Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa.
Vết bớt ở trẻ sơ sinh là một mảng thay đổi màu trên da xuất hiện khi trẻ mới sinh hoặc phát triển trong vài tuần đầu đời. Trẻ sơ sinh có bớt là rất phổ biến và hầu hết các trường hợp đều không cần điều trị gì, chúng hầu như vô hại hay thậm chí sẽ tự biến mất hoặc co nhỏ lại theo thời gian khi trẻ lớn dần lên. Tuy nhiên, đôi khi các vết bớt bẩm sinh lại có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
1. Vết bớt ở trẻ sơ sinh là gì?
Vết bớt ở trẻ sơ sinh là một bất thường bẩm sinh, lành tính trên da, xuất hiện khi trẻ chào đời hoặc ngay sau khi sinh — thường là trong tháng đầu tiên. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên da. Bản chất của các vết bớt được cho là do sự phát triển quá mức của các mạch máu, tế bào hắc tố, cơ trơn, chất béo, nguyên bào sợi hoặc tế bào sừng trong da và tổ chức dưới da.
Nguyên nhân gây ra vết bớt ở trẻ sơ sinh cho đến nay là không rõ ràng và không thể ngăn ngừa được. Một số giả thiết cho rằng, các vết bớt xuất hiện do sự mất cân bằng cục bộ trong các yếu tố kiểm soát sự phát triển và di chuyển của tế bào da.
Phần lớn, các vết bớt ở trẻ sơ sinh là vô hại và một số có thể mờ dần hoặc biến mất theo thời gian ngay cả khi không cần điều trị gì. Hiếm khi, một số loại vết bớt có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn. Điều này cần được nghi ngờ nếu các vết bớt phát triển với số lượng lớn hoặc thành từng cụm, kéo dài khi trẻ đã lớn lên.
2. Các loại vết bớt ở trẻ sơ sinh
Có nhiều loại bớt khác nhau gặp phải ở trẻ sơ sinh, được mô tả theo từng loại như sau:
- Bớt cá hồi (bớt hồng, bớt đỏ)
Đây là các vùng da phẳng, có màu đỏ hoặc hồng giống như những miếng cá hồi. Loại bớt này khá thường gặp với vị trí nằm trên mí mắt, đầu hoặc cổ của em bé. Màu sắc của bớt sẽ càng dễ thấy hơn khi trẻ khóc nhưng sẽ thường mờ dần khi trẻ ở tuổi 2 đối với các bớt trên trán hoặc mí mắt trong khi có thể mất nhiều thời gian hơn đối với bớt ở sau đầu hoặc cổ.
- Bướu máu
Đây là các mạch máu tạo thành một cục đỏ nổi gồ lên trên bề mặt da, xuất hiện ngay sau khi sinh và thường có màu đỏ tươi như dâu tây. Loại này có khuynh hướng phổ biến hơn ở các bé gái, trẻ sinh non (sinh trước 37 tuần), trẻ nhẹ cân và sinh đa thai, chẳng hạn như sinh đôi.
Bướu máu được quan sát thấy là có thể lớn hơn trong 6 đến 12 tháng đầu tiên, sau đó nhỏ lại và biến mất vào năm 7 tuổi. Tuy nhiên, đôi khi chúng lại có thể xuất hiện dưới da, chuyển sang màu xanh hoặc tím. Lúc này, bướu máu có thể cần điều trị nếu chúng gây ảnh hưởng đến thị lực, hô hấp hay chức năng tại các cơ quan có liên quan.
- Bớt tím
Đây là các vết bớt ở trẻ sơ sinh có màu đỏ sậm hay chuyển sang tím, giống màu của rượu vang thường gặp tại vị trí trên cổ, má, mũi và môi của trẻ được quan sát thấy từ khi trẻ sinh ra. Nếu trẻ có da sẫm màu thì bớt tím sẽ trông như những mảng da tối.
Nếu trẻ lớn lên mà các vết bớt này không thuyên giảm, vì lý do thẩm mỹ, đôi khi có thể xóa nhạt màu vết bớt bằng cách điều trị bằng laser. Một số ít trường hợp vết bớt có thể trở nên sẫm màu và sần sùi hơn nếu không được điều trị hoặc đây có thể là dấu hiệu của hội chứng Sturge-Weber, hội chứng Klippel-Trenaunay hoặc dị dạng mao mạch đầu to nhưng rất hiếm gặp.
- Bớt cà phê sữa
Đây là các mảng phẳng, nhạt hoặc nâu sẫm giống màu cà phê sữa có thể ở bất cứ đâu trên cơ thể với kích thước và hình dạng khác nhau. Loại bớt này có thể được xem như là dấu hiệu của u xơ thần kinh loại 1 nếu trẻ có từ 6 mảng trở lên.
- Ban xanh
Một mảng lớn, màu xám xanh đậm trông giống như vết bầm tím trên đùi của em bé cũng được xem là một loại vết bớt bẩm sinh. Vị trí gặp phải thường ở vùng lưng dưới, trên cánh tay hoặc chân.
Ban xanh cũng có từ khi trẻ được sinh ra, phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh có làn da sẫm màu. Thông thường, loại bớt này không cần điều trị gì vì không phải là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe bất thường và sẽ tự khỏi khi trẻ lên 4 tuổi.
- Nốt ruồi bẩm sinh hoặc nevi tế bào hắc tố bẩm sinh
Nốt ruồi bẩm sinh là những nốt ruồi màu nâu hoặc đen do sự phát triển quá mức của các tế bào sắc tố trên da, nhìn tối hơn trên da sẫm màu và có thể nổi gồ cao lên hay mọc nhiều lông, đặc biệt là lúc trẻ vào tuổi dậy thì.
Tình trạng này có thể phát triển thành ung thư da nếu nốt ruồi lớn hơn, nguy cơ càng tăng khi chúng càng lớn. Tuy nhiên, các nốt ruồi dạng này vẫn có thể không cần điều trị trừ khi có nguy cơ chuyển thành ung thư da.
3. Kiểm tra vết bớt sớm cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Các bác sĩ da liễu tại bệnh viện chuyên khoa nhi đồng thường có thể chẩn đoán loại vết bớt trên da của trẻ dựa trên kiểm tra hình ảnh. Nếu bác sĩ cần thêm thông tin về bản chất hoặc loại vết bớt hay nếu vết bớt hoặc kiểu vết bớt gợi ý một tình trạng bệnh lý khác, trẻ có thể được đề nghị xét nghiệm bổ sung.
- Tiền sử bệnh
Khi đến gặp bác sĩ da liễu, tình trạng vết bớt sẽ được khảo sát chi tiết trên các thành viên trong gia đình hoặc các tình trạng y tế khác đôi khi cũng có liên quan đến vết bớt, chẳng hạn như ung thư da.
Thông tin này giúp bác sĩ đánh giá yêu cầu xét nghiệm bổ sung. Ví dụ, nếu trẻ có một vài nốt màu cà phê sữa và có ai đó trong gia đình cũng mắc bệnh u sợi thần kinh loại 1, các bác sĩ cũng sẽ khuyên con bạn nên đi xét nghiệm tình trạng này.
Ngoài ra, các câu hỏi về sự thay đổi trên kích thước, màu sắc, hình dạng hoặc kết cấu của vết bớt cũng cần được ghi nhận. Một số vết bớt, chẳng hạn như u máu, phát triển rất nhanh và có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba kích thước chỉ trong vòng vài tuần trong khi đó, nhiều loại vết bớt khác hoàn toàn không phát triển hoặc thay đổi hình dạng sau thời gian dài. Tuy nhiên, bất kỳ vết bớt nào đang có sự thay đổi nhanh chóng đều đáng lưu tâm.
- Thăm khám
Một cuộc thăm khám da liễu là được kiểm tra kỹ lưỡng làn da của trẻ từ đầu đến chân. Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng có thể gợi ý bất kỳ tình trạng y tế nào nghi ngờ.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng rất chú ý đến những vết bớt ở trẻ sơ sinh nằm trên vùng nhạy cảm — chẳng hạn như môi, miệng và mắt — vì chúng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chức năng của các cơ quan này.
- Siêu âm
Siêu âm da là một xét nghiệm hình ảnh không gây đau đớn, không xâm lấn, sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể. Nếu bác sĩ da liễu kiểm tra một vết bớt hoặc một nhóm vết bớt lớn có nhiều yếu tố nghi ngờ, một bản siêu âm da sẽ được chỉ định, cho biết vết bớt có cấu trúc bên dưới như thế nào và liệu các bộ phận khác của cơ thể có thể liên quan hay không.
- Quét cộng hưởng từ
Quét cộng hưởng từ (MRI) sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh hai và ba chiều chi tiết của các mô bên trong cơ thể. Bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI để hình dung mức độ hoặc tính chất của một loại bớt nhất định, chẳng hạn như u mạch máu sâu, nếu siêu âm không cung cấp đủ thông tin.
Ngoài ra, MRI cũng được sử dụng để cung cấp hình ảnh của não nếu bác sĩ nghi ngờ rằng sự phát triển tế bào bất thường liên quan đến vết bớt có thể có ở các bộ phận khác của cơ thể như nếu trẻ có một vết bớt nevus bẩm sinh rất lớn.
- Sinh thiết
Các bác sĩ da liễu có thể đề nghị làm sinh thiết nếu trẻ có nốt ruồi khi sinh ra trông dị dạng bất thường. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ loại bỏ một phần da nhỏ tại vị trí vết bớt và gửi đến phòng thí nghiệm, nơi chúng được kiểm tra dưới kính hiển vi.
Sinh thiết da luôn phải diễn ra tại bệnh viện và mất 15 đến 30 phút cho một lần thực hiện. Các bác sĩ tiêm thuốc gây tê cục bộ vùng da xung quanh vết bớt để loại bỏ cảm giác đau đớn trong quá trình thực hiện. Đôi khi bác sĩ sẽ phải cần đến một vết mổ nhỏ để lấy tế bào nghi ngờ ác tính và sau đó vết thương sẽ được khâu lại và băng bó. Da thường lành trong 7 đến 10 ngày và cắt chỉ.
4. Cách điều trị vết bớt cho trẻ như thế nào?
Hầu hết các vết bớt ở trẻ sơ sinh là không cần điều trị nhưng một số lại có vì lý do bệnh lý hay cả về thẩm mỹ, nhất là khi đây là yếu tố khiến cho cha mẹ và cả bản thân trẻ gặp lo lắng khi trẻ lớn dần lên.
Các phương pháp điều trị vết bớt hiện nay bao gồm:
Nội khoa – tức là phương pháp dùng thuốc - để giảm lưu lượng máu đến vết bớt, có thể làm chậm sự phát triển và làm cho nó có màu nhạt hơn.
- Liệu pháp laser – sử dụng nhiệt và năng lượng ánh sáng để làm cho vết bớt trong nhỏ hơn và nhẹ hơn. Phương pháp này chỉ hoạt động tốt nhất nếu bắt đầu từ lúc trẻ được 6 tháng đến 1 tuổi.
- Phẫu thuật - để loại bỏ vết bớt một cách xâm lấn nhưng cần phải cân nhắc vì có thể để lại sẹo với tính thẩm mỹ kém hơn.
Tóm lại, một số loại vết bớt ở trẻ sơ sinh tồn tại suốt đời trong khi một số loại khác thì mất dần khi trẻ lớn lên mà không cần điều trị. Do đó, trước các trẻ sơ sinh có bớt, cha mẹ có thể yên tâm rằng chúng chỉ gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng một số ít các vết bớt lại có nguy cơ cao hơn gây biến chứng hoặc có liên quan đến các bệnh lý hệ thống tiềm ẩn cần được xác định và xử trí thêm.
Trẻ sơ sinh nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: nyulangone.org, babycenter.com