Kỳ kinh đầu tiên sau khi mang thai có thể xuất hiện những thay đổi về lượng máu, chu kỳ kinh nguyệt và những cảm giác khi hành kinh. Đồng thời, chất lượng sữa cho con bú và sức khỏe tổng thể của phụ nữ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hãy cũng theo dõi bài viết dưới đây để biết những điều gì sẽ xảy ra và các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi sinh con.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Kỳ kinh đầu tiên sau khi mang thai xuất hiện khi nào?
Các chị em thường xuyên cho con bú thường sẽ không có kinh nguyệt trở lại cho đến khi ngừng cho con bú. Trong một số trường hợp, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở lại nếu giảm tần suất cho con bú, đặc biệt là vào ban đêm. Khi kết hợp nuôi con bằng sữa mẹ và bú bình, các mẹ có thể có kinh nguyệt ngay sau 5 tuần sau khi sinh.
Khi cho con bú hoàn toàn, cơ thể sẽ sản xuất nhiều prolactin hơn (hormone giúp sản xuất sữa), hormone này cũng góp phần làm cho chu kỳ kinh nguyệt không xuất hiện.
Theo một nghiên cứu, hơn 2/3 số chị em không cho con bú sẽ có chu kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên sau khi sinh trong vòng 12 tuần. Chỉ khoảng 1/5 số bà mẹ đang cho con bú sẽ có chu kỳ kinh nguyệt trong vòng 6 tháng sau khi sinh.
Nếu đang cho con bú, chu kỳ kinh nguyệt thường sẽ quay trở lại trong vòng một đến hai tháng sau khi ngừng cho con bú hoặc giảm đáng kể lượng sữa.
2. Tình trạng chảy máu sau sinh
Dù sinh mổ hay sinh thường, tình trạng chảy máu trong sáu đến tám tuần sau khi sinh vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây không phải là kinh nguyệt mà được gọi là sản dịch.
2.1. Màu sắc:
- Ban đầu: Màu đỏ đậm, có thể có cục máu đông (kích thước tối đa bằng quả mận).
- Theo thời gian: Loãng hơn, chuyển sang màu hồng hoặc nâu.
- Sau vài tuần: Màu trắng hoặc hơi vàng, có thể không xuất hiện hàng ngày.
2.2. Cách xử lý:
- Sử dụng băng vệ sinh hoặc miếng lót thấm.
- Tránh sử dụng: Băng vệ sinh nhét hoặc cốc nguyệt san.
- Tránh: Cho bất kỳ vật gì vào âm đạo trong vòng sáu tuần sau khi sinh.
3. Khả năng mang thai sau sinh và tầm quan trọng của việc tránh thai
Ngay cả khi kỳ kinh đầu tiên sau khi mang thai chưa có, phụ nữ vẫn có khả năng mang thai sau sinh. Nguyên nhân là do rụng trứng có thể xảy ra trong thời gian này. Nguy cơ mang thai trong thời gian này dao động từ 1 đến 5%. Do đó, việc sử dụng biện pháp tránh thai là vô cùng quan trọng để kiểm soát nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.
4. Thay đổi của kỳ kinh đầu tiên sau khi mang thai
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi mang thai có thể khác so với trước khi mang thai ở nhiều phụ nữ. Dưới đây là một số thay đổi phổ biến:
4.1. Lượng máu
- Lượng máu kinh chảy ra nhiều hơn.
- Cục máu đông: Xuất hiện nhiều hơn trong thời gian đầu.
Lưu ý: Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có cục máu đông trong kỳ kinh nguyệt ít nhất một tuần.
4.2. Chu kỳ
- Có thể không đều đặc biệt nếu đang cho con bú.
- Cần thời gian để ổn định và có thể mất vài tháng để trở lại chu kỳ bình thường.
4.3. Cảm giác
- Dễ dàng chịu đựng cơn đau bụng kinh hơn so với trước khi sinh do tử cung căng và giãn.
- Khó khăn hơn ở một số phụ nữ do tử cung lớn, căng ra hơn và có nhiều mô bong ra.
- Đối với chị em bị lạc nội mạc tử cung, triệu chứng đau có thể dễ chịu hơn ở kỳ kinh đầu tiên sau khi sinh nhưng tình trạng này chỉ tạm thời. Cơn đau sẽ quay trở lại sau vài tháng.
5. Chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ
5.1. Lượng sữa:
- Có thể giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ sau rụng trứng đến khi có kinh.
- Nguyên nhân: Do sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến sản xuất sữa.
5.2. Chất lượng sữa:
- Có thể thay đổi hương vị do sự thay đổi hormone.
- Em bé có thể quấy khóc hơn khi bú do không thích vị sữa thay đổi.
5.3. Lời khuyên:
- Bổ sung canxi và magie vào bữa ăn hàng ngày
- Duy trì chế độ ăn uống ổn định để đảm bảo chất lượng nguồn sữa mẹ.
Trong kỳ kinh đầu tiên sau khi mang thai sẽ có nhiều thay đổi so với trước khi sinh con. Chị em cần tìm hiểu và theo dõi những thay đổi của cơ thể. Nếu có dấu hiệu bất thường chị em nên đến bác sĩ ngay để được khám và xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.