn ghen tị, thay vì để nó làm hỏng một ngày của bạn, hãy hành động bằng cách ghi chép lại các biện pháp đối phó. Điều này sẽ giúp bạn thoát khỏi tâm trí và chuyển nguồn năng lượng để hành động.
12. Buông bỏ lỗi lầm
Việc không thể buông bỏ những sai lầm trong quá khứ có thể khiến bạn suy nghĩ nhiều. Vì vậy, hãy tập tha thứ cho bản thân thông qua cách sau:
- Ghi lại suy nghĩ gây căng thẳng
- Chú ý đến những cảm xúc và phản ứng cơ thể nảy sinh
- Thừa nhận rằng cảm xúc hiện tại là đúng với bạn
- Nói với bản thân bằng một cụm từ, chẳng hạn như "tôi có thể chấp nhận bản thân mình như hiện tại" hoặc "tôi ổn"
13. Chấp nhận cảm xúc
Hãy học cách chấp nhận những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát có thể giúp hạn chế bị suy nghĩ quá mức. Hãy tìm kiếm những cơ hội nhỏ để bạn có thể đương đầu với những tình huống gây lo lắng như bênh vực một đồng nghiệp bị hách dịch hoặc thực hiện một chuyến du dịch mà bạn hằng mơ ước.
14. Gặp bác sĩ
Nếu không thể tự mình vượt qua được cảm xúc tiêu cực, hãy đến gặp một chuyên gia tâm lý để được tư vấn các công cụ mới giúp thay đổi cách suy nghĩ của bạn.
Suy nghĩ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, lâu dần sẽ hình thành những cảm xúc tâm lý tiêu cực. Vì thế, nếu suy nghĩ quá nhiều hãy áp dụng những cách trên để có tâm hồn thư thái, suy nghĩ tích cực.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com