Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Tâm đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa.
Khoảng 80% trẻ sinh ra có ít nhất 1 vết bớt, chúng là những vùng da đổi màu trên cơ thể trẻ. Một số vết bớt sẽ mờ đi hoặc biến mất theo thời gian, trong khi đó một số loại bớt lại gây ra những vấn đề sức khỏe khác cho trẻ.
1. Vết bớt là gì?
Vết bớt là từ chỉ những vùng da đổi màu trên cơ thể trẻ khi mới sinh hoặc xuất hiện trong vòng vài tháng sau khi sinh. Hơn 80 % trẻ sơ sinh có một số loại bớt, một số bớt có thể tồn tại cùng với đưa trẻ cho đến hết đời, nhưng một số bớt khác lại biến mất sau một thời gian.
Hầu hết các vết bớt thuộc một trong 2 loại: Loại có mạch máu hoặc loại có sắc tố. Vết bớt mạch máu là do các mạch máu bên dưới bề mặt da tạo ra. Chúng có màu từ hồng và đỏ đến hơi xanh, tùy thuộc vào độ sâu của mạch máu. Các vết bớt sắc tố thường có màu nâu, xám hơi xanh hoặc đen. Chúng là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào sắc tố.
2. Hình ảnh của bớt bẩm sinh và các loại phổ biến nhất
Các vết bớt có nhiều hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau và chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Một số vết bớt phổ biến nhất là:
- "Vết cò mổ", "nụ hôn thiên thần", bớt hồng cam và vết mạch máu
Đây là các bớt vết phẳng màu hồng hoặc tím có màu đỏ tía được hình thành do các mao mạch giãn nở gần bề mặt da gây ra. Đây là loại bớt phổ biến nhất, có tới 70% trẻ sơ sinh có một hoặc nhiều hơn các loại bớt này. Những vết bớt này có thể dễ nhận thấy hơn khi trẻ khóc hoặc khi có sự thay đổi về nhiệt độ. Những vết bớt xuất hiện ở sau gáy, được gọi là vết cò cắn thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Những vết bớt hằn trên trán hoặc mí mắt thì được gọi là nụ hôn thiên thần và chúng thường biến mất sau khi trẻ được 2 tuổi.
- Bớt cà phê sữa
Đây là các bớt mảng phẳng màu nâu hoặc nâu nhạt, đôi khi xuất hiện thành nhiều đám. Từ 20% đến 50 % trẻ sơ sinh có 1 hoặc 2 trong số các vết bớt sắc tố này. Chúng thường mờ đi hoặc nhỏ lại khi trẻ lớn lên, mặc dù chúng có thể sẫm màu hơn khi phơi nắng.
- Nốt ruồi
Là vết bớt do các cụm tế bào da tạo sắc tố tạo ra. Các nốt ruồi có kích thước khác nhau và có thể phẳng hoặc nhô cao, đen hoặc nâu, có lông hoặc không. Nhiều nốt ruồi không xuất hiện cho đến khi trẻ được vài tuổi. Khoảng 1% trẻ sơ sinh có nốt ruồi khi sinh ra, chúng được gọi là nốt ruồi bẩm sinh, hoặc nốt ruồi bớt. Những nốt ruồi này thường bắt đầu bằng phẳng sau đó trở nên hơi to và nhô cao hơn.
- Bớt xanh, ban mông cổ
Là các bớt xuất hiện thành các vùng lớn, bằng phẳng có thêm sắc tố ở lưng dưới hoặc mông. Chúng thường xuất hiện nhất ở trẻ sơ sinh có da sẫm màu: 95% đến 100% người châu Á, 90% đến 95% người Đông Phi, 85% đến 90% người bản địa Người Mỹ và 50% đến 70 % trẻ em gốc Tây Ban Nha có các loại bớt này. Trong khi đó, chỉ 1 đến 10 % trẻ sơ sinh da trắng có các loại bớt này. Các đốm bớt Mông Cổ thường mờ dần theo tuổi của trẻ, mặc dù chúng có thể không bao giờ biến mất.
- Bớt máu phẳng hay còn gọi là bớt máu đỏ
Đây là vết bớt xuất hiện khi mới sinh, chúng có màu từ hồng nhạt đến tím sẫm và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, mặc dù chúng thường xuất hiện trên mặt hoặc đầu. Khoảng 1 trong số 300 trẻ sơ sinh được sinh ra với vết bớt rượu vang này. Các vết bớt nhẹ có thể mờ đi, nhưng hầu hết đều tồn tại và lớn dần khi trẻ lớn lên. Đôi khi các vết bớt rượu vang có thể dày lên và sẫm màu. Chúng cũng có thể hình thành sỏi hoặc cục nhỏ trên bề mặt da trong nhiều thập kỷ.
- U máu
Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả nhiều loại tăng trưởng bao gồm các tế bào mạch máu. Những tổn thương phẳng hoặc nhô cao này có thể nhỏ và không đáng chú ý hoặc lớn và gây biến dạng. U máu ảnh hưởng khoảng 2 đến 5 % trẻ sơ sinh và phổ biến hơn ở trẻ gái, trẻ sinh non và trẻ sinh đôi. 20% trẻ em có nhiều hơn một u máu.
U máu chủ yếu xuất hiện trên đầu, cổ và không giống như các vết bớt khác, chúng có thể phát triển nhanh chóng. Chúng thường xuất hiện trong 6 tuần đầu tiên sau khi sinh, chỉ 30% trẻ sinh ra đã có chúng. Tốc độ phát triển của u máu thường không lớn hơn 2 hoặc 3 inch trong khoảng 1 năm. Sau đó, nếu không điều trị, chúng thường ngừng phát triển và bắt đầu chuyển sang màu trắng và nhỏ lại. Quá trình đảo ngược này có thể mất từ ba đến 10 năm. Trong khi nhiều u máu để lại làn da trông bình thường sau khi xuất hiện thì những u máu khác có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn trên da.
Một trong các loại u máu là u máu bề mặt, trước đây gọi là u máu dâu tây, xuất hiện trên 2% đến 5% trẻ sơ sinh. Vết đỏ hồng này có xu hướng phát triển và sau đó biến mất. Khoảng 50% các trẻ có vết bớt này sẽ phẳng khi 5 tuổi và 90% phẳng khi lên 9 tuổi. Một loại khác là u mạch máu, chúng ăn sâu hơn (trước đây gọi là u máu thể hang) xuất hiện dưới dạng một khối màu đỏ hơi xanh. Nó phát triển nhanh chóng trong 6 tháng đầu tiên và thường mất đi khi trẻ đến tuổi thiếu niên. Các u mạch máu như vậy có màu hơi xanh vì các mạch bất thường nằm sâu hơn so với các u mạch máu nông.
3. Vết bớt có cần được chăm sóc y tế không?
Theo bác sĩ da liễu Seth Orlow, giáo sư da liễu nhi khoa tại Đại học Y khoa New York cho biết, hầu hết các vết bớt đều vô hại và nhiều vết bớt tự biến mất trong vài năm đầu đời. Có một vài trường hợp ngoại lệ. Trên thực tế, 40.000 trẻ em Hoa Kỳ mỗi năm có vết bớt cần được chăm sóc y tế. Vì vậy, điều quan trọng là phải xem xét tất cả các vết bớt của trẻ vì chúng có thể có các vấn đề tiềm ẩn bao gồm:
- Vết bớt rượu vang gần mắt và má đôi khi liên quan đến các vấn đề về thị lực như bệnh tăng nhãn áp hoặc chậm phát triển. (Đây được gọi là hội chứng Sturge-Weber.)
- Các u mạch máu lớn, tùy thuộc vào vị trí của chúng, có thể cản trở việc ăn, nhìn hoặc thở của trẻ. U máu đôi khi có thể phát triển bên trong, đe dọa sức khỏe của một cơ quan trong cơ thể. Một số người có thể bị biến dạng về mặt thẩm mỹ.
- Các vết bớt trên cột sống dưới có thể kéo dài bên dưới da và ảnh hưởng đến các dây thần kinh và lưu lượng máu đến tủy sống.
- Nhóm 6 hoặc nhiều vết bớt cà phê sữa có thể là dấu hiệu của một chứng rối loạn di truyền được gọi là bệnh u xơ thần kinh loại 1 (NF1). Trẻ em bị NF1 thường có các nốt này khi mới sinh hoặc khi trẻ được 2 tuổi, mặc dù số lượng các nốt có thể tăng lên trong thời thơ ấu và đôi khi sau này trong cuộc đời. Khoảng 50% những người bị NF1 cũng bị hạn chế khả năng học tập.
- Một số nốt ruồi đặc biệt lớn xuất hiện khi mới sinh sẽ làm tăng nguy cơ trở thành ung thư.
- Một số vết bớt nổi bật hoặc làm biến dạng có thể gây tổn hại tâm lý cho trẻ theo thời gian.
4. Có thể xóa vết bớt của trẻ không?
Việc xóa bỏ các vết bớt còn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Một số vết bớt được đề cập ở trên (như u máu đẩy trên mắt) có thể cần phải cắt bỏ.
Đối với rất nhiều vết bớt, chúng có thể tự mờ đi mà không gây ra bất kỳ vấn đề thể chất nào nên bác sĩ có thể đề nghị kiên nhẫn chờ hơn là điều trị nếu vết bớt không gây biến dạng hoặc gây ra các vấn đề về thể chất. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng can thiệp sớm để điều trị một số vết bớt nhất định có thể hữu ích vì chúng không tự biến mất.
Nếu con của bạn đang có một vết bớt đáng lo ngại, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị.
5. Những lựa chọn điều trị
Tùy thuộc vào vết bớt, các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, điều trị bằng laser và (trong trường hợp u máu nhất định) steroid tại chỗ, uống hoặc tiêm hoặc thuốc chẹn beta tại chỗ hoặc đường uống. Theo bác sĩ da liễu Seth Orlow, giáo sư da liễu nhi khoa tại Đại học Y khoa New York thì hầu hết tất cả các phương pháp điều trị loại bỏ vết bớt bằng phẫu thuật có thể gây ra một số sẹo.
Trong khi trước đây, các vết bớt rượu vang không thể điều trị được thì sự ra đời của tia laser nhuộm xung đầu tiên cách đây 25 năm đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc quản lý các vết bớt này, đặc biệt là khi chúng xuất hiện trên mặt.
6. Làm cách nào để giúp trẻ đối phó với sự xấu hổ của vết bớt dị dạng?
Cách để xử lý những người có thể tò mò hoặc đưa ra những nhận xét thiếu tế nhị về vết bớt của con bạn là nói chuyện trực tiếp với họ. Hầu hết mọi người không có ý vô cảm. Nếu bạn nhận thấy ai đó đang chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào con mình, bạn có thể tiếp cận người đó một cách thân thiện và giải thích rằng con bạn có một vết bớt.
Khi bạn nghĩ rằng con mình đã đủ lớn để hiểu, hãy giải thích cho con hiểu vết bớt là gì, tại sao những người khác lại quan tâm đến nó và cách con có thể đối phó với những lời nhận xét.
Nếu con bạn đang học nhà trẻ, trường mầm non hoặc trường học, hãy nói chuyện trước với nhân viên, giáo viên để cung cấp cho họ thông tin về các vết bớt và thông báo về cảm giác của con bạn về ngoại hình của trẻ.
Liên quan đến vết bớt của con bạn, đặc biệt là các vết bớt lớn hoặc gây biến dạng, vì nó có thể làm cho trẻ thiếu tự tin. Tìm hiểu các thông tin về loại vết bớt đó, sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn khi thảo luận với nhà bác sĩ của trẻ. Bạn cũng có thể thấy hữu ích khi nói chuyện với các bậc cha mẹ khác đang có trẻ bị các vết bớt tương tự.
Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa...cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com