Các rối loạn sắc tố da bẩm sinh

Rối loạn sắc tố da bẩm sinh là tình trạng biến đổi, rối loạn tại chỗ của tế bào sắc tố trên da. Dù nhiều loại rối loạn sắc tố là lành tính nhưng vẫn ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ, khiến các bé tự ti và ngại giao tiếp xã hội. Do đó, các bậc cha mẹ nên hiểu rõ về bệnh lý này để có hướng điều trị phù hợp cho trẻ.

1. Rối loạn sắc tố da bẩm sinh là gì?

Màu da của con người chủ yếu được xác định bởi hai loại melanin, eumelanin màu nâu đen và pheomelanin màu vàng đỏ. Chúng có mặt ở tất cả các màu da và tỷ lệ sẽ xác định màu sắc của da. Melanin được sản xuất bởi các sắc tố bào (melanocytes). Quá trình sinh tổng hợp melanin xảy ra ở các bào quan giống như lysosome được gọi là melanosome, sau đó được vận chuyển đến tế bào sừng. Sự khác biệt về số lượng, kích thước và tập hợp các melanosome trong melanocytes và keratinocytes góp phần vào sự khác biệt về sắc tộc, màu da.

Rối loạn sắc tố da bẩm sinh là tình trạng biến đổi, rối loạn tại chỗ của tế bào sắc tố trên da. Nguyên nhân có thể do các đột biến liên quan đến sự biệt hóa và di chuyển của các tiền chất tế bào sắc tố trong mào thần kinh hoặc trong sự tăng sinh và hoạt động của các tế bào sắc tố trưởng thành.


Rối loạn sắc tố da bẩm sinh có liên quan đến hai loại melanin, eumelanin
Rối loạn sắc tố da bẩm sinh có liên quan đến hai loại melanin, eumelanin

2. Các loại rối loạn sắc tố da bẩm sinh

2.1 Tăng sắc tố bẩm sinh

Nguyên nhân là do bất thường của các tế bào sắc tố xuất hiện lạc chỗ trong thời kỳ phôi thai. Đây là một bệnh lý thường lành tính nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến trẻ có tâm lý tự ti, ngại giao tiếp với xã hội. Một số loại tăng sắc tố bẩm sinh bao gồm:

  • Bớt xanh (Nevus of Ota): Là bệnh tăng sắc tố da bẩm sinh và lành tính ở vùng mặt. Vết bớt thường có màu nâu, nâu đen hoặc xanh đen, không cao hơn bề mặt da lành, không kèm theo tăng sinh lông. Các vết bớt này có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên mặt. Rối loạn này xảy ra với tỷ lệ 0,2-0,6% và gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới. Căn cứ vào sự phân bố của các sắc tố bào, các đại thực bào ăn sắc tố và mật độ các túi chứa chất sắc tố, bệnh có thể chia thành 5 mức độ tổn thương khác nhau (tùy theo độ sâu phân bố trong các tầng cấu trúc của da).
  • Bớt nâu (Cafe au laite): Đây cũng là rối loạn tăng sắc tố da bẩm sinh của vùng mặt. Các vết bớt màu nâu, đồng nhất hoặc không đồng nhất, thường xuất hiện ở má và thái dương. Căn nguyên gây bệnh vẫn chưa rõ ràng. Các phương pháp điều trị cho đến nay vẫn còn hạn chế do bệnh thường xuyên tái phát. Tuy nhiên có một số bệnh nhân có thể cải thiện màu sắc vùng da tổn thương nhờ điều trị bằng laser.
  • Bớt xanh mông cổ: Đây là một loại bớt lành tính, thường gặp ở vùng lưng, mông, đùi hoặc thân người, ít gặp vùng mặt. Chúng là những đốm phẳng màu xanh lam hoặc xanh xám với hình dạng bất thường, thường xuất hiện khi mới sinh hoặc ngay sau đó. Bớt thường sẽ tự hết trong quá trình phát triển của trẻ. Loại bớt này cực kỳ phổ biến ở trẻ em châu Á, cũng như trẻ em có làn da sẫm màu, bao gồm cả những người gốc Ấn Độ và Châu Phi.

Bớt xanh là biểu hiện của rối loạn sắc tố da bẩm sinh
Bớt xanh là biểu hiện của rối loạn sắc tố da bẩm sinh

2.2 Giảm sắc tố bẩm sinh

Bớt giảm sắc tố trong tiếng Anh là achromic naevus hoặc naevus depigmentosus. Đây là loại bớt bẩm sinh đặc trưng bởi các vùng da màu trắng nhạt, có ranh giới rõ, kích thước từ vài centimet đến lớn hơn. Các bớt giảm sắc tố có bờ không đều, thậm chí hơi ngoằn ngoèo nhưng có ranh giới rõ với vùng da bình thường. Các bớt thường xuất hiện ngay từ lúc sinh và ngày càng rõ dần rồi ổn định theo thời gian. Vị trí thường gặp nhất của các bớt giảm sắc tố là ở thân mình, nhưng cũng có thể thấy ở các vị trí khác trên cơ thể.

Cơ chế bệnh sinh của bớt giảm sắc tố liên quan tới đột biến khảm ở da, gây ra sự thay đổi dòng tế bào sắc tố, từ đó làm giảm sản xuất melanin, giảm số lượng tế bào sắc tố hoặc rối loạn sự vận chuyển các túi sắc tố tới tế bào sừng. Bớt giảm sắc tố bẩm sinh chia thành nhiều thể khác nhau dựa trên kiểu phân bố, bao gồm:

  • Bớt giảm sắc tố đơn độc
  • Bớt giảm sắc tố phân đoạn
  • Bớt giảm sắc tố thành dải

3. Điều trị da bị rối loạn sắc tố như thế nào?

Các loại rối loạn sắc tố da có thể lành tính hoặc ác tính. Khi nghi ngờ bệnh lý ác tính, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời. Đối với trường hợp da bị rối loạn sắc tố lành tính, nhiều bệnh nhân muốn nhanh chóng loại bỏ các vùng da bị tổn thương vì lý do thẩm mỹ. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị rối loạn sắc tố da bẩm sinh. Các chuyên gia lưu ý rằng một số phương pháp điều trị có thể dẫn đến sẹo. Những phương pháp điều trị rối loạn sắc tố da bao gồm laser, phẫu thuật để loại bỏ các tổn thương, mặt nạ hóa học, chất tẩy trắng chứa hydroquinone,...

Tóm lại, rối loạn sắc tố da bẩm sinh có thể lành tính và tự biến mất sau theo thời gian. Tuy nhiên nhiều trường hợp các vết bớt có kích thước lớn, xuất hiện ở mặt và rất lâu biến mất. Chúng là nguyên nhân gây mất thẩm mỹ, khiến trẻ ngại ngùng và tự ti. Khi đó, các bậc cha mẹ nên đưa cha tới các cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe