Hành lý cảm xúc là thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng người nào đó phải mang theo một khối lượng lớn cảm xúc tiêu cực đến từ những tổn thương trong quá khứ, căng thẳng trong cuộc sống,... Việc giải phóng cảm xúc lúc này vô cùng cần thiết để hạn chế các biến chứng nguy hiểm liên quan đến thần kinh.
1. Thế nào là giải phóng cảm xúc?
Không hiếm gặp các trường hợp ai đó khóc khi thực hiện nghiêm túc một bài tập yoga, châm cứu hay massage, đây là một biểu hiện của giải tỏa cảm xúc. Theo các chuyên gia, cảm xúc liên tục được tạo ra trong tiềm thức hoặc ý thức nhằm đáp ứng lại việc kích hoạt ký ức cũng như các mục tiêu chưa đạt được. Mỗi cảm xúc sẽ được giải phóng theo cách riêng thông qua biểu hiện hành vi thể chất.
Ví dụ, khi bạn quá hạnh phúc hoặc quá đau khổ, bạn có thể khóc. Khi sợ hãi, cơ thể cũng sẽ có những phản ứng vật lý nhất định. Tuy nhiên, khi những cảm xúc này không thể được phát triển thành biểu hiện vật lý, người ta gọi đó là sự mắc kẹt cảm xúc.
Những cảm xúc mắc kẹt này sẽ ứ đọng lại thành một “túi đầy” gây ra các áp lực nặng nề đối với hệ thống thần kinh. Do đó, nếu bạn không có giải pháp giải tỏa tinh thần kịp thời, chúng sẽ gây ra các bệnh tâm thần nguy hiểm, đặc biệt là trầm cảm.
2. Những cảm xúc nào dễ bị mắc kẹt?
Cảm xúc được phân loại thành 5 nhóm chính:
- Tiêu cực: Xấu hổ, căng thẳng, tức giận.
- Tích cực: Tình yêu, niềm tự hào, hạnh phúc.
- Nhận thức: Liên quan đến vấn đề chú ý và nhận thức.
- Bệnh tâm lý, trạng thái soma.
- Trạng thái cân bằng cảm xúc thông qua sự điều chỉnh nội môi.
Mỗi cảm xúc đều có những khu vực lưu trữ riêng trong cơ thể như:
- Hạnh phúc được lưu trữ trên toàn bộ cơ thể, điều này giải thích vì sao mỗi khi có tin vui, chúng ta thường có xu hướng biểu hiện ra bên ngoài bằng những hành động ca hát, các hoạt động thể chất hoặc thông báo đến mọi người.
- Tức giận được lưu ở vùng trên cơ thể, gồm phần đầu, tay và ngực, do đó, mỗi khi cảm thấy phẫn nộ, các cơn đau tức ngực, hiện tượng run tay liên tục xảy ra.
- Sợ hãi, căng thẳng và buồn bã: Các trạng thái này đều được lưu trữ chủ yếu ở vùng ngực và bụng. Có thể thấy những người thường xuyên lo lắng sẽ dễ mắc các chứng về tiêu hóa,...
Đại đa số những cảm xúc thường bị ứ đọng và không biểu hiện ra bên ngoài là những cảm xúc tiêu cực, bao gồm:
- Sự phẫn nộ và tức giận.
- Căng thẳng, lo lắng.
- Phiền muộn.
- Mệt mỏi, chán nản...
Tất cả những cảm xúc này đều đem lại nguồn năng lượng có hại cho con người. Không chỉ gây ra các vấn đề về tâm lý, chúng cũng có thể phá hủy các mô tế bào và ngăn chặn hoạt động của các cơ quan cũng như hệ thống tuyến nội tiết.
3. Làm thế nào để giải phóng cảm xúc?
Có thể thấy, việc kìm nén cảm xúc, đặc biệt là các cảm xúc tiêu cực, có thể gây ra các biến chứng về tâm lý cũng như tác động xấu đến sức khỏe của con người. Vì vậy, việc học cách giải phóng cảm xúc đang dần trở nên quan trọng, khi trong xã hội hiện đại, con người phải đối mặt với áp lực lớn hơn.
3.1. Thừa nhận cảm xúc
Khi bạn càng hiểu rõ thế giới cảm xúc của bản thân, bạn càng có nhiều khả năng giải phóng các cảm xúc đó theo cách lành mạnh.
Do đó, đây là bước đầu tiên bạn phải thực hiện: Kết nối và thấu hiểu nội tâm của mình. Đại đa số những người gặp khó khăn trong việc giải tỏa tinh thần và cân bằng cảm xúc đều không xác định được cảm xúc của họ là gì.
Theo một nghiên cứu vào năm 2007, việc định danh được cảm xúc tiêu cực sẽ hỗ trợ giảm bớt sự tích lũy và ứ đọng của những cảm xúc này.
3.2. Vượt qua tổn thương trong quá khứ
Thông thường, những ký ức tồi tệ sẽ gây ra nhiều tổn hại đến tinh thần, nhưng rất khó để quên chúng, đặc biệt là những sang chấn tâm lý từ nhỏ, bao gồm:
- Bị lạm dụng về tinh thần, tình cảm, thể chất hoặc tình dục.
- Bị bỏ rơi.
- Bị tách khỏi ba mẹ hoặc người chăm sóc.
- Mất người thân.
- Bị bắt nạt, tẩy chay, cô lập...
Để vượt qua các chấn thương tâm lý, đặc biệt là chấn thương từ nhỏ, điều quan trọng là bạn hãy cho phép bản thân đau buồn và chấp nhận thực tế chuyện đã xảy ra và bạn không thể làm gì để thay đổi cục diện đó.
Đa số những người chìm đắm trong quá khứ là vì họ tiếc nuối, tức giận và cảm thấy khó chịu khi nghĩ đến hai chữ “giá như”. Chính cảm xúc này khiến họ không thể thoát ra khỏi sự tiêu cực mà quá khứ đem đến. Vì vậy, bạn cần có cái nhìn tỉnh táo hơn, chấp nhận thực tế tồi tệ trong quá khứ, cố gắng tốt hơn cho hiện tại và tương lai của bạn.
3.3. Bài tập chuyển động
Chuyển động và cảm nhận bản thân là cách giải tỏa tinh thần hoặc cảm xúc tồn đọng trong cơ thể của bạn. Theo các chuyên gia, phương pháp này tiếp cận đến hầu hết các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là vùng ngực và bụng, nơi lưu trữ cảm xúc tiêu cực chưa được giải phóng.
Một số bài tập chuyển động như yoga, bài tập thở bụng, đi bộ, thiền định,... có thể hỗ trợ giải tỏa tinh thần hiệu quả.
3.4. Tìm gặp bác sĩ tâm lý
Như đã đề cập ở trên, việc không thể định danh cảm xúc là một trong những nguyên nhân gây ra sự ứ đọng cảm xúc trong cơ thể. Lúc này, một chuyên gia trị liệu tâm lý có thể vô cùng hữu ích đối với bạn. Tâm sự và chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống với một chuyên gia sẽ giúp bạn nhanh chóng cân bằng cảm xúc cá nhân, đồng thời cải thiện những căng thẳng thường nhật trong cuộc sống.
Có thể nói, việc giải tỏa tinh thần và cân bằng cảm xúc đang ngày càng trở nên quan trọng khi con người phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong cuộc sống. Không chỉ giúp tinh thần trở nên sảng khoái và thư giãn, hoạt động giải phóng cảm xúc còn là một cách “dọn chỗ” đón nguồn năng lượng tích cực mới, khiến đời sống của bạn trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: verywellmind.com, healthline.com